Nguyên nhân chủ quan

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân (Trang 31 - 32)

Mức độ hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân vẫn còn chưa tốt là do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, chưa xây dựng được một chính sách tín dụng cụ thể và thích hợp với từng thời kỳ

Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân có một hội đồng quản trị và ban điều hành hoạt động tương đối hiệu quả, thực tế là thời gian qua nhờ chính sách đổi mới đúng đắn của họ mà ngân hàng mới được phát triển như ngày nay. Từ một phòng giao dịch đã được đưa lên chi nhánh cấp 1, hạng 2. Tuy nhiên, đối với vấn đề hạn chế rủi ro tín dụng, chi nhánh chưa có một phòng thẩm định tín dụng riêng biệt, mà hiện đang nằm trong phòng kế hoạch - kinh doanh. Là một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam, phòng vẫn phải thụ động, chờ sự chỉ đạo cũng như hướng dẫn của cấp trên. Nhiều khi các chỉ đạo này đến muộn, không kịp thời, hoặc chưa bao quát được tình hình của chi nhánh cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản trị rủi ro tín dụng tại đây.

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của cán bộ tín dụng và công tác thẩm định tín dụng

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân chưa có phòng quản lý rủi ro tín dụng riêng biệt, vẫn còn nằm trong phòng kế hoạch kinh doanh quản lý. Một nhân viên phải đảm trách nhiều trách nhiệm, dễ chồng chéo, ôm đồm dẫn đến công việc hoàn thành đạt kết quả không cao. Do vậy, việc thẩm định khách hàng còn chưa kỹ, chưa sâu, chưa hiểu hết được bản chất cũng như khả năng tài chính của khách hàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dư nợ cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân.

Thứ ba, hệ thống thông tin của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân chưa được hoàn thiện

Thông tin đầy đủ, chính xác là yếu tố không thể thiếu được để có một quyết định tín dụng đúng đắn. Tuy nhiên, hệ thống thông tin phục vụ cho kiểm soát và tổ chức chỉ đạo

điều hành hoạt động tín dụng còn yếu kém so với tiêu chuẩn thế giới. Thiếu thông tin cho phân tích đánh giá, dự báo và hoạch định tín dụng, thông tin cho phục vụ kiểm soát hoạt động tín dụng chậm và độ chính xác thấp, các kênh thông tin khá phân tán, chia rẽ chưa được tổng hợp khoa học. Điều đó đã hạn chế kết quả công tác hoạch định tín dụng, không nắm được chính xác tình trạng tín dụng, giảm chất lượng việc thẩm định đánh giá khách hàng, dự án khoản vay để đưa ra quyết định chính xác.

Thứ tư, công tác kiểm tra kiểm soát sau khi cho vay

Công tác kiểm tra kiểm soát của ngân hàng sau khi cho vay còn bị buông lỏng đặc biệt với những doanh nghiệp có quan hệ tín dụng lâu dài. Đây là đối tượng mà cán bộ tín dụng thường có tâm lý cả nể, tin khách hàng mà bỏ qua chế độ kiểm tra định kỳ. Vì thế, ngân hàng đã không thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của doanh nghiệp, gây nên những khoản nợ quá hạn.

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Thanh Xuân (Trang 31 - 32)