Mẫu Dx30 đến Gx30: Chương trình kiểm toán

Một phần của tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình kiểm toán mẫu (Trang 26 - 28)

Người lập CT/ Người thực hiện

Người lập chương trình kiểm toán cho từng khoản mục/phần hành (người thiết kế các thủ tục kiểm toán) được khuyến khích là trưởng nhóm kiểm toán hoặc chủ nhiệm kiểm toán. Người soát xét chương trình kiểm toán đã lập là chủ nhiệm kiểm toán hoặc thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán (đối với các phần hành trọng yếu).

Người thực hiện tùy theo phân công thường là người thấp hơn 1 cấp so với người lập chương trình. Người thực hiện phải hiểu được các thủ tục chi tiết do cấp cao hơn đưa ra, có trách nhiệm trao đổi khi

không hiểu hoặc có ý kiến bổ sung khác. Việc quy định trách nhiệm lập/thực hiện chương trình kiểm toán tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của nhân viên và chính sách quản lý chất lượng kiểm toán của từng công ty.

Thời điểm thực hiện

Việc lập chương trình được thực hiện trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán. Một số thủ tục có thể được bổ sung trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Việc thực hiện chương trình được thực hiện trong quá trình kiểm toán tại đơn vị.

Cách thực hiện

Việc lập chương trình kiểm toán cho các khoản mục/phần hành nào là tuỳ thuộc vào tình hình thực tế có phát sinh và là khoản mục trọng yếu theo đánh giá của KTV ở từng doanh nghiệp (ví dụ: đơn vị có TSCĐ thuê tài chính thì mới lập Mẫu D800 – TSCĐ thuê tài chính).

Việc thiết kế các thủ tục kiểm tra cơ bản tùy thuộc vào việc đánh giá rủi ro sai sót trọng yếu của KTV sau khi đánh giá rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát ở các Mẫu A310, A400 và Phần C liên quan đến tìm hiểu khách hàng và môi trường hoạt động, chính sách kế toán và hệ thống KSNB, cũng như đánh giá hoạt động của hệ thống KSNB.

Trên cơ sở đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu, KTV cần xem xét tác động đến phạm vi, nội dung và lịch trình của các thủ tục kiểm tra cơ bản ở các mức độ tương ứng là cao, trung bình, thấp trên cơ sở áp dụng toàn bộ các thủ tục kiểm tra cơ bản theo mẫu hoặc có lược bỏ hay bổ sung các thủ tục khác.

Nếu mức độ kiểm tra cơ bản là cao hoặc trung bình: KTV phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán tối thiểu theo hướng dẫn của Chương trình kiểm toán mẫu và có thể cần bổ sung các thủ tục khác nếu có những rủi ro đặc biệt cần tập trung. Số lượng cỡ mẫu nhiều hay ít tỷ lệ thuận với mức độ kiểm tra cơ bản ở mức cao hay trung bình và tùy thuộc vào đánh giá rủi ro của KTV cũng như số lượng và chất lượng bằng chứng kiểm toán được thu thập từ các phần hành liên quan khác.

Nếu mức độ kiểm tra cơ bản là thấp: Đồng nghĩa với việc KTV có thể dựa vào hệ thống KSNB của khách hàng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa các sai sót và gian lận trọng yếu. KTV có thể giảm bớt các thủ tục kiểm toán kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ và số dư, thay vào đó, tập trung vào các thủ tục chung, thủ tục phân tích, thủ tục đối chiếu số liệu tổng hợp và chi tiết, thủ tục soát xét các nghiệp vụ/số dư bất thường, thủ tục kiểm tra tính đúng kỳ và tính trình bày.

Cần ghi rõ tên người thực hiện các thủ tục kiểm tra cơ bản và đánh tham chiếu đến các giấy tờ làm việc liên quan. Mọi thủ tục do chủ nhiệm kiểm toán hoặc thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán đã phê duyệt, nhưng chưa được thực hiện, nhóm kiểm toán cần phải giải thích lý do và trưởng nhóm kiểm toán cần đánh giá ảnh hưởng của việc chưa thực hiện thủ tục đến tính đầy đủ và thích hợp của các bằng chứng kiểm toán đã thu thập.

Ở phần kết luận, cần dựa trên tổng hợp bằng chứng thu thập được từ tất cả các thủ tục để đưa ra kết luận phù hợp. Nếu có các chênh lệch kiểm toán cần điều chỉnh, cần điền số tham chiếu của giấy tờ làm việc liên quan trong phần “ngoại trừ các vấn đề sau:….”

Phần “Kết luận khác” chỉ được sử dụng trong trường hợp chủ nhiệm kiểm toán và thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán không thể nhất trí với kết luận của phần hành kiểm toán, muốn bảo lưu ý kiến của mình nếu vấn đề là trọng yếu (như nêu ở Mẫu B120 thì thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán cần yêu cầu một thành viên khác của BGĐ hoặc chuyên gia khác, độc lập với nhóm kiểm toán và đơn vị được kiểm toán để thực hiện thủ tục kiểm soát chất lượng làm cơ sở giúp thành viên BGĐ đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp).

Trách nhiệm kết luận về mục tiêu kiểm toán đã đạt được chưa là tùy thuộc vào chính sách quản lý chất lượng kiểm toán của mỗi công ty. Thông thường, người thực hiện cũng sẽ là người kết luận. Còn trưởng nhóm kiểm toán/chủ nhiệm kiểm toán/thành viên BGĐ phụ trách cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm soát xét lại công việc đã thực hiện và đưa ý kiến soát xét (nếu có) trong Mẫu B120 để nhân viên liên quan có thể xem xét, sửa đổi lại giấy tờ làm việc cho phù hợp trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Liên kết với giấy tờ làm việc khác

Một phần của tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình kiểm toán mẫu (Trang 26 - 28)