2/ Thực trạng hệ thống chính sách ban hành tác động tới sản xuất-chế biến xuất khẩu rau quả
2.2 Chính sách tự do lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường
Chính sách tụ do lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường đã phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế tham gia sản xuất- lưu thông tiêu thụ hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Về cơ bản từ năm 1992 đến nay, thị trường trong cả nước đã được tự do hóa. Các nông sản hàng hoá cũng như các hàng hoá công nghiệp tiêu dùng và tư liệu sản xuất được tụ do lưu thông rộng rãi trong cả nước. Giá cả được hình thành khách quan trên cơ sở cung-cầu trên thị trường. Tình trạng sản xuất khép kín, tự cung tự cấp được dần dần khắc phục. Sản xuất đã bước đầu hướng ra thị trường mà phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương. Hàng hoá của nước ta xuất khẩu ra thị trường quốc tế với kim ngạch ngày một gia tăng ở cả tầm vĩ mô và vi mô đã tích cực trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trương xuất khẩu. Tuy lĩnh vực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chưa đạt được kết quả mong muốn, nhưng bước đầu đã định hướng cho người sản xuất tập trung vào những hàng hóa có ưu thế.
Trong lĩnh vực sản xuất-tiêu thụ rau quả, chính sách tự do lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường đã có tác dụng rõ rệt. Nếu như trước những năm 1988 luôn xảy ra tình trạng thiếu rau lúc giáp vụ, đặc biệt những thành phố lớn, thì những năm gần đây tình hình cung-cầu về rau quả có xu hướng cân đối. Để đảm bảo cân đối cung-cầu về rau quả, hệ thống thị trường mới đã được hình thành với sự phát triển của hệ thống chợ, các trung tâm thương mại, hệ thống thương mại nhà nước và tư nhân tham gia kinh doanh rau quả. Đặc biệt, xuất hiện nhiều công ty thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia xuất khẩu rau quả. Thực hiện chính sách mở của, thị trường xuất khẩu rau quả được mở rộng theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá. Bên cạnh hệ thống thị trường xuất khẩu truyền thống, nhiều thị trường mới đã được mở ra, ẩn chứa nhiều tiềm năng cho lĩnh vực xuất khẩu rau quả.
Tuy nhiên, chính sách về thị trường vẫn còn nhiều bất lợi cho người sản xuất. Thị trường chưa thực sự hướng dẫn sản xuất, chưa có tác động tích cực đổi mới cơ cấu sản xuất hướng theo nhu cầu thị trường. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, cần đầu tư vào nhưng lĩnh vực thường xuyên về thông tin thị trường tiêu thụ để có quyết định đầu tư sản xuất hợp lý. Tuy vậy, người sản xuất không thể tự giải quyết vấn đề này cho mình, mà đòi hỏi có sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức kinh tế và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường, tổ chức thu thập và xử lý thông tin trong thời gian qua tuy đã có những tiến bộ đáng kể nhưng còn rời rạc về thời gian, thiếu hệ thống từ cơ sở vật chất đến phương thức tổ chức, chưa thực sự trở thành một công cụ mạnh để chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất.
Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chưa làm tốt công tác thu thập, nghiên cứu thông tin về thị trường, chưa phản ứng nhanh nhạy với diễn biến cung-cầu trên thị trường để chủ động điều chỉnh sản xuất do kinh nghiệm tiếp thị còn hạn chế, mặt khác do quỹ đầu tư cho hoạt động tiếp thị còn rất hạn hẹp. Còn ở tầm vĩ mô, hoạt đông của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và phát triển thị trường, xúc tiến thương mại xây dựng các quan hệ song phương và đa phương, tạo điều kiện xuất khẩu rau quả còn rất hạn chế, thiếu chủ động. Hoạt động nghiên cứu tiếp thị thuộc các tổ chức kinh tế, chuyên môn chậm phát triển, còn bị xem nhẹ, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngành rau quả nói chung, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả nói riêng.
Sự yếu kém trong việc xác định hệ thống thị trường xuất khẩu chủ lực và những mặt hàng rau quả xuất khẩu trọng điểm là một trong những nguyên nhân làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất-lưu thông-xuất khẩu rau quả.