Điều kiện khí hậu phức tạp của năm 2010 đã tác động mạnh đến giá rau quả trên thị trường thế giới. Với nhu cầu tăng cao, diện tích canh tác giảm và tình hình thời tiết bất lợi, dự báo giá rau quả trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011. Với nhiều lợi thế trong sản xuất rau quả và mặt hàng xuất khẩu đa dạng, Việt Nam đã xuất khẩu được nhiều loại rau quả tươi cũng như chế biến sang hơn 50 nước trên thế giới nhưng Việt Nam chưa hình thành được các mặt hàng chủ lực, có địa vị thống trị trên thị trường như dứa của Thái Lan, chuối của Philippine, rau tươi và rau chế biến của Trung Quốc. Thị phần của hầu hết các mặt hàng rau quả Việt Nam còn ở mức rất hạn chế, không tạo được tác động chi phối đến thị trường thế giới.
Nguyên nhân của tình trạng đó là tuy đã có những tiến bộ nhất định khả năng mở rộng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu của Việt Nam khá hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường những nước lân cận như Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả, đặc biệt là rau quả tươi sang các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản còn gặp nhiều trở ngại về công nghệ bảo quản và chế biến cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu về hàng nhập khẩu của các thị trường này.
Với thị trường Trung Quốc: Trong những năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn, dễ thâm nhập, yêu cầu về chất lượng không quá cao, nhu cầu tiêu dùng của cư dân cũng rất đa dạng. Các nước khác trong khu vực: Đài Loan và Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 10% và 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các nước ASEAN cũng là những thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam, trong đó Singapore, Malaysia và Indonesia nhập khẩu 1-2 triệu USD/năm.
Nhật Bản: Hiện tại và trong những năm tới, Nhật Bản vẫn là khu vực đầy tiềm năng của nhiều loại rau quả như bắp cải, dưa chuột, khoai tây, đậu quả các loại, dứa, cà chua, thanh long, tỏi, hoa… Đây cũng là những mặt hàng mà nước ta có năng lực sản xuất khá dồi dào. Năm 2003, Nhật Bản đã nhập khẩu một lượng rau quả trị giá khoảng trên 16 triệu USD từ Việt Nam. Tuy vậy, lượng kim ngạch này mới chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Nhật Bản.
Thị trường EU: Do khoảng cách xa và chi phí vận chuyển cao, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu các loại rau quả đóng hộp, nước quả. Các thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực này là Đức, Pháp, Hà Lan, Italia, Anh và Thuỵ Sĩ. Trong những năm gần đây, các nước châu Âu có xu hướng tăng cường nhập khẩu các loại quả nhiệt đới.
Thị trường Bắc Mỹ: Trong những năm qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, đã có những bước tiến đáng kể. Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là rau quả chế biến và nước quả. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, kim ngạch nhập khẩu rau quả chế biến của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng từ 5,0 triệu USD năm 1999 lên 5,7 triệu USD năm 2003.
Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam và Hoa Kỳ xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Hoa Kỳ trở nên dễ dàng
hơn. Nhờ được hưởng quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN), thuế nhập khẩu giảm đáng kể.
Thị trường Nga: Việt Nam được hưởng chế độ GSP của Nga nên chính sách thuế không đặt ra áp lực cạnh tranh đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Thị trường Nga trước mắt và lâu dài còn cần nhiều hàng nông sản, rau, trái cây vùng nhiệt đới. Việt Nam có nhiều cơ hội có thể chiếm lĩnh được thị trường khu vực Viễn Đông của Nga, như đã làm trước kia. Vấn đề đặt ra là cách thức tổ chức sản xuất và xuất khẩu rau qảu từ lúc chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển nội địa, giao hàng lên tàu lạnh.