Nhìn chung, trong quá trình 20 năm thu hút FDI vừa qua, mặc dù đạt được những thành công nhất định nhưng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế rất căn bản.
Thứ nhất, những kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua của Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quan sát sự biến chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian 1988 – 2010 có thể thấy rõ điều này. Ngoại trừ 2 năm 1996 và 2008 dòng vốn FDI đạt đến đỉnh cao của hai giai đoạn tăng trưởng FDI (1988–1996, 2001–2008), thì hầu hết các năm còn lại lượng vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam là không cao. Trong khi đó, tiềm năng phát triển kinh tế ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, những lợi thế so sánh của Việt Nam như tài nguyên thiên nhiên và lao động vẫn chưa được khai thác nhiều. Vì thế, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam cũng không phải là nhỏ. Mặt khác, để tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, mà trọng tâm hiện nay là sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 thì một yêu cầu quan trọng đặt ra cho Việt Nam là cần phải có một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên toàn bộ nguồn vốn FDI thu hút được trong suốt thời gian qua và cả nguồn vốn tích luỹ của Việt Nam về cơ bản vẫn chưa thể đáp ứng đủ và chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng về nhu cầu nguồn vốn cho phát triển. Vì vậy trong thời gian tới, nhiệm vụ của Việt Nam là tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tất nhiên việc thu hút nguồn vốn đó phải dựa trên
những sự chọn lọc, tính toán nhất định chứ không thể chỉ chạy theo số lượng nguồn vốn.
Thứ hai, từ việc xem xét mối tương quan giữa số lượng dự án FDI và số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp tại Việt Nam trong thời gian 1988 – 2010, có thể thấy quy mô trung bình các dự án FDI ở Việt Nam là tương đối thấp. Ngoại trừ một số lượng ít các dự án có quy mô tương đối lớn và rất lớn từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ USD (nhưng một phần không nhỏ trong số dự án này lại chưa được thực hiện hoặc giải ngân), còn thì phần lớn các dự án FDI ở Việt Nam đều có quy mô trung bình và nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí có nhiều dự án vốn đăng ký đầu tư chỉ khoảng một đến vài trăm ngàn dollar. Hiện trạng về quy mô dự án FDI ở Việt Nam, với đặc điểm nổi trội là sự chiếm ưu thế hơn hẳn của các dự án quy mô trung bình và nhỏ, có thể trong những giai đoạn đầu là khá phù hợp với các điều kiện như tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển, trình độ quản lý và năng lực của lao động Việt Nam, nhưng về lâu dài, để hướng tới các mục tiêu kinh tế – xã hội lớn của đất nước như đã đề ra thì có lẽ việc thu hút và phổ biến nhiều hơn nữa các dự án FDI có quy mô lớn – những dự án mà thông thường đi kèm với nó là những hoạt động sản xuất kinh doanh có quy mô sản xuất lớn, có dây chuyền công nghệ hiện đại hoặc chứa đựng hàm lượng khoa học kỹ thuật cao và có những hệ thống quản lý tiên tiến, sẽ là cần thiết.
Thứ ba, sự phân bổ nguồn vốn FDI theo ngành và vùng thời gian qua còn nhiều bất hợp lý. Xét dưới góc độ ngành, dòng FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Đây cũng là 2 khu vực có tỷ lệ vốn thực hiện cao nhất. Trong khi đó, khu vực nông – lâm nghiệp – thuỷ sản, mặc dù là ngành thế mạnh của Việt Nam và lại được Nhà nước đặc biệt khuyến khích đầu tư lại chỉ thu hút được một số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư ít ỏi. Xét dưới
góc độ vùng lãnh thổ, có thể thấy một hiện tượng phổ biến đó là dòng FDI chủ yếu chảy vào các vùng kinh tế và các địa phương có điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội, nhất là về kết cấu hạ tầng, như khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng hay các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Trong khi đó, các vùng và địa phương còn lại, nhất là các địa phương thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, chỉ thu hút được một lượng FDI rất hạn chế cho phát triển kinh tế, mặc dù có thể khẳng định ngay một điều rằng rất nhiều địa phương trong số này có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là về tài nguyên thiên nhiên, và cũng thuộc diện được Chính phủ Việt Nam khuyến khích đầu tư. Điều này góp phần làm cho độ chênh hay khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, các khu vực của Việt Nam có vẻ như ngày càng gia tăng hơn trước.
Thứ tư, dòng FDI chảy vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu lại là từ các quốc gia và các công ty nước ngoài có quy mô nền kinh tế, quy mô sản xuất kinh doanh tương đối nhỏ, năng lực tài chính và công nghệ có hạn. Theo thống kê, trong số 500 TNCs lớn nhất thế giới thì cho đến giữa thập kỷ đầu của thế kỷ XXI chỉ có khoảng 100 TNCs đăng ký đầu tư trực tiếp ở Việt Nam. Rõ ràng, con số này là quá thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc24. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thu hút được một nguồn vốn FDI lớn từ phía những nhà cung cấp FDI hàng đầu thế giới về cả giá trị nguồn vốn và chất lượng nguồn vốn như Mỹ, Nhật Bản, EU25, đặc biệt là từ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7)26. Do đó, hiệu quả mà nguồn
24 Các tài liệu cho biết đến khoảng nửa đầu thập kỷ đầu của thế kỷ XXI có khoảng trên 450/500 TNCs lớn nhất thế giới đã có các dự án FDI ở Trung Quốc.
25 EU (European Union): Liên minh châu Âu.
26 G7 (Group of seven): Nhóm này hình thành vào năm 1976 trên cơ sở nhóm G6. G7 gồm các quốc gia: Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Liên hiệp Anh, Canada.
vốn FDI đưa lại cho Việt Nam thời gian qua vẫn chưa thực sự lớn như mong muốn và kỳ vọng ban đầu. Một ví dụ điển hình đó là, Việt Nam xem việc thu hút FDI như là một biện pháp để cải thiện và nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ của nước ta lên một bước. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn các dây chuyền sản xuất, kỹ thuật công nghệ mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam là các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật công nghệ đã cũ kỹ, lạc hậu so với thế giới, thậm chí có những dây chuyền, kỹ thuật công nghệ từ những năm 60 của thế kỷ XX, số lượng các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật công nghệ tiên tiến là tương đối ít. Vì vậy, chẳng những trình độ kỹ thuật công nghệ của Việt Nam không được cải thiện một bước, tiếp cận gần hơn với trình độ kỹ thuật công nghệ tiên tiến của thế giới mà như không ít nhà nghiên cứu đã dự báo Việt Nam sẽ có thể phải đối diện với nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghệ của thế giới nếu không có những biện pháp cần thiết trong việc quản lý và cấp phép cho các dự án FDI.
Thứ năm, Việt Nam cũng đã và đang phải đối mặt với một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp có vốn FDI gây ra. Trong thời gian qua, do chưa có nhiều kinh nghiệm và lại chỉ chú trọng đến việc làm sao để thu hút được nhiều nguồn vốn FDI vào Việt Nam nên vấn đề bảo vệ môi trường nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải, tiếng ồn, khói bụi, các loại khí có hại cho môi trường, do nhập khẩu ô nhiễm,… của doanh nghiệp có vốn FDI đã và đang ngày càng diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đe doạ đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân. Thực trạng đáng báo động đó đã thực sự làm gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với dư luận xã hội cũng như đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà
quản lý, các cơ quan chức năng của Việt Nam về bài toán được mất giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường. Trong quá khứ và hiện tại, vấn nạn ô nhiễm môi trường có lẽ là cái giá phải trả không thể tránh được của Việt Nam, và ngay cả nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng đã phải trả, trong chặng đường xây dựng, phát triển nền kinh tế đất nước. Rõ ràng, ở phương diện này, quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nhà cung cấp FDI chính là cách để các quốc gia, nhất là các nước phát triển, vừa thu về lợi nhuận nhưng lại vừa tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường ở quốc gia mình không phải không có lý. Trong tương lai, liệu Việt Nam có còn tiếp tục phải chấp nhận bài toán được mất này hay không? Vì vậy thách thức đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới là cần nhanh chóng tìm ra các biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp FDI gây ra thời gian qua, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến môi trường có thể xảy ra ở các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới, đồng thời cần phải điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng có chọn lọc, thu hút những nguồn FDI vừa có chất lượng cao vừa thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Như vậy, trên đây là những hạn chế rất căn bản trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam. Những hạn chế đó đã và đang gây ra hệ quả nhiều mặt đối với nền kinh tế – xã hội Việt Nam, trong đó có nhiều hệ quả nghiêm trọng trước mắt có thể thấy ngay được nhưng cũng có những hệ quả về lâu dài mà chúng ta chưa thể lường hết được, chưa nhìn thấy được ngay như những tác động về tài nguyên thiên nhiên, đất đai, sự đa dạng sinh học, môi trường, về sự phát triển con người. Vì vậy, việc khắc phục, giải quyết những hạn chế đã tồn tại và tìm ra phương hướng, biện pháp để giảm thiểu và phòng tránh
những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới thực sự là những vấn đề nổi cộm, là yêu cầu bức thiết đang đặt ra cho các nhà xây dựng chiến lược, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Giải quyết nhanh chóng những vấn đề này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, từ đó phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong tương lai.