Về lý thuyết thì việc tham gia AFTA có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN vì hàng rào bảo hộ của các nước đó cũng được cắt giảm tương ứng khi Việt Nam cắt giảm bảo hộ của mình. Trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN sẽ là một thị trường rộng lớn nằm kề trên với số dân khoảng 500 triệu của ASEAN-10, có đòi hỏi về chất lượng không quá cao và các ưu đãi sẽ được mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam. Có thị trường tiêu thụ mới với tièm năng, sức mua lớn là một yếu tố giúp Việt Nam
huy động các tiềm lực về lao động và tài nguyên của mình vào sản xuất để phát triển xuất khẩu.
Ảnh hưởng của việc thực hiện AFTA trên thực tế với tốc độ tăng và tỷ trọng của kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với ASEAN và đối với sản xuất hàng xuất khẩu được phân tích dưới góc độ sau.
2.3.1-/ Cán cân thương mại.
Trong mấy năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng bình quân kim ngạch buôn bán của Việt Nam với các nước ASEAN là 27%. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đã chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Nhưng xét ở cán cân buôn bán thì kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu trong buôn bán hai chiều với ASEAN. Mặc dù xuất khẩu đã gia tăng đặc biệt nhờ mặt hàng chủ đạo là dầu thô xuất sang Singapore, nhưng triển vọng gia tăng xuất khảu của Việt Nam sang các nước ASEAN chưa có những hứa hẹn thay đổi mạnh do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
2.3.2-/ Cơ cấu hàng xuất khẩu.
Với cơ cấu xuất khẩu như hiện nay lợi ích mà Việt Nam thu được từ AFTA không đáng kể. Sản phẩm xuất sang thị trường ASEAN gồm: dầu thô, gạo đậu, cao su, ngô, hạt điều, rau quả tươi, thủy sản, thép, gỗ, than thiếc, da thuộc, hàng thủ công. Chỉ có một số rất ít trong số các mặt hàng này hiện đang được hướng thuế suất ưu đãi theo hiệp định CEPT.
Trong khi dầu thô và hàng nông sản chưa chế biến nguồn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại nằm ngoài danh mục cắt giảm. Có thể dễ dàng nhận thấy cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam với nhiều nước ASEAN không khác nhiều lắm. Indonesia, Thái Lan, Philippin là những nước xuất khẩu nông sản chưa chế biến rất mạnh.
Nếu Việt Nam có xuất các sản phẩm nông sản sang các nước này chỉ mang tính chất bổ sung chứ chưa phải tính cạnh tranh. Với cơ cấu xuất khẩu như vậy Việt Nam hầu như không thu được nhiều lợi ích từ AFTA.
Nếu như cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng mạnh những sản phẩm công nghiệp chế biến thì sự cắt giảm đáng kể về thuế có thể trở thành một nhân tố kích thích đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam so với hàng hoá các nước ASEAN trên thị trường nước này còn rất yếu ớt, bởi vì những hàng hoá công nghiệp mà Việt Nam đang và sẽ sản xuất cũng tương tự như các hàng hoá của các nước ASEAN. Với trình độ công nghiệp thua kém hơn thì Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh trên thị trường ASEAN dựa trên tính độc đáo của chủng loại và mẫu mã hàng hoá. Vì vậy, việc cắt giảm thuế nhập khẩu của các nước ASEAN sẽ không làm tăng rõ rệt sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên các thị trường này.
2.3.3-/ Thị trường xuất khẩu.
Xét về bạn hàng, 2/3 doanh số buôn bán của Việt Nam với ASEAN là thực hiện với Singapore. Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu qua Singapore và được tái xuất tiếp tục sang các nước khác. Singapore là cảng trung chuyển chứ không phải là điểm tiêu dùng. Vốn dĩ đã từ lâu là một cảng tự do, hệ thống thuế xuất nhập của Singapore 98% (57.000 mặt hàng) của Singapore hiện đã nằm trong CEPT với thuế xuất bình quân 0 tức là miễn thuế hoàn toàn.
Với các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Philippin, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản chưa chế biến. Những nước này, cũng xuất khẩu hàng nông sản rất mạnh và nhiều mặt hàng nông sản chưa chế biến đều được các nước này xếp trong danh mục hàng nông sản nhạy cảm để chưa phải thực hiện cắt giảm thuế.
Có thể nhận xét rằng CEPT chưa làm thay đổi cục diện của xuất khẩu Việt Nam sang ASEAN. Chỉ khi mà Việt Nam chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất và xuất khẩu theo hướng sản xuất ra những hàng hoá nằm trong danh mục cắt giảm thuế của CEPT, thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thêm được thuận lợi về yếu tố giá cả khi muốn xuất khẩu sang ASEAN.
Đối với xuất khẩu sang các thị trường ngoài ASEAN thì lợi ích mà AFTA đem lại cho sản xuất của Việt Nam là giảm giá thành sản xuất, nhờ mua được các vật tư đầu vào với giá hạ hơn từ các nước ASEAN. Tuy nhiên cũng cần thấy các nước ASEAN khác cũng xuất khẩu sang thị trường thế giới những hàng hoá tương tự Việt Nam, và với AFTA họ cũng hướng những lợi ích tương tự. Do vậy trong tương lai, lợi ích mà AFTA mang lại cho xuất khẩu Việt Nam là ở chỗ tạo ra sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế nhiều hơn là trong thị trường khu vực. Điều này cũng phù hợp với nhận định của chúng ta rằng Việt Nam tham gia vào ASEAN không có nghĩa là chuyển hướng thị trường của Việt Nam chủ yếu vào khu vực mà hơn thế nữa, thông qua ASEAN/AFTA sẽ giúp Việt Nam mở mang các thị trường khác.
Như vậy, cục diện xuất khẩu của Việt Nam có chuyển hay không tuỳ thuộc ở ý chí vươn lên của chính người Việt Nam hơn là tuỳ thuộc ở việc tham gia CEPT/AFTA. Điều hiển nhiên là những quốc gia có trình độ phát triển cao hơn như Singapore hoặc Malaysia khi thực hiện CEPT sẽ có ưu thế hơn trong việc mở rộng thị phần hàng hoá, trong đó CEPT đặt trước Việt Nam nhiều thử thách hơn. Nên đòi hỏi trong thời gian tới Việt Nam cần đề ra các chính sách và biện pháp khắc phục tình trạng này để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hướng về xuất khẩu hội nhập vào khu vực do Đại hội VIII đề ra.