Chính sách tiền tệ

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn tài chính quốc tế SỰ TỒN TẠI BỘ BA BẤT KHẢ THI TẠI VIỆT NAM 2009 - 2010 (Trang 25)

Sau năm 2009 với mục tiêu kích thích kinh tế bằng động thái nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ lãi suất đã gây ra áp lực lạm phát cao trong giai đoạn cuối 2009 và đầu năm 2010. Do đó, Thủ tướng đưa ra Chỉ thị số 2164/CT- TTg yêu cầu Ngân hàng nhà nước (NHNN) “Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tổng lượng tiền trong lưu thông nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định vĩ mô và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đi đôi với kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng”.[15]

Bên cạnh đó, những nhiệm vụ được đề ra cho ngành Ngân hàng trong năm 2010 được chỉ rõ trong Nghị quyết số 18/NQ-CP và Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và ngoại hối, theo đó:

Điều hành lượng tiền cung ứng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM), nền kinh tế, tác động làm giảm mặt bằng lãi suất thị trường: (1) Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, làm tăng nguồn vốn để cho vay, giảm chi phí huy động vốn và tác động ổn định tỷ giá, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; (2) Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý; (3) Giảm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, hoán đổi ngoại tệ; (4) Cho vay tái cấp vốn trực tiếp cho NHTM có quy mô nhỏ nhằm ổn định thị trường tiền tệ.

Chỉ đạo tăng tái cấp vốn cho nông nghiệp nông thôn, hướng dẫn các NHTM thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận bằng VNĐ, điều hành linh hoạt các mức lãi suất, kết hợp với các biện pháp khác để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp. Điều hành linh hoạt lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất

cơ bản (giữ ổn định các mức lãi suất điều hành trong 10 tháng đầu năm; từ 05/11/2010, điều chỉnh tăng 1%/năm các mức lãi suất điều hành); Phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để tạo sự đồng thuận giữa các thành viên về mặt bằng lãi suất huy động VNĐ.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn và gói kích thích kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tập trung vốn cho vay chi phí sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do vậy, các nhà điều hành chính sách của NHNN đã tỏ ra thận trọng hơn khi áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt và từng bước nâng cao tiêu chuẩn an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trước tiên, Thông tư 13 (Thông tư 19 sửa đổi) ban hành ngày 20/5/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 quy định việc tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR từ 8% lên 9% và tổng số vốn cho vay không vượt quá 80% tổng số vốn huy động được. Đồng thời Thông tư cũng nâng hệ số rủi ro của những khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản lên tới 250%. Về cơ bản, những quy định của Thông tư 13 được xây dựng theo hướng nâng cao hơn các tiêu chuẩn an toàn, siết chặt hơn việc sử dụng các nguồn vốn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, 23 NHTM buộc phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, đến tháng 12/2010 vẫn có trên 10 NHTM chưa đáp ứng quy định, buộc NHNN phải lùi thời hạn này thêm 1 năm nữa.

Thứ hai, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó quy định hộ sản xuất và hợp tác xã vay vốn từ 50-500 triệu đồng không phải thế chấp, cầm cố tài sản; ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cho vay vốn đối với nông nghiệp và nông thôn với lãi suất thấp hơn lĩnh vực khác, thông qua giảm dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn, mở rộng mạng lưới TCTD. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay đối với xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 27,65% (giảm dần

trong 3 tháng cuối năm); tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn tăng 23,2%, cao hơn năm 2009 (18,8%).

Thứ ba, Trong 10 tháng đầu năm, lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn ổn định ở mức 8%/năm, kết hợp với điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở và giám sát việc thực hiện các tỷ lệ an toàn của TCTD, đã điều tiết lãi suất huy động và cho vay giảm dần theo chỉ đạo của Chính phủ (đến cuối tháng 10, lãi suất huy động VND bình quân 10,44%/năm, cho vay 13,18%/năm). Hai tháng cuối năm, NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản và tái cấp vốn tăng 1%/năm, kết hợp với điều hành chặt chẽ lượng tiền cung ứng, quy định trần lãi suất huy động VND 14%/năm để ổn định thị trường tiền tệ, đã làm tăng lãi suất thị trường và giảm cầu tín dụng (cuối tháng 12, lãi suất huy động VND bình quân 12,44%/năm, cho vay 14,96%/năm, cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu 12-14%/năm; lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng 9,5 - 12%/năm).

Thứ tư, Tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay được giải ngân năm 2009 và các khoản cho vay năm 2010 theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 11/12/2009 và Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009; cuối tháng 12, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 95.000 tỷ đồng, trong đó cho vay hỗ trợ lãi suất lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 8.000 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách 28.000 tỷ đồng.

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn tài chính quốc tế SỰ TỒN TẠI BỘ BA BẤT KHẢ THI TẠI VIỆT NAM 2009 - 2010 (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(59 trang)
w