Young (1773 – 1829) là người có trí tuệ phát triển đặc biệt. Năm 1801 ông cho ra đời thuyết sóng ánh sáng, đã giải thích được hiện tượng giao thoa ánh sáng, ông cũng chính là người đầu tiên đưa vào quang học khái niệm giao thoa. Năm 1802 ông đã tìm ra một định luật đơn giản và tổng quát để xác định vị trí cực đại, cực tiểu giao thoa. Lần đầu tiên trong lịch sử Young đã đo được độ dài của bước sóng của ánh sáng đỏ (0,7μm), ánh sáng tím (0,4μm) và một vài ánh sáng khác mặc dù lúc đó khái niệm về bước sóng ánh sáng chưa được hình thành trong vật lí học.
Lý thuyết của ông không được nhiều người chú ý đặc biệt ở quê hương ông nó bị chỉ trích nặng nề và nhất là sau khi Malus (Maluyxơ) phát minh ra hiện tượng phân cực ánh sáng và giải thích nó bằng thuyết hạt ánh sáng. Cho đến lúc này thuyết sóng ánh sáng dựa trên quan niệm sự truyền sóng dọc trong mội trường đàn hồi. Do vậy nó không giải thích được sự không đối xứng của ánh sáng trong hiện tượng phân cực.
6.1.2. Fresnel và sự củng cố thuyết sóng ánh sáng
Từ 1815, Fresnel (1788 – 1827) đã bắt đầu đấu tranh chống lại thuyết hạt ánh sáng. Tháng 11 năm 1815 Fresnel gửi tới viện hàn lâm khoa học Pari công trình khoa học đầu tiên về nhiễu xạ ánh sáng. Năm 1816 Arago mời ông về làm việc trong phòng thí nghiệm viện hàn lâm Paris trong mười tháng. Từ đó về sau ông có những công trình xuất sắc về quang học và năm 1823 ông được bầu làm viện sĩ viện hàn lâm khoa học Pháp.
Fresnel đã nghiên cứu hiện tượng nhiễu xạ và kết luận rằng thuyết sóng ánh sáng giải thích hiện tượng đó tốt hơn thuyết hạt. Trong một thời gian ngắn từ 1821 đến 1832 ông đã xây dựng xong toàn bộ quang học sóng cổ điển.