Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ tài chính vi mô hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại tỉnh đồng nai đến năm 2020 (Trang 25)

3.3.2.1 Nhân sự và đào tạo TCVM : NHNN cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực về lĩnh vực quản lý TCVM, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Nghị định 28/165 cũng như chiến lược phát triển TCVM của Chính phủ. Bên cạnh đó cần bổ sung, thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn chất lượng cao cho bộ phận chịu trách nhiệm về hoạt động TCVM, tổ chức các khóa huấn luyện về quản lý, điều hành TCVM, đề cao việc mời chuyên gia quốc tế tới làm việc tại Việt Nam. NHNN cũng luôn vận động, thay đổi để phù hợp với sự thay đổi chung của nền kinh tế trong đó có TCVM; giải pháp gia tăng số lượng cán bộ có chất lượng, tâm huyết cho ngành TCVM tháo gỡ các vấn đề phát sinh một cách liên tục, rút ngắn thời gian, khoảng cách giữa quản lý và thực hành TCVM.

3.3.2.2 Thiết lập lộ trình cho cơ chế tín dụng lãi suất bao cấp: Cơ chế tín dụng lãi suất bao cấp cho người nghèo hiện đang ngày càng bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh tiến trình thị trường hóa của NHCSXH cũng như các ngân hàng tham gia hoạt động TCVM. NHCSXH được bao cấp trên thị trường đồng nghĩa với việc thu hẹp cạnh tranh, dù cố gắng như thế nào đi nữa, không tổ chức nào có thể cung cấp khoản vay cho người nghèo mà lãi suất thấp hơn NHCSXH - do đó lợi thế khi cạnh tranh về “giá” hiển nhiên thuộc về NHCSXH. Tất nhiên ngân sách nhà nước cũng phải bù đắp hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và chưa có dấu hiệu khoản bù đắp này sẽ giảm xuống. TCVM buộc phải giới hạn phạm vi cạnh tranh trên lĩnh vực còn lại - “chất lượng dịch vụ”. Chính điều này cũng khó khuyến khích ngân hàng thương mại tham gia vào lĩnh vực TCVM.

3.3.2.3 Thiết lập cơ cấu phù hợp cho sự phát triển của các tổ chức TCVM: Việc ban hành các Nghị định về TCVM của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của NHNN là nhằm tạo thuận lợi và không làm cản trở hoạt động của ngành trong bất kỳ phương diện nào. Theo quan điểm và đánh giá của các chủ thể liên quan, đây là cơ hội để chính thức hoá lĩnh vực TCVM. Tổ chức TCVM có tư cách pháp nhân sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khoản vay thương mại, huy động tiết kiệm cũng như các hoạt động tài chính khác. Tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều khó khăn khi tổ

chức TCVM trước khi chính thức hoá: Một số tổ chức chưa đủ vốn; gặp khó khăn trong việc chứng minh khả năng quản lý theo một quy trình phù hợp và chính xác theo luật định trong thời gian ngắn; hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nơi khó tìm đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Sắp tới nên có lộ trình để khu vực tư nhân được tham gia vào TCVM, điều này cũng phù hợp với xu hướng chung trên thế giới.

3.3.2.4 Chiến lược chi tiết phát triển TCVM của NHNN đến 2020: Mục tiêu phát triển TCVM đến 2020 của NHNN nên bao hàm cả định tính và định lượng như: Số lượng tổ chức TCVM hoạt động, khả năng bao phủ, thị phần kỳ vọng đạt được, hướng ra quốc tế ... Đồng thời có lộ trình cụ thể hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo; Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin cho các tổ chức liên quan; Hình thành hiệp hội/mạng lưới TCVM làm đầu mối chia sẻ thông tin; Xây dựng thông tin hệ thống chuẩn để các tổ chức TCVM ứng dụng và phát triển.

Một phần của tài liệu tóm tắt luận án tiến sĩ tài chính vi mô hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại tỉnh đồng nai đến năm 2020 (Trang 25)