Đồng Nai đã và đang có những việc làm thiết thực để tìm ra hướng đi mới, mô hình giảm nghèo bền vững, phù hợp với người nghèo địa phương. Với đề xuất cốt lõi là cần làm những gì để cung cấp, tạo thêm việc làm cho người nghèo trên toàn Tỉnh giúp họ bám trụ tại địa phương, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và đứng vững trên đôi chân của chính mình. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị về TCVM hỗ trợ XĐGN tại Đồng Nai, bao gồm:
3.3.3.1 Mạnh dạn chuyển đổi mô hình hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ nông dân: Ngoài phần hỗ trợ phát triển ngành TCVM như đã đề cập tại phần trước, cuộc chiến chống đói nghèo tại Đồng Nai cần nhiều bộ phận tham gia, cùng phối hợp; sự thành công của TCVM không thể tách rời khỏi các hợp phần này. Đồng Nai nên có lộ trình thí điểm, thay đổi các bộ phận ban ngành có phần nặng hình thức và thiếu hiệu quả như: Ban khuyến nông, khuyến ngư, phòng nông nghiệp thành dạng các công ty dịch vụ nông nghiệp, từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường; trước áp lực cạnh tranh, các công ty dịch vụ này sẽ có sự kết nối với TCVM để đạt được mục tiêu đề ra. Sau thời gian thử nghiệm, đánh giá, hội đủ điều kiện sẽ nhân rộng ra toàn Tỉnh.
3.3.3.2 Từng bước thay đổi hình thức hỗ trợ người nghèo: Để giải quyết vấn đề XĐGN tại Đồng Nai thì vốn là vấn đề hết sức quan trọng, năm 2011, ngân sách địa phương (chưa kể Trung ương) dành cho XĐGN khoảng 254 tỷ đồng, đây là nguồn
kinh phí khá lớn, thể hiện sự quyết tâm của Đồng Nai trong XĐGN. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp người nghèo mất sức lao động, thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác cần phải cứu trợ; thì nguồn kinh phí này nên từng bước chuyển sang dạng “tài chính – tín dụng” dành cho người nghèo. Xét về lâu dài, không thể bao cấp hết cho người nghèo mà chỉ có thể hỗ trợ họ, theo hướng đó thì tín dụng với nguyên tắc có vay - có trả mới là nguồn vốn lâu dài, bền vững giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
3.3.3.3 Chuyên môn hóa nhân sự XĐGN ở các cấp: Đảm bảo đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ổn định, lâu dài, chuyên trách, nhất là ở cấp xã, sẽ tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo. Để đạt được điều này, Đồng Nai xem xét cho chủ trương hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, tạo điều kiện cho họ đảm bảo đời sống, an tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cán bộ XĐGN cấp xã chuyên nghiệp sẽ là một sự trợ giúp đắc lực cho tổ chức TCVM và các công ty dịch vụ nông nghiệp tác giả đã đề xuất Tỉnh thí điểm ở trên. Sự kết hợp, chủ động về nhân sự sẽ là nền tảng để công tác XĐGN lâu dài, bền vững.
3.3.3.4 Cơ chế đặc thù TCVM cho vùng đồng bào dân tộc: Đồng Nai đang tồn tại một thực tế tỷ lệ nghèo cao nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi các dân tộc ít người sinh sống, do trình độ văn hóa thấp, không nói rõ tiếng Kinh nên họ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận thông tin, tích lũy kiến thức cộng với thiếu kỹ năng lao động, nhận thức kém, không tự biết tổ chức cuộc sống. Vì vậy, những nỗ lực XĐGN của chính quyền thu được kết quả rất hạn chế so với các khu vực dân cư khác. Do đó các tổ chức TCVM hoạt động tại khu vực này cần có những hỗ trợ đặc biệt, nhằm duy trì sự hoạt động thường trực, tiếp xúc thường xuyên với người nghèo dân tộc.
Kết hợp TCVM với sự hỗ trợ kỹ thuật của các hợp phần khác trong chương trình XĐGN, từng bước cung cấp vốn đi cùng với hướng dẫn cách sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Sự đồng hành bền bỉ của TCVM và phương pháp linh hoạt trong giải ngân và giám sát vốn phù hợp với nhu cầu, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thiết thực chính là cơ sở để tin rằng đây là cách khả quan để giúp bà con dân tộc đi lên trong cuộc sống.