Bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu KHÁI QUÁT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ KINH TẾ SINGAPORE (Trang 25 - 29)

III. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA SINGAPORE ĐỐI VỚI VIỆT NAM

2.Bài học kinh nghiệm

2.1. Sớm "mở cửa" nền kinh tế, chủ động thực hiện hội nhập

Sau khi giành độc lập, do ý thức được một cách rõ ràng tình trạng đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên - tiềm năng vật chất để phát triển kinh tế nghèo nàn nên Singapore đã thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu để đi lên và phát triển. Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Singapore trong những năm 1980 đã xác định nền kinh tế Singapore gắn liền với ngoại thương, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Xuất phát từ một nền kinh tế phát triển ở trình độ thấp, Singapore cần một lượng vốn rất lớn để đổi mới cơ cấu và hiện đại hoá nền kinh tế. Vì vậy, ngay từ đầu họ đã rất chú trọng đến nguồn vốn bên ngoài, cụ thể là nguồn vốn đầu tư trực tiếp. Singapore cho phép các nhà đầu tư quốc tế đầu tư qua rất nhiều hình thức trong đó hình thức liên doanh được chú ý nhiều hơn để tạo nền tảng cho nền công nghiệp quốc gia. Về đối tác đầu tư, Singapore chủ trương không phân biệt để tận dụng khả năng về vốn từ nhiều nguồn khác nhau; trong đó quan tâm nhiều hơn đến các đối tác có "công nghệ nguồn" (công nghệ cao) là Mỹ, Nhật bản...

Vấn đề hướng đầu tư cũng được xác định rõ trong các thời kỳ: ban đầu do cơ sở kinh tế ở điểm xuất phát thấp, Singapore chủ trương thu hút FDI vào phát triển những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nhanh tạo ra sản phẩm xuất khẩu như dệt may, lắp ráp thiết bị điện...; cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghiệp điện tử và các ngành kỹ thuật cao, hướng thu hút đầu tư tập trung vào những ngành như sản xuất hàng điện tử, máy vi tính, lọc dầu... Nhà nước có chính

sách ưu tiên cho những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế với những chính sách ưu đãi hợp lý.

Trong những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới kinh tế, Việt Nam đã chọn chiến lược nghiêng nhiều hơn về phía mô hình công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu. Mô hình công nghiệp hoá cổ điển tuy tạo ra các nước công nghiệp phát triển nhất ngày nay, nhưng phải kéo dài hàng trăm năm nên đã không còn được nêu ra làm bài học nữa. Trong khi đó công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu đã không chỉ duy trì được tính bền vững của quá trình công nghiệp hoá mà còn được coi như sự "thần kỳ" với những thành tích tăng trưởng kinh tế và biến đổi xã hội hết sức ngoạn mục. Điển hình trong số các nền kinh tế như thế là Singapore và bài học về sự phát triển kinh tế của họ rất có ích cho Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế này.

2.2. Chính sách cơ cấu kinh tế hợp lý

Khi mới giành độc lập, nền kinh tế do lịch sử để lại có cơ cấu thiên về các hoạt động kinh tế buôn bán chuyển khẩu và dịch vụ tái xuất khẩu. Đây là hoạt động đem lại phần lớn nguồn thu cho quốc gia. Với những định hướng chủ động trong chính sách đầu tư, Singapore đã hoạch định một chiến lược cơ cấu ngành nhằm một mặt khai thác những ngành truyền thống để tạo việc làm và vốn tích luỹ, mặt khác hướng tới một cơ cấu có những ngành sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, mang lại thu nhập cao và có khả năng đẩy nhanh tốc độ phát triển của toàn nền kinh tế. Việc thực hiện chính sách cơ cấu như vậy trong khoảng 20 năm đã đưa đến kết quả khả quan: một tỷ lệ cao trong xuất khẩu trực tiếp đã dần thay thế cho mậu dịch quá cảnh, sự chủ động trong hoạt động kinh tế tăng cao.

Việt Nam có thể tìm hiểu bài học kinh nghiệm này cho việc đầu tư phát triển những làng nghề truyền thống của mình nhằm cải thiện hoạt động sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn; từng bước giải quyết việc làm, nâng cao tỷ trọng

đóng góp của khu vực nông thôn trong nền kinh tế cho hợp lý với tiềm năng của khu vực này.

2.3. Chính sách thị trường và thương mại

Xuất phát từ truyền thống là trung tâm buôn bán chuyển khẩu quốc tế và thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, chính sách thị trường là một bộ phận đáng chú ý của chính sách kinh tế của Singapore.

Chủ trương chung là giữ vững thị trường và tận dụng mọi cơ hội để mở rộng thị trường; và để làm được điều đó cần kết hợp sự trợ giúp, nâng đỡ của chính phủ với nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Singapore. Trong chiến lược thị trường, Singapore đặc biệt chú ý việc đa dạng hoá thị trường cùng với phát triển những thị trường quan trọng có ưu thế về địa lý, dung lượng như ASEAN, Mỹ, EU...

Do điều kiện tự nhiên, Singapore phải nhập khẩu hầu hết các nguyên nhiên liệu phục vụ cho đời sống và sản xuất (kể cả nước ngọt phải nhập từ Malaysia); chính phủ luôn chủ trương tự do hoá thương mại, mở cửa thị trường. Điều này thể hiện ở chính sách bạn hàng của Singapore là mở rộng hết thảy các mối quan hệ. Singapore có quan hệ ngoại giao với 152 quốc gia, tổ chức quốc tế, có chân trong các tổ chức quốc tế lớn UN, APEC, ASEAN, WTO, NAM... và đã ký Hiệp định Đảm bảo đầu tư với 22 nước và Tránh đánh Thuế hai lần với 38 nước/ khu vực/ lãnh thổ. Như vậy Singapore đã có được thị trường xuất khẩu và nhập khẩu rộng lớn đa dạng cho phát triển kinh tế.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và trước ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hoá kinh tế, Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường và liên kết kinh tế. Singapore đã ủng hộ Việt Nam trong việc Việt Nam gia nhập ASEAN; và Việt

Nam có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Singapore trong quá trình vận động gia nhập WTO - tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu.

2.4. Chính sách khoa học công nghệ

Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá, nhằm hiện đại hoá đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở cả thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế, ngay từ đầu khoa học công nghệ đã được chính phủ Singapore rất quan tâm. Chính sách khoa học công nghệ của Singapore tập trung chú ý đến việc xây dựng năng lực kỹ thuật - công nghệ để có thể dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao. Theo đuổi chính sách đó Singapore đã có những biện pháp khuyến khích khá táo bạo, có thể kể như:

- Các khuyến khích liên quan đến thuế: việc nhập khẩu bằng phát minh, sáng chế, bản quyền, các máy móc thiết bị và nguyên liệu được miễn thuế nhập khẩu; giảm hai lần thuế cho những phụ phí R & D của các công ty xuyên quốc gia có lập cơ sở nghiên cứu và phát triển của họ ở Singapore.

- Nhà nước có sự hỗ trợ về nhiều mặt cho các doanh nghiệp, các công ty trong việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Chẳng hạn để đảm bảo cho các doanh nghiệp có thông tin tương đối chuẩn xác trên thị trường công nghệ quốc tế (đây là thị trường luôn thiếu hụt thông tin), chính phủ Singapore đã thiết lập một hệ thống các cơ quan đại diện xúc tiến đầu tư và đổi mới công nghệ tại các nước phát triển. Các cơ quan đại diện trực tiếp bắt mối, sàng lọc các nhà đầu tư và làm dịch vụ cho các dự án kinh doanh quốc tế của Singapore tại nước ngoài. Ngoài ra, nhà nước còn lập các điểm chuyên ngành xúc tiến mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cho việc đổi mới kỹ thuật của các ngành mũi nhọn trong nền kinh tế.

- Thành lập các công viên khoa học, các trung tâm nghiên cứu để huy động mọi nguồn lực cho sự nghiệp hiện đại hoá kỹ thuật, công nghệ của nền kinh tế một cách hiệu quả. Giống mô hình ở nhiều nước phát triển, từ đây các chương trình nghiên cứu, triển khai đã được thực hiện bởi sự kết hợp nỗ lực của nhà nước, của các công ty (trong nước và quốc tế) và của các viện nghiên cứu cũng như các trường đại học ở Singapore. Đặc biệt các trung tâm này đã thu hút nhiều công ty lớn quốc tế mở mang hoạt động nghiên cứu và triển khai. Chẳng hạn IBM đã đầu tư 30 triệu USD trong vòng 5 năm để thành lập một trung tâm thiết kế "chip" điện tử ở Singapore. Công ty Hwelett-Packard tăng gấp đôi chi phí nghiên cứu và phát triển trong năm 2000. Công ty Sunmicrosystem có kế hoạch trợ giúp chính phủ thực thi kế hoạch biến Singapore thành trung tâm thương mại điện tử khu vực. Ngoài ra Singapore còn ký thỏa thuận với một số trung tâm đào tạo quản lý của Pháp của Mỹ để mở mang các chi nhánh đào tạo ở Singapore26.

- Có sự định hướng của chính phủ nhằm tập trung nguồn lực vào những ngành nghề mũi nhọn và có triển vọng trong tương lai như kỹ thuật sinh học, dược phẩm, thiết bị y tế và thiết bị thông tin liên lạc hiện đại... Việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như kết cấu vật chất hạ tầng, có chiến lược khai thác tiềm năng khoa học và công nghệ của các công ty đa quốc gia... cũng là những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại nhất vào Singapore.

Thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách khoa học công nghệ của Singapore trong thời gian qua đã đem lại những lợi ích kinh tế rất to lớn, giúp nền kinh tế Singapore đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ và hiện đại.

Một phần của tài liệu KHÁI QUÁT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ KINH TẾ SINGAPORE (Trang 25 - 29)