Thương hiệu NamABank cần được thể hiện trên tất cả các phương tiện làm việc và các sản phẩm dịch vụ. Quần áo đồng phục của cán bộ nhân viên phải thể hiện được màu sắc đặc trưng, có gắn biểu tượng cũng như tên gọi của ngân hàng.
Tăng cường liên kết với hệ thống bưu chính viễn thông và truyền thông để quảng bá thương hiệu NamABank.
3.3 Phát triển đa dạng các tiện ích của thẻ để kích cầu
Thay đổi giá dịch vụ và điều kiện phát hành.
- Nên hạ thấp hạn mức tối thiểu: nếu duy trì hạn mức tối thiểu như hiện nay thì nhóm khách hàng có thu nhập trung bình ở thành phố vẫn ít có khả năng tham gia sử dụng thẻ.
- NHNA nên giảm tỷ lệ phí và dần tiến tới thực hiện “ba không” - Không phí phát hành, không phí thường niên, không phí giao dịch.
Không ngừng phát triển đa dạng các tiện ích của thẻ.
NHNA tiếp tục đầu tư công nghệ, nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, của thị trường để thiết kế và đi vào ứng dụng những sản phẩm có tiện ích cao.
3.4 Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nam Á
Xây dựng chính sách khách hàng với tiêu chí khách hàng là tài sản quan trọng, là yếu tố tạo nên cơ hội kinh doanh của Ngân hàng để Ngân hàng có thể đạt được mục tiêu tối đa hoá giá trị tài sản của mình.
Chủ động và tăng cường các hình thức tiếp cận và duy trì các mối quan hệ với khách hàng. Cụ thể là quan tâm đến các khách hàng mới công ty cổ phần mới thành lập, các công ty liên doanh mới tại các khu công nghiệp… đang trong giai đoạn lựa chọn dịch vụ Ngân hàng nói chung và dịch vụ thẻ nói riêng. Ngân hàng cũng cần tổ chức các hình thức tiếp cận khách hàng như các buổi giới thiệu sản phẩm, hội nghị khách hàng thông qua đó giới thiệu sản phẩm, đồng thời cung ứng sản phẩm, dịch vụ miễn phí cho khách hàng. Thông qua đó tạo thói quen cho khách hàng, biến đối tượng khách hàng tiềm năng thành khách hàng thân thiết của Ngân hàng.
3.5 Nhóm giải pháp đầu tư cải tiến, phát triển công nghệ
Thẻ thanh toán là một phương tiện thanh toán hết sức hiện đại với sự trợ giúp của những công nghệ tiên tiến nhất. Chính vì vậy đầu tư cho công nghệ kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển hoạt động thanh toán này, đây cũng là chiến lược nhằm đem lại hiệu quả cao. Trình độ công nghệ là yếu tố quyết định chất lượng và dịch vụ thanh toán thẻ và là nhân tố quan trọng trong việc cạnh tranh với các Ngân hàng thương mại khác.
Chủ động nắm bắt các công nghệ Ngân hàng hiện đại trên thế giới, các loại máy móc hiện đại, cấp tiến để mạnh dạn đầu tư vì mục tiêu phát triển bền vững, tránh trường hợp máy móc thiết bị mới lắp đặt xong đã bị lạc hậu.
3.6 Phân đoạn thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu cho các loại thẻ
Phân đoạn thị trường là bước rất quan trọng trong tất cả các ngành kinh doanh chứ không chỉ riêng đối với dịch vụ thẻ. NHNA cần xác định đối tượng phục vụ của mình để có những sản phẩm và cách thức phục vụ phù hợp. Vấn đề đầu tiên là xác định đúng khách hàng mục tiêu và thị trường mục tiêu. Sau đó thăm dò nhu cầu của họ để có những sản phẩm phù hợp và có chính sách quảng cáo, khuếch trương hợp lý. Có như vậy mới biến những khách hàng tiềm năng trở thành những khách hàng thân thiết của Ngân hàng.
3.7 Nhóm giải pháp hạn chế rủi ro trong phát hành và thanh toán thẻ
• Trang bị kiến thức cho khách hàng sử dụng thẻ
Trang bị kiến thức cho tất cả các chủ thể tham gia trong quá trình phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ là việc cần thiết và thường xuyên. Trước hết cần phổ biến rộng rãi các quy định về sử dụng, thanh toán thẻ cho các chủ thẻ, đưa ra các lời khuyên cho khách hàng khi họ mở tài khoản thẻ tại Ngân hàng như sau:
- Hãy giữ thẻ của bạn cẩn thận, không để nó ngoài tầm nhìn của bạn khi thực hiện giao dịch.
- Nếu nhận thấy điều gì bất thường trên tài khoản hoặc bị mất, đánh rơi thẻ, phải liên hệ ngay với ngân hàng.
- Khi dùng thẻ gửi tiền hay rút tiền thì không được để người khác nhìn thấy bạn bấm số PIN của bạn.
- Không dùng mã số PIN là các số dễ đoán biết như ngày tháng năm sinh, số điện thoại…; Khi có thẻ mới thì phải huỷ ngay thẻ cũ.
- Sử dụng các dịch vụ khống chế số lần giao dịch và số lần rút tiền trên tài khoản thẻ trong một khoảng thời gian nào đó.
Từ việc trang bị kiến thức cho chủ thẻ sẽ giúp khách hàng tự bảo vệ được túi tiền điện tử của chính khách hàng, giảm thiểu rủi ro cho Ngân hàng và đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT).
• Hạn chế rủi ro trong thanh toán thẻ
Hạn chế rủi ro trong thanh toán bằng cách tìm hiểu kỹ về ĐVCNT trước khi tiến hành ký hợp đồng thanh toán thẻ. Theo định kỳ, tổ chức tập huấn và cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết về thanh toán thẻ cho các ĐVCNT. Kịp thời phát hiện những thay đổi lớn về doanh số thanh toán thẻ hoặc những hoạt động bất thường của ĐVCNT…
• Hạn chế rủi ro nội bộ
Thường xuyên kiểm tra hệ thống máy móc, trang thiết bị của mình, đảm bảo tính liên tục và ổn định. Tổ chức theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống thanh toán thẻ 24/24h để kịp thời xử lý khi có sụ cố. Tăng cường kiểm soát các bước thực hiện nghiệp vụ của cán bộ làm việc trực tiếp, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình quy định.
• Đưa ra các biện pháp xử lý giả mạo
Nên áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khi phát sinh các giao dịch giả mạo như: khoá thẻ tại hệ thống và thông báo toàn cầu trên danh sách thẻ cấm lưu hành trong thời gian quy định, thông báo với cơ quan an ninh trong nước và quốc tế để tìm hiểu, ngăn chặn.
• Hạn chế rủi ro kỹ thuật
Bất cứ hệ thống công nghệ nào cũng có những điểm trọng yếu, quyết định lớn đến hoạt động của toàn hệ thống. Do vậy mỗi NHTM nói chung và Ngân hàng Nam Á nói riêng cần phân tích cụ thể toàn bộ lộ trình luân chuyển thông tin của tất cả các giao dịch để từ đó xây dựng phương án dự phòng nếu điều đó xảy ra.
4. Một số kiến nghị
4.1 Kiến nghị với Chính phủ
a. Hoàn thiện môi trường pháp lý
Thẻ là một loại hình kinh doanh mới mẻ và những quy định về nó còn nhiều bất cập. Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản pháp lý cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho sự phát triển của dịch vụ thẻ được đảm bảo mà vẫn khuyến khích các NHTM phát huy được tính chủ động và sáng tạo trong kinh doanh thẻ tại Việt Nam.
Chính phủ cần sớm ban hành các quy định mang tính pháp lý về hoạt động thương mại điện tử trong dịch vụ thẻ hiện nay đảm bảo tính hợp lý, thống nhất, không chồng chéo, gây lãng phí trong đầu tư công nghệ thông tin.
b. Đầu tư xây dưng cơ sở hạ tầng
Đối với lĩnh vực thẻ, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các Ngân hàng đầu tư phát triển và trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh thẻ. Nhà nước nên xem xét việc giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ cho công nghệ thẻ Ngân hàng tại Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu này.
c. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực là chiến lược chung của quốc gia. Đặc biệt, lĩnh vực thẻ Ngân hàng là lĩnh vực áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, đòi hỏi một đội ngũ lao động có đạo đức, tinh thông nghiệp vụ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thẻ, nhà nước cần có chiến lược phát triển lâu dài như: khuyến khích các trường đại học đào tạo chuyên ngành Ngân hàng mở ra những môn học mới nghiên cứu về thẻ Ngân hàng và công nghệ thẻ Ngân hàng.
d. Giữ vững sự phát triển kinh tế xã hội
Nhà nước nên tiếp tục thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị. Có như vậy đời sống người dân mới được nâng cao, từ đó có điều kiện tiếp xúc với loại hình dịch vụ thẻ Ngân hàng. Đó là điều kiện cần để phát triển dịch vụ thẻ tại các NHTM Việt Nam chứ không chỉ riêng với NH Nam Á.
4.2 Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước
a. Hoàn thiện các văn bản pháp lý về phát hành và thanh toán thẻ
Môi trường pháp lý là nền tảng cho việc hiện đại hoá và đóng vai trò quyết định tới sự phát triển dịch vụ Ngân hàng hiện đại, đặc biệt là dịch vụ thẻ Ngân hàng. Tuy đã có một số văn bản pháp lý quy định về phát hành và thanh toán thẻ, nhưng chưa chặt chẽ và chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành một hệ thống văn bản pháp quy hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của dịch vụ thẻ.
b. Hoạch định chiến lược về thẻ cho hệ thống NHTM
Để đảm bảo cạnh tranh theo đúng nghĩa là động lực thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ thẻ. Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên liên hệ trực tiếp với hiệp hội các NHTT thẻ Việt Nam để hoạch định các chính sách, chiến lược và áp dụng trên toàn hệ thống Ngân hàng.
Hiệp hội các NHTT thẻ cần có những quy định nghiêm khắc về chế tài xử phạt đối với những vi phạm về thẻ, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển dịch vụ thẻ tại Việt Nam.
c. Có chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ thẻ
Không chỉ có Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước cũng cần khuyến khích các NHTM đầu tư vào công nghệ thẻ và mở rộng dịch vụ thẻ Ngân hàng bằng những hình thức cụ thể hơn như trợ giúp các NHTM cạnh tranh với các Ngân hàng nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
d. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, đấu tranh phòng chống tội phạm về thẻ
Rủi ro trong nghiệp vụ thanh toán thẻ chiếm phần lớn và thường vượt quá khả năng kiểm soát của Ngân hàng. Hành vi giả mạo thẻ và thực hiện các giao dịch giả đang phổ biến. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các chế tài đối với tội phạm thẻ, phối hợp với Bộ công an nâng cao trình độ của công an kinh tế và các đơn vị có thẩm quyền liên quan đến loại tội phạm này.
e. Hoàn thiện trung tâm chuyển mạch và thanh toán liên Ngân hàng
Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 4 liên minh thẻ ra đời. Đó là SmartLink (tiền thân là Liên minh thẻ của Vietcombank và 17 Ngân hàng thương mại cổ phần), Liên minh thẻ VNBC, Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Việt
Nam (BankNet), Liên minh thẻ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín-ANZ. Nhưng mỗi liên minh thẻ lại có một mạng thanh toán riêng, không liên kết với nhau, gây ra việc lãng phí nguồn lực. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải đóng vai trò là đầu mối để thống nhất thị trường thẻ Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://namabank.com.vn/
2. http://docs.4share.vn
3. Báo cáo tài chính năm 2011 của Ngân hàng TMCP Nam Á
4. TS. Nguyễn Minh Kiều – Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbgriht
Nghiệp vụ Ngân hàng Thương mại
5. Th.S Nguyễn Hoàng Lê – Giảng viên trường Cao Đẳng Kinh tế - Công nghệ TP Hồ Chí Minh