2.1. Kết quả đạt được
Qua các chỉ tiêu đã phân tích ở trên ta thấy được hoạt động cho vay tiêu dùng của NHCT- Chi nhánh Bình Định đang ngày càng được mở rộng. Biểu hiện ở cả số tuyệt đối và cả số tương đối của doanh số, dư nợ, lợi nhuận từ hoạt động cho vay tiêu dùng, các điều kiện để khách hàng có thể vay ở ngân hàng càng ngày càng được nới lỏng hơn. Mặc dù tỷ lệ các khoản cho vay có tài sản đảm bảo cao nhưng thời gian vừa qua các khoản cho vay tiêu dùng có nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp.
Hoạt động cho vay tiêu dùng ngày càng mở rộng, mức độ đóng góp vào tổng lợi nhuận từ hoạt động cho vay tuy còn bé nhưng ngày càng tăng. Số lượng khách hàng tìm đến ngân hàng với mục đích vay tiêu dùng ngày càng lớn, điều này góp phần tạo ra một nguồn huy động vốn lớn cho Ngân hàng tại chi nhánh Bình Định nói riêng và toàn bộ hệ thống NHCTVN nói chung. Bởi đối tượng cho vay tiêu dùng : cá nhân, hộ sản xuất, các tầng lớp dân cư cũng chính là đối tượng thu hút tiền gửi tiết kiệm của mọi ngân hàng trong lâu dài, và thực tế đã cho thấy tỷ trọng huy động vốn từ nguồn này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng nguồn vốn huy động bằng việc đa dạng hóa các dịch vụ sản phẩm cho vay tiêu dùng, ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào các hoạt động cho vay đã nâng cao vị
thế và uy tín của Ngân hàng Công Thương tại chi nhánh Bình Định trong quá trình cạnh tranh trên thị trường, là điểm đến an toàn nhiều sự lựa chọn với chất lượng cao cho khách hàng. Qua đó đa dạng hóa được các sản phẩm, dịch vụ, phân tán rủi ro, đa dạng hóa đầu tư, đa dạng hóa khách hàng theo chủ trương, chính sách của ngân hàng. Cho vay tiêu dùng đã thu hút được một số lượng lớn cán bộ công nhân viên của các cơ quan đơn vị làm ăn có hiệu quả , thắt chặt mối quan hệ giao dịch với các cơ quan đơn vị mà cán bộ công nhân viên đó làm việc, làm tiền đề cho kế hoạch sử dụng các sản phẩm của ngân hàng. Từ đó góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, tăng sức mua cho nền kinh tế, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển. Ngoài ra, việc ngân hàng cho phép các cán bộ tín dụng không thuộc phòng khách hàng cá nhân (phòng khách hàng doanh nghiệp) có thể tự mình tìm kiếm khách hàng trong mọi lĩnh vực kể cả cho vay tiêu dùng góp phần tận dụng được mọi mối quan hệ của cán bộ tín dụng, đa dạng hóa khách hàng, từ đó hoạt động cho vay tiêu dùng của khách hàng được mở rộng hơn. Đây là một đặc điểm mà các ngân hàng khác cần phải học tập.
2.2. Hạn chế và nguyên nhân
2.2.1. Hạn chế cần khắc phục:
Mặc dù quy mô cho vay tín dụng ngày càng được gia tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của ngân hàng, chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhu cầu của người dân, chưa có gì đặc biệt để tạo ra ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng số nguồn vốn còn quá thấp, quy mô doanh số cho vay chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh số cho vay của ngân hàng, lãi thu được từ hoạt động cho vay tiêu dùng còn rất nhỏ so với tổng lãi từ hoạt động tín dụng. Trong những năm gần đây, nhất là cuối năm 2008 thị trường cho vay tiêu dùng lên cơn sốt , nhiều ngân hàng với các chiến lược khác nhau như tạo ra nhiều sản phẩm mới, cho vay chỉ trong 1 giờ, 24 giờ thẩm định… đã thu hút được một số lượng khách hàng vay tiêu dùng, tạo ra được một khoản lợi nhuận rất lớn trong lĩnh vực này. Trong khi ngân hàng vẫn chưa có hoạt động gì nổi bật, chưa tạo được sự ấn tượng hay khác biệt nào để có thể cạnh tranh với các ngân hàng khác cho thấy sự kém linh hoạt của ngân hàng trong lĩnh vực này.
Ngân hàng chưa thực sự quan tâm đúng mức vào hoạt động cho vay tiêu dùng. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng còn quá nghèo nàn, chưa đa dạng, không có sản phẩm mới. Ngân hàng mới chỉ chủ yếu cho vay mua sắm , sửa chữa nhà cửa … Dịch vụ cho vay hỗ trợ du học là dịch vụ ít rủi ro, nguồn thu phí tương đối lớn là dịch vụ được nhiều ngân hàng tập trung khai thác, trong khi tại NHCT- Chi nhánh Bình Định, sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Khách hàng vẫn còn chưa đa dạng, chủ yếu là khách hàng truyền thống có mối quan hệ lâu năm với chi nhánh, việc thu hút thêm khách hàng mới không cao và không hiệu quả. Ngân hàng còn thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, chủ yếu là khách hàng tự tìm đến ngân hàng chứ ngân hàng chưa chủ động tìm đến khách hàng. Chưa khai thác triệt để đối với cho vay tiêu dùng đối với cán bộ công nhân viên Nhà nước bởi họ là những người có thu nhập ổn định trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.
Xét về phương thức cho vay, các khoản vay chủ yếu là theo hình thức trực tiếp, hình thức cho vay gián tiếp chưa thực hiện nhiều. Việc kết nối, phối hợp với các trung tâm mua sắm là một biện pháp hữu hiệu trong mở rộng cho vay tiêu dùng đang được nhiều ngân hàng thực hiện trong khi chi nhánh Bình Định không được chú trọng khai thác lắm.
Công tác tiếp thị, marketing của ngân hàng còn hạn chế, dẫn đến việc thụ động ngồi chờ khách hàng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt thì hoạt động marketing rất quan trọng để khách hàng có thể biết và tìm đến ngân hàng.
2.2.2. Nguyên nhân:
Nguyên nhân khách quan:
- Môi trường pháp lý còn chưa hoàn thiện
Hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể đối hoạt động cho vay tiêu dùng . Các ngân hàng chủ yếu sử dụng các văn bản chung như luật các tổ chức tín dụng, quy chế cho vay của tổ chức tín dụng, quyết định về thực hiện chuyển nợ quá hạn...để làm căn cứ cho vay tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, chặt chẽ, khiến cho thủ tục cho vay, điều kiện vay khó khăn gây cản trở cho cả ngân hàng lẫn khách hàng trong hoạt động này.Các phòng công chứng Nhà nước làm thủ tục ảnh hưởng đến việc vay của khách hàng gây cho khách hàng tâm lý không thoải mái,chán nản khi đi công chứng.
- Sự cạnh tranh gay gắt
Trong xu thế hội nhập, nhiều ngân hàng mới được mọc lên tại Tỉnh Bình Định như Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Nam Á… cộng với nhiều chi nhánh ngân hàng khác mở rộng lên làm giảm thị phần của ngân hàng trong mọi lĩnh vực đặc biệt là trong hoạt động cho vay tiêu dùng do các ngân hàng nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của hoạt động này, và ra sức đẩy mạnh nó bằng các chiến lược khác nhau.
- Tâm lý xã hội
Người dân thường có thói quen cần cù, chịu khó, tiết kiệm, thường tích lũy để sử dụng lâu dài, chỉ mua sắm tài sản sử dụng khi tích lũy đủ. Hơn nữa, nhận thức của họ về lợi ích khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, và còn e ngại các thủ tục phiền hà, phức tạp, mất thời gian, trong việc lập hồ sơ xin vay…
Đây là một yếu tố tác động không nhỏ đến việc mở rộng cho vay tiêu dùng.
Nguyên nhân chủ quan
- Hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng chưa được chú trọng, đối tượng chủ yếu mà ngân hàng hướng tới là các doanh nghiệp. Vì thế ngân hàng chưa có chiến lược cụ thể để phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng.
- Khả năng huy động vốn tăng nhưng vẫn chưa khai thác hết nguồn vốn huy động làm cho chỉ tiêu tổng dư nợ còn thấp, thắt chặt việc cho vay với nhiều loại sản phẩm cho vay tiêu dùng khác.
- Hoạt động marketing, tiếp thị đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng chưa được đẩy mạnh. Cán bộ tín dụng chưa chủ động tìm đến khách hàng, làm số lượng khách hàng tìm đến ngân hàng chưa nhiều.
- Công nghệ ngân hàng chưa được đầu tư nhiều.
- Sự kết nối của ngân hàng đối với các kênh phân phối sản phẩm tiêu dùng như siêu thị, trung tâm mua sắm chưa được ngân hàng triển khai nhiều.
- Số lượng cán bộ tín dụng còn ít mà phải chịu áp lực trong việc quản lý nhiều khách hàng nên khó tránh khỏi việc kiểm soát khách hàng chặt chẽ, các khoản nợ đến hạn chưa trả dễ dẫn đến nhóm nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NHCT_CHI NHÁNH BÌNH ĐỊNH