Theo Trần Minh Châu (2001) [2], Phạm Sỹ Lăng (2005) [10] hội chứng đau bụng ngựa do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, khi đau bụng con vật thể hiện trạng thái không yên, bệnh đột phát một cách kịch liệt, nhu động ruột tăng một cách bất bình thường, rối loạn về tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, trao đổi chất.
Đặng Đình Hanh và cs (2005) [3] đã nghiên cứu một số đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng, sinh sản và sinh lý, sinh lý hóa của ngựa Bạch nuôi tại trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi. Các tác giả cho biết: ngựa Bạch nuôi tại trung tâm có khối lượng sơ sinh bình quân là 20,3 kg, 6 tháng tuổi đạt bình quân 88,6 kg, 12 tháng tuổi đạt 117,5 kg, 24 tháng đạt 151,6 kg, 36 tháng đạt 172,8 kg và trên 36 tháng đạt bình quân 182,6 kg.
Theo Phạm Sỹ Lăng (2005) [10] bệnh viêm phổi ngựa là bệnh truyền nhiễm ở ngựa gây ra do vi khuẩn. bệnh vẫn sảy ra lẻ tẻ quanh năm ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta. Đặc biệt bệnh phát sinh thành dịch khi thời tiết chuyển vụ từ cuối thu mát mẻ sang mùa đông lạnh ẩm ở các tỉnh phía Đông Bắc và Tây Bắc nước ta làm thiệt hại nhiều ngựa của đồng bào dân tộc.
Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (2006) [9] khi nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học hội chứng tiêu chảy ở lợn từ sau cai sữa của các hộ chăn nuôi gia đình tại Thái Nguyên cho biết bệnh tiêu chảy chịu ảnh hưởng rõ rệt của lứa tuổi mắc bệnh, các loại thức ăn, nền chuồng và tình trạng vệ sinh thú y. Về độ tuổi mắc bệnh, tỷ lệ lợn tiêu chảy giảm theo tuổi, cao nhất ở giai đoạn cai sữa đến 2 tháng (13,9%), sau đó giảm dần và chỉ còn 5,55% ở lợn trên 6 tháng tuổi. Về thức ăn, lợn nuôi thức ăn tổng hợp dạng viên không qua chế biến, mắc tiêu chảy với tỷ lệ 8,96%. Tỷ lệ này tăng lên khi cho thức ăn truyền thống mang tính tận dụng và ăn rau sống (16,1%).