Có một thực tế là trong số hàng trăm tờ báo xuất bản hàng ngày, hàng tuần hiện nay, cùng với thơ, hầu hết báo nào cũng đăng truyện ngắn của đủ mọi đối tượng người viết. Một đôi bài thơ chiếm ở góc nho nhỏ trên trang báo, thoạt nhìn, tờ báo có vẻ vui mắt hơn, “nữ tính” hơn. Tương tự như vậy, một cái truyện ngắn chiếm một diện tích báo nhiều hơn, cộng thêm một cái minh hoạ cũng làm “mềm hơn” những trang chữ cho “có nếp có tẻ”. Thế là, không chỉ với thơ, truyện ngắn trong không ít trường hợp đã bị dùng với mục đích trang trí cho dễ coi, cho có vẻ “chịu chơi” hơn là những yêu cầu về nội dung và nghệ thuật. Đương nhiên, những truyện ngắn như thế sẽ chẳng bao giờ được coi là những sáng tác văn chương đích thực. Vậy khi thời gian chưa có đủ độ lùi cần thiết để thử thách một sáng tác văn chương và truyện ngắn đã quảng canh thoải mái, việc chọn lọc của những người làm nghề là vô cùng cần thiết. Nó giúp bạn đọc không bị chơi vơi và lạnh nhạt, thờ ơ với truyện ngắn.
Tập Truyện ngắn được giải trong Cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn
nghệ tổ chức năm 1995 (Nhà xuất bản Văn học 1996) là cuốn truyện “đọc
được” và tương đối “có nghề”. Nói vậy là bởi nó được tuyển chọn từ những truyện ngắn hay nhất của một cuộc thi. Hơn nữa, ban tổ chức, ban giám khảo
là những nhà văn có uy tín; tờ báo đăng cai tổ chức- báo Văn nghệ cũng là tờ
báo có “máu mặt” nhất nhì làng văn chương cả nước. Tất cả những yếu tố bảo đảm ấy đủ để bạn đọc phần nào thêm hứng khởi và khá yên tâm về chất lượng các truyện ngắn. Riêng với tôi, từ góc độ văn chương và của một bạn đọc,
thực sự tập truyện khá hấp dẫn và hay (chứ không còn là “đọc được”). Tập truyện có 14 truyện ngắn xuất sắc nhất đoạt giải. Trong số đó có tới 8 truyện kể theo hình thức “nhân vật kể chuyện” và 6 truyện kể theo hình thức “người kể chuyện”. Điều đó thể hiện không khí đổi mới và dân chủ trong các sáng tác văn học và cả trong vai trò trần thuật.
2.1. Mỗi nhân vật kể chuyện là một con người lịch sử cụ thể cá biệt
2.1.1. Nhân vật kể chuyện được sáng tạo không ngừng với tư cách là con người cụ thể và cá biệt, cho nên chúng khá đa dạng và không lặp lại
Có thể nói, về phía tác giả, nhân vật là yếu tố mang theo cảm hứng nhân văn, là sự thể hiện “quan niệm nghệ thuật về con người” của tác giả. Về phía độc giả, nhân vật vì vậy luôn là “chìa khoá” để “giải mã” những vấn đề hiện thực mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Nhà văn luôn nhìn nhận và đánh giá hiện thực thông qua tâm điểm nhân vật và mọi nỗ lực sáng tạo đều nhằm mục đích xây dựng được những nhân vật có cá tính độc đáo và đặc sắc.
Cùng là những nhân vật sinh viên nhưng trong Tìm trầm ( Hoa Ngõ
Hạnh) là câu chuyện của cậu sinh viên năm thứ ba bị kỷ luật vì “tội” đi thi hộ
bạn kể về những người đi tìm trầm; trong Rước chữ (Dương Duy Ngữ) là câu
chuyện của cậu sinh viên năm thứ nhất kể về chuyện rước chữ ở quê mình mà chính cậu là nhân vật trung tâm, người vinh dự được làng chọn rước giá văn;
còn trong Tiếng rừng (Hiền Phương) là câu chuyện tình yêu của chính nhân
vật- cô sinh viên năm thứ nhất với anh sinh viên năm thứ ba. Mỗi nhân vật đều được các tác giả sáng tạo với những nét riêng biệt, đa dạng và mới lạ.
Ở Tìm trầm, mở đầu câu chuyện là nỗi buồn “đến khánh kiệt” và những
nhưng qua hai câu chuyện mà ba cậu kể về cái chết của những người đi tìm trầm, về “lòng người khó đo” thì cậu mới thấy “cuộc đời phía trước còn dài”
và “đàn ông phải can đảm lên”. Trong Rước chữ, từ tâm sự của nhân vật kể
chuyện: “Tôi chưa hiểu việc tôi được làng chọn rước chữ quan trọng và vinh dự như thế nào nhưng thấy mẹ tôi hạnh phúc đến trào nước mắt, lòng tôi cũng
rạo rực, phấn chấn” đã dẫn dắt, lôi cuốn người đọc đến những câu chuyện về
văn hoá, truyền thống của tục rước văn- rước chữ của một làng quê ven sông Hồng; đến cả những chuyện thường ngày, những “hàng rào đạo đức và văn hoá”: “Ở nông thôn, đời nào cũng vậy, cái hàng rào đạo đức và văn hoá đúng với nghĩa của nó như sợi dây vô hình giăng thả mọi nơi. Nó luôn nhắc nhở
con người phải : Người giữ đạo người, Nhà giữ đạo nhà”. Với Tiếng rừng,
tưởng như đơn thuần chỉ là câu chuyện tình yêu sẽ khiến bạn đọc cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thi vị hơn nhưng càng đọc, càng hấp dẫn và có phần huyền bí bởi sự “đánh dấu” hình con thuỷ tức đỏ tươi trong lòng bàn tay anh sinh viên (sau này là người lính) xuyên suốt mạch chuyện; sự bí ẩn của rừng: “Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự đại im khôn ngoan của rừng. Cũng lần đầu tiên tôi nhìn anh và bỗng nhận ra anh- nhận ra sự tĩnh lặng bí ẩn trên gương mặt anh,
một gương mặt thật gần gũi với thiên nhiên mới có”...
2.1.2. Nhân vật kể chuyện quan hệ với các nhân vật khác, trước hết với tư cách là con người cụ thể và cá biệt để tạo nên cái nhìn nghệ thuật riêng
Dấu ấn chân thực của nhà văn ghi lại đậm nhạt khác nhau ở từng truyện. Nhưng nhìn chung, sự thật trải nghiệm của cá nhân chẳng bao giờ còn giữ nguyên vẹn khi nhập vào nhân vật kể chuyện xưng "tôi" trong mỗi câu chuyện. Xét về góc độ tiếp nhận, phương thức tự sự ở ngôi thứ nhất trong
truyện ngắn khác với ký sự, nó vừa lôi kéo độc giả vào trường nhìn của nhân vật kể chuyện, vừa giãn cách họ ra.
Có bao nhiêu phần sự thật trong cuộc gặp gỡ tình cờ giữa "tôi"- anh nhà báo với A Lường- một “ông già dân tộc có bộ râu đen rậm” giữa bản Kun trong chuyến đi công tác một buổi chiều mùa mưa ở Tây Nguyên (truyện
ngắn Lạc bước- tác giả Đức Hậu). Cuộc gặp như một sự sắp đặt để “dẫn
đường” cho một câu chuyện khác cách đó hơn 20 năm về trước: “Tôi và chị nhà báo cùng đến bắt tay ông. Bất chợt tôi gai người khi nhìn sâu vào đôi mắt ông già và một linh cảm lạ lùng như cơn sóng thần dội xuống chế ngự tâm thức tôi. Trong khoảnh khắc, tôi cũng bắt gặp vẻ sững sờ của đôi mắt ấy, nhưng rồi rất nhanh, nó đã trở nên lừ đừ kín như bưng”. Thì ra, giữa hai nhân vật : Hạnh (nhân vật kể chuyện, xưng “tôi”) và A Lường (tên thật là Thìn) có mối quan hệ mật thiết từ trước. Họ cùng có một tuổi thơ ở một làng quê thanh bình của miền Bắc; cùng đến lớp học những chữ cái đầu tiên ở đình làng; cùng chăn trâu, thả diều trên cánh đồng lộng gió của làng Giành; lớn lên cùng học cấp ba; cùng yêu một người con gái ông đồ tên là Duyên và cuối cùng, trước khi vào chiến trường, Thìn đã cưới được Duyên- bông hoa đẹp nhất của làng Giành…
Và cũng có bao nhiêu phần trăm sự thật, phần hư cấu trong sự “trượt dốc” thành “ông già người dân tộc”, “người cõi âm” của Thìn? Trong một buổi đi lấy gạo, trên đường trở về bị lũ cắt đường rồi bị phục kích, đơn vị mỗi người dạt một nơi và Thìn bị thương gẫy chân, được bà con dân tộc mang về bản bó lá thuốc. Cũng từ đó, đồng đội (trong đó có Hạnh) sau khi đi dọc con suối suốt ba ngày để tìm Thìn nhưng không thấy và đã nghĩ Thìn hy sinh nhưng thực sự, từ đó là chuỗi ngày “lạc bước” của Thìn. Anh đã gặp và được AgLơn- chủ đồn điền giầu có học ở Pháp về đứng ra bảo lãnh với bọn dân vệ
đưa về đồn điền của lão. Ở đó, lão bắt anh làm đơn xin hồi chánh. Thìn đã viết và đó là bước trượt đầu tiên của anh vào sự phản bội. Tiếp đó, lão cho anh làm chỉ huy đội bảo vệ và dàn dựng bắt anh giết một tên cướp chuyên nghiệp, sau lão bảo đó là một cán bộ Việt Cộng. Thế là Thìn trở thành kẻ phản bội có nợ máu. Bước trượt sâu hơn là năm sau, anh rơi vào kế hoạch “chọn chồng cho cô con gái ế” của lão AgLơn và trở thành con rể của lão , làm chồng cô Mộng Huyền hơn anh 5 tuổi “người to, thô, tính khí dữ dằn, đã trải qua tay nhiều kẻ và một lần lấy chồng hụt”. Lấy được năm tháng thì cô ta đẻ một đứa con trai, sau có thêm một cô con gái. Trước hôm Tây Nguyên được giải phóng khoảng ba ngày thì AgLơn cùng Mộng Huyền đi Sài Gòn và không bao giờ trở về nữa. Tài sản lão cũng kín đáo chuyển đi lúc nào không biết, còn lại mình anh với hai đứa trẻ và ngôi nhà rỗng tuếch. Mặc cảm tội lỗi, lại lo bị nhận diện, Thìn đã để râu tóc, bỏ nhà đưa hai con đến bản Kun xa xôi này để dựng nhà, phát rẫy làm nương để sống. Từ đó, Thìn “biến thành” A Lường- một ông già người dân tộc. Và rồi, “kẻ phản bội đến ngày nhận sự phản bội”, vợ hắn đã về mang hai đứa trẻ đi với lời nhắn vẻn vẹn hai mươi chữ, không ký tên: “Tôi về đón hai con. Anh đừng tìm vô ích. Nếu được tôi sẽ bảo lãnh cho anh đi sau”. Đã hơn 10 năm, A Lường sống một mình, vật vã
với lá thư ấy và với chính hắn. Đọc Lạc bước, chúng ta coi như chỉ tiếp nhận
được thông tin nếu hoàn toàn bị lôi cuốn vào trường nhìn của nhân vật kể chuyện, nhưng chúng ta sẽ thưởng thức đầy đủ hiệu quả thẩm mỹ khi được giãn cách ra. Chẳng phải ngẫu nhiên tác giả không đẩy xa hơn tình huống dở khóc dở cười trên đây để đi đến một kết thúc…lửng:
“Tôi lặng im nhìn sự vật vã nội tâm trên khuôn mặt khắc khổ nhăn nhúm của hắn. Trước kia hắn mới đẹp trai làm sao. Kẻ đã chết trở lại làm
người đã khó, kẻ phản bội trở lại với nơi mình phản bội còn khó hơn. Hãy cứ để hắn tự định lấy số phận của hắn vậy”.
Dường như chiều lòng bạn đọc, nhân vật kể chuyện, anh nhà báo quyết định để cho Thìn ra đi một lần nữa, nói đúng hơn là sự chạy trốn, sau khi để lại một lá thư “vĩnh biệt”: “Tôi là kẻ phản bội hai lần, không còn quyền trở lại làm người nữa. Số phận đã an bài rồi. Vì tình bạn xa xưa, xin hãy tha thứ cho tôi, đừng tìm tôi nữa”.
Bỏ lại làng Giành một lần nữa, bỏ lại Duyên cùng cậu con trai đã vào học đại học, bỏ lại đồng đội cũ, “vậy là hắn đã qua một cuộc vật lộn cuối cùng với chính mình và đã ra đi. Tôi nhìn theo con đường mòn mờ dần, mất hút giữa rừng đại ngàn. Rừng Tây Nguyên bao la và heo hút, không biết hắn đi về đâu”.
Nhân vật kể chuyện dường như không có mặt trong thế giới các sự kiện và nhân vật nhưng thực ra lại thâm nhập rất sâu vào thế giới ấy đến mức "toàn tri". Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” về danh nghĩa được chứng kiến, kể cả tham gia vào các sự kiện nhưng quyền năng tự sự lại bị hạn chế nhiều. Nếu "tôi" đơn thuần là người chứng kiến sự việc, "tôi" chỉ có thể kể những gì mắt thấy tai nghe; trong trường hợp này tác phẩm hư cấu về mặt hình thức gần với thể loại ký sự. Nếu "tôi" tham gia vào hành động của truyện, quen biết nhân vật này khác trong truyện, "tôi" được kể tự do hơn, nhưng sự hiểu biết của "tôi" về mọi sự kiện, mọi đối tượng phải có cơ sở, nếu không độc giả có thể nghi ngờ: "Sao anh biết chuyện đó? Sao anh biết tâm trạng nhân vật này nọ?".
2.1.3. Con người lịch sử cụ thể và cá biệt ở nhân vật kể chuyện đóng vai trò làm nền móng toàn diện cho người nghệ sĩ trong đó
Nhà văn Anh hiện đại Maugam (1874-1965) trong bài “Kinh nghiệm của một người thực hành” có viết: “Bạn đọc có thể nhận xét rằng nhiều truyện ngắn của tôi được viết từ ngôi thứ nhất. Thủ pháp văn học này cũng cũ như là thế giới vậy. Mục đích của thủ pháp này là giúp cho chúng ta có thể đạt tới sự thật một cách đầy đặn nhất: nếu có ai nói với bạn một điều gì xảy ra với chính họ, bạn thật dễ tin, hơn là họ kể về một chuyện xảy ra với những người khác. Theo cách hiểu của những người viết truyện ngắn, thủ pháp này còn có một ưu thế nữa là nó cho phép tác giả chỉ kể về những gì anh ta biết và bỏ qua những gì không biết, hoặc do điều kiện nào đó, không thể biết được”. Tác giả Vũ Cao Phan đã áp dụng thủ pháp nghệ thuật này khá hiệu quả trong truyện
ngắn Ngày cuối cùng của chiến tranh. Đây là một trong số hai truyện đoạt
giải nhì của cuộc thi (không có giải nhất) bởi sức nặng nội dung cũng như nghệ thuật sử dụng linh hoạt và rất “trúng” của ngôi kể thứ nhất, nhân vật kể chuyện xưng “tôi” trong truyện.
Hai mươi năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất
nước, tác giả mới kể lại câu chuyện Ngày cuối cùng của chiến tranh. Nếu nhà
văn thuật lại câu chuyện này qua lăng kính của một nhân vật khác kể lại thì độ tin cậy còn rất ít nhưng khi đó chính là chuyện của anh Chủ nhiệm trinh sát trung đoàn- người trực tiếp tham gia vào câu chuyện đó, trực tiếp là “tôi” thì nó có một sự hấp dẫn đặc biệt. Ngay từ đầu, truyện đã cho chúng ta cảm giác…tò mò, hồi hộp qua lối vào đề khá tự nhiên: “Không hiểu vì sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa kể ra câu chuyện này, mặc dù còn nhớ như in đôi tay gày guộc của ma xơ run rẩy lần tìm chiếc chìa khoá, vạt sân hoang, những khuôn mặt trẻ con và tiếng kêu thảng thốt của chính tôi lúc đó”. Bạn đọc sẽ tò mò hỏi: Tiếng kêu của nhân vật kể chuyện là tiếng kêu gì và vì sao?
Ở điểm mở đầu (từ “Không hiểu vì sao” đến “trong trường hợp khẩn
cấp”), đối tượng khám phá là các trinh sát tìm thấy đài quan sát để cho các trận địa pháo cao xạ. Cái nhìn của anh trinh sát rọi chiếu vào Cô nhi viện với
sự hoài nghi trong đó có còn lính hay không? Sự khám phá ở đây được bắt
đầu từ chiếc cổng sắt siêu vẹo, phía trong nhô cao một tháp xi măng lênh khênh, có vẻ vừa giống như nhà thờ, lại vừa giống như trường học và giờ nhường cho Cô nhi viện. Năm nguời lính trinh sát được giao nhiệm vụ sẵn sàng đón lõng những đường bay địch ở phía bắc cách xa Sài Gòn vào thời điểm sáng sớm của một ngày trước 30-4. Họ phát hiện chiếc tháp từ chiều hôm qua trên bản đồ mới lấy được của địch và phải mất gần 6 tiếng, họ mới tìm đến nơi. Họ quyết định chọn đây là nơi đóng quân để làm đài quan sát vì đây là nơi “lý tưởng, không thể nói khác được”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự an toàn của cả trung đoàn, vì “chiến tranh cũng chỉ còn một trận đánh này” và chính anh chủ nhiệm trinh sát cũng nghĩ nó không thể kéo dài : “Sẽ đến rất gần một ngày Sài Gòn: ngày mai, ngày kia hay…” khi nghe tiếng pháo từ khắp nơi vọng về.
Trong điểm nhìn nghệ thuật thứ hai (từ “Tôi nói với” đến “như có chút
phân vân”), đối tượng khám phá ở đây là xem xét chỗ tìm và chỗ đóng quân cho đơn vị. Việc đánh giá được thực hiện một cách nghệ thuật, cụ thể hơn từ một cái phòng thừa còn bỏ trống nhưng khoá cửa trong Cô nhi viện. Ma xơ Giám đốc cho biết, đó là “nơi tôn nghiêm nhất, nhà nguyện của Cô nhi viện