thác khoáng sản
Xử lý cơ học là loại các tạp chất không hòa tan ra khỏi nước thải bằng cách gạt, lọc, lắng và lọc. Phương pháp xử lý cơ học thường đơn giản, rẻ tiền, có hiệu quả xử lý chất rắn lơ lửng. Các thiết bị công trình xử lý cơ học thường dùng như: song chắn rác, lưới chắn rác, bể lắng, bể lọc… Song chắn rác thường để loại các loại rác và tạp chất có kích thước lớn hơn 5mm, các tạp chất nhỏ hơn 5mm thường sử dụng lưới chắn. Bể lắng cát để loại các tạp chất vô cơ và chủ yếu là cát trong nước thải có tỷ trọng lớn hơn nước. Các chất lơ lửng kích thước nhỏ được lọc qua lưới lọc đặc biệt hoặc qua lớp vật liệu lọc.
Xử lý bằng phương pháp hóa - lý
Các quá trình hóa - lý sẽ hợp khối các phần tử chất bẩn lại với nhau, chuyển hóa các chất hòa tan trong nước thành các chất không tan, có khả năng keo tụ, qua đó tăng kích thước và trọng lượng, dẫn đến khả năng lắng của chúng, hóa - lý thường được xử lý kết hợp với xử lý cơ học. Các phương pháp hóa - lý thường ứng dụng để xử lý nước thải là: Phương pháp keo tụ, hấp phụ, trích ly, bay hơi, tuyển nổi và được ứng dụng chủ yếu xử lý nước thải công nghiệp, nước thải mỏ vì nó mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, lại rất đắt tiền và thường tạo ra các sản phẩm phụ độc hại hoặc sản phẩm phụ dạng rắn, bền vững trong môi trường, khó xử lý hoàn toàn. Phụ thuộc vào điều kiện địa phương và mức độ cần thiết phải xử lý mà phương pháp xử lý hóa học hay hóa - lý là giai đoạn cuối cùng, nếu như mức độ xử lý đạt yêu cầu có thể xả nước ra nguồn hoặc chỉ là giai đoạn sơ bộ ví dụ khử một vài liên kết độc hại ảnh hưởng tới chế độ làm việc bình thường của các công trình xử lý.
Xử lý bằng phương pháp hóa học
Thực chất của phương pháp hóa học là đưa vào nước thải chất phản ứng phù hợp. Chất này phản ứng với các tạp chất trong nước thải và có khả năng
loại chúng ra khỏi nước thải dưới dạng cặn lắng hoặc dưới dạng hòa tan không độc hại. Ví dụ, phương pháp trung hòa nước thải chứa axít với dung dịch kiềm, phương pháp oxy hóa… Nước thải mỏ than chủ yếu có độ pH thấp, hàm lượng sắt (Fe) và Mangan (Mn) cao, lượng cặn lơ lửng (TSS) lớn, các chỉ tiêu khác nhìn chung đạt tiêu chuẩn môi trường. Bản chất quá trình xử lý nước thải mỏ than bằng phương pháp hoá học là:
- Dùng các chất hoá học có tính chất kiềm (vôi, xút...) để trung hoà axit, nâng cao độ pH, đồng thời tạo môi trường oxy hoá các kim loại nặng Fe, Mn.
Ví dụ: Ca(OH)2 + H2SO4 = CaSO4 + 2H2O
- Dùng các chất trợ lắng (PAC, PAM) để tăng khả năng kết tủa các chất rắn lơ lửng có sẵn trong nước thải hoặc được sinh ra trong quá trình trung hoà để loại bỏ các chất này khỏi nước thải.
Xử lí bằng phương pháp sinh học
Dựa vào khả năng sống và hoạt động của các vi sinh để phân hủy, oxy hóa các chất hữu cơ ở dạng keo. Những công trình xử lý sinh học phân thành 2 nhóm:
- Những công trình trong đó quá trình xử lý thực hiện trong điều kiện tự nhiên: cánh đồng lọc, bãi lọc, hồ sinh học…, quá trình xử lý thường diễn ra chậm.
- Những công trình trong đó quá trình xử lý thực hiện trong điều kiện nhân tạo: bể lọc sinh học, bể làm thoáng sinh học… Do các điều kiện tạo nên bằng nhân tạo nên quá trình xử lý diễn ra nhanh hơn, cường độ mạnh hơn.
Quá trình xử lý sinh học có thể đạt được hiệu suất khử trùng tới 99,9% (trong các công trình trong điều kiện tự nhiên), giảm BOD tới 90 - 95%. Thông thường giai đoạn xử lý sinh học tiến hành sau giai đoạn xử lý cơ học.