Ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ nghệ thuật thơ chế lan viên qua tập điêu tàn (Trang 29)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.2.2. Ngôn ngữ kinh dị, rùng rợn

Trước hết ta hiểu kinh dị, rùng rợn là gì? “Kinh dị là kinh hãi hoặc làm cho kinh hãi bởi điều gì quá lạ lùng” [20; 529], còn rùng rợn “có tác dụng gây cảm giác sợ hãi đến rùng mình, rợn người” [20; 837].Ở Điêu tàn, ta thấy xuất hiện đầy những dự cảm hãi hùng, rợp ngợp của con người thấy mình cô độc trên con đường vô tận “Đường về thu trước xa xa lắm / Mà kẻ đi về chỉ một tôi”. Cậu bé Chế Lan Viên 17 tuổi xuất hiện trên thi đàn như một hiện tượng lạ lùng với tập Điêu tàn”, Hoài Thanh nhận định: “Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX, nó sững sờ như một tháp Chàm chắc chắn vừa lẻ loi, vừa bí mật”. [23;]

Chế Lan Viên cũng thoát li thực tại tìm tới một cõi trời riêng của những sự phi thường, kinh dị tới rùng rợn. Hiện dần ra trong thơ một cõi Âm, một thế giới của cô hồn, tiếng thịt người nảy nở, tiếng xương rên trong mộ, tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi...Với thi sĩ, trời đất cũng mang hình hộp sọ, “tinh cầu - sọ người bay lơ lửng trong không gian Chế Lan Viên, như một thứ hạt giống thi ca gieo vãi hư vô lên từng trang giấy”, nói như Trần Mạnh Hảo thì Chế Lan Viên là một “nhà ma học”.

Sự kinh dị, rùng rợn biểu hiện qua những nhóm từ ngữ gợi lên các bộ phận của cơ thể tan rã như: Máu xương, hồn, tuỷ hoặc gợi đến cái chết đau đớn hoặc cõi âm như: Mộ, mồ, huyệt…

2.2.2.1. Từ ngữ chỉ máu xương

Trong Điêu tàn, Chế Lan Viên đã tạo nên một thế giới của cõi âm và bóng tối với thịt rữa, xương tan, sọ dừa, đầu lâu, máu chảy,.... Có những hình ảnh được tác giả lặp đi lặp lại trở thành những biểu tượng nghệ thuật có khả năng ám gợi rất cao. Máu xương được nhà thơ họ Chế sử dụng trong 60 câu thơ, xuất hiện 63 lần trong 19 bài, đặc biệt có những bài biểu tượng này xuất hiện với tần số cao như: Xương khô 9 lần, Máu xương 8 lần, Xương vỡ máu trào 6 lần. Hai hình ảnh này không tách rời mà thường đi song hành, gắn bó

SVTH: Hà Thị Kim Anh - Khoa: Ngữ Văn Trang: -25-

với nhau và chúng tồn tại trong mối cộng hưởng với những biểu tượng khác (như sọ xuất hiện 14 lần trong 9 bài thơ) tạo nên sức ám gợi cao, ám ảnh tâm trí người đọc. Máu xương gợi về nơi chiến địa của dân tộc Chàm, về một quá khứ đã lùi vào dĩ vãng:

“Nơi, một tối, máu gào vang chiến địa Nơi, loa vang ngựa hí, với đầu rơi”

(Chiến tượng)

Máu xương là sự cụ thể hóa sự lụi tàn và diệt vong của cả một thế hệ, một dân tộc, nó là những nỗi đau của quá khứ:

“Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận

Xương Chàm luôn dào dạt nỗi căm hờn”

(Trên đường về)

Chính vì thế mà khi nhìn màu hoa đào của mùa xuân thi sĩ cũng tưởng đó là “khối máu của dân Chàm”, cành cây là “hài cốt của muôn vạn dân Chiêm” và trời xuân lúc này chỉ là “trời huyết”... Những câu thơ của Chế Lan Viên thật đúng như Egar Poe đã nói: “Làm thơ làm những điều kì lạ dị thường, vượt lên trên mọi giới hạn thông thường”. Những hình ảnh máu xương ngập tràn trong

Điêu tàn chính là một không gian đặc biệt để cái tôi trú ngụ, thả vào đó những đau thương khủng khiếp nhất, “gửi chôn Hận Trần Gian”:

“Ta sẽ uống máu lan cùng tủy chảy Ta sẽ nhai thịt nát với xương khô”

(Máu xương)

Hay:

“Bày ra chi tấn trò đầy xương máu Trong pháp trường u uất khí tanh hôi”

SVTH: Hà Thị Kim Anh - Khoa: Ngữ Văn Trang: -26-

Máu không chỉ xuất hiện một cách đơn thuần mà đã trở thành “suối”: “Nồng tươi như suối máu lúc ban mai”, “Phải chăng còn trào bao suối huyết”, thành “giòng”, “giải”: “Thi nhân sầu nhìn theo giòng huyết cuốn/ Tâm hồn trôi theo giải máu bơ vơ”...

Như vậy trong Điêu tàn, từ ngữ chỉ máu xương là biểu tượng cho không gian của cõi âm, của một quá khứ đã lụi tàn gợi nhắc về một đất nước đã mất. Và hơn hết nó mở ra trước mắt bạn đọc một “thế giới lạ lùng và rùng rợn”. [24; 220]

2.2.2.2. Từ ngữ chỉ Hồn

Trong Điêu tàn, từ ngữ chỉ hồn được trở đi trở lại 61 lần, trong 58 câu thơ của 28 bài. Các từ ngữ như: “hồn”, “linh hồn”, “hồn tử sĩ”, “cô hồn”, “hồn mơ”, “hồn yêu tinh”... được lặp lại rất nhiều như những nốt nhấn cho giai điệu của “máu cuồng và hồn điên”. Hồn không chỉ gắn với ánh sáng mà nó là bóng tối, nó không thuộc về trần thế mà gắn với cái chết và sự hư vô. Đó chính là thế giới vạn cô hồn, những linh hồn tử sĩ, yêu ma của dân Chàm khiến người ta sợ hãi:

“Chiều nay bỗng nhiên ta lạc bước Vào nơi đây, thế giới vạn cô hồn”

(Xương khô)

Hoặc:

“Ta hãy nghe, mơ màng trong cỏ héo Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm”

(Bóng tối)

Nếu trong thơ Hàn hồn là sự phân chia giằng co tới mãnh liệt muốn thoát khỏi đau thương thì trong thơ của Chế Lan Viên, hồn đã vượt thoát hoàn toàn trở thành hồn say, hồn điên,...điên cuồng rồ dại đi tìm về thế giới của những sọ người, yêu ma, thật kinh khủng, hãi hùng và nhiều khi còn không hiểu

SVTH: Hà Thị Kim Anh - Khoa: Ngữ Văn Trang: -27-

chính mình, thấy mình sống vô nghĩa. Có khi hồn tự hào, kiêu ngạo về thế giới mình vừa Tạo lập:

“Cho hồn ta vụt bay lên vòi vọi Trong bóng đêm u ám của hàng mi”

Hồn lạc lối, hồn trôi, hồn bay... là một trạng thái phiêu du vô định, để tâm linh bắt đầu cuộc sống của riêng nó, để sự nghiệm sinh cuộc thoát xác bắt đầu. Đó chính là cảm xúc thoát li, nhưng Chế Lan Viên đã tạo nên một cảm thức khác lạ với Thơ Mới, ông muốn vượt thoát tới không cùng tìm về thế giới của bản thể, xóa nhòa nhận thức và lí trí, tạo ra một cõi ta riêng. Và với khát vọng như thế con người sáng tạo ra những điều phi phàm, khác thường quái dị.

2.2.2.3. Từ chỉ Mộ, Ma quỷ

Với Điêu tàn, Chế Lan Viên đã “lùi xa về dĩ vãng xa xưa, với những người đã chết, dẫm chân lên những nấm mồ đầy hài cốt đã tiêu tan.” [1; 260]. Nghĩ tới Điêu tàn người ta thường nghĩ ngay tới không gian của tha ma, mộ huyệt của máu trào, xương rơi. Chế Lan Viên dẫn đầu một phái đoàn ma, kéo vào thi đàn Việt Nam ông viết Trên đường về:

“Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”.

Mộ được xuất hiện trong Điêu tàn như một tín hiệu thẩm mĩ đặc sắc với 26 lần trong 11 bài thơ, đặc biệt bài Mộ không có tới 9 lần xuất hiện, Xương khô 4 lần. Mộ đi vào trang thơ Chế Lan Viên là biểu tượng của không gian cõi chết, đau thương tang tóc, Điêu tàn. Nó gắn với muôn vạn dân Chiêm, với sọ dừa, yêu ma, cô hồn tử sĩ để cùng với những hình ảnh ấy dựng nên một không gian ma quái rùng rợn của cõi Chết

“Thôi vắng bặt từ nay bao giây phút Mà tiếng cười ghê rợn dậy vang mồ”

SVTH: Hà Thị Kim Anh - Khoa: Ngữ Văn Trang: -28-

Hay:

“Trên một nấm mộ tàn ta nhặt được

Khớp xương ma trắng tựa não cân người”

(Xương khô)

Chế Lan Viên ám ảnh với những ngôi mồ phải chăng vì trong nội tâm có “một nghĩa trang chất chứa những ước muốn bị dồn nén, những mối tình đã mất, những tham vọng tiêu tan, những hạnh phúc đã qua...”, đó là “cái chết tâm lí” theo một cách đặc biệt, “đang tìm kiếm một thế giới còn chứa đựng một cuộc sống bí mật dành cho người đó” [1; 597]. Mộ trong thơ Chế Lan Viên đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc, giàu sức ám gợi, nó không chỉ gợi lên không gian của bóng tối, cái chết mà còn là sự dồn tụ những ẩn ức, là nơi chất chứa những nỗi đau thương tột cùng:

“Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn Là mồ không giá lạnh lùng với sương đông”

(Mồ không)

Mộ đối với thi sĩ là nơi chôn cả dĩ vãng, tương lai: “Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành”.

(Những nấm mồ)

Dĩ vãng và tương lai, cái đã qua và cái sắp tới thì có khác gì nhau, đều là những nấm mồ mà thôi. Đọc thơ Chế Lan Viên người đọc như đang tận mắt nhìn thấy những nấm mộ, cảm nhận được sự sợ hãi “đang rợn tóc gáy”. Nó giúp ông tạo hiệu quả cao trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật thơ.

2.2.2.4. Từ ngữ chỉ Bóng tối

Sự rùng rợn còn thể hiện qua: “Không gian của cõi âm và bóng tối”. Bao trùm cả Điêu tàn là bóng tối, nói như Hồ Thế Hà: “Trong Điêu tàn, không gian bóng tối nhiều hơn ánh sáng, hoàng hôn nhiều hơn bình minh”. Nó được

SVTH: Hà Thị Kim Anh - Khoa: Ngữ Văn Trang: -29-

xuất hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những từ ngữ như: màn đêm, bóng đêm, đêm... với 34 lần xuất hiện trong 20 bài. Trong đó có những bài ngay từ tiêu đề đã thấy hiện lên rất rõ Bóng tối, Đêm tàn, Đêm xuân sầu. Bóng tối là không gian cho những bóng ma, linh hồn, những đầu lâu, máu xương xuất hiện:

“Hay mi nhớ những đêm ma rùng rợn Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi” (Sọ người)

Hay:

“Hỡi những hồn yêu tinh trong bóng tối Những thương vong uổng tử đáy mồ sâu”

(Xương vỡ máu trào)

Nó là không gian của “những sông vắng lê mình”, của “máu gào vang chiến địa”,“tiếng cô hồn lặng thở”, nước non Chàm...Trong bóng tối, thế giới ấy càng hiện lên ma quái, rùng rợn hơn tạo làm cho người đọc đọc những câu thơ có khi cảm thấy gai gai cột sống.

Như vậy, sự phân tích trên cho thấy ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên không giản dị, chân chất như ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính mà luôn tạo cảm giác lạ lẫm, rợn ngợp, hãi hùng trong tâm trí người đọc.

Một phần của tài liệu Ngôn ngữ nghệ thuật thơ chế lan viên qua tập điêu tàn (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)