Nguyễn Trọng Danh Phó Giám Đốc Sở KH&CN Vĩnh Long.
Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long xin có một số ý kiến đóng góp về sổ tay chuyển giao công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Ngay từ đầu nên xác định rõ mục tiêu yêu cầu là chúng ta muốn xây dựng loại tài liệu gì? Nếu là sổ tay phải xác định đây là sổ tay kỹ thuật hay sổ tay kiến thức, sổ tay thực hành, sổ tay phương pháp luận? Để giới hạn nội dung đưa vào tài liệu cho phù hợp. Nghiên cứu dự thảo cuốn sổ tay này, chúng tôi hiểu ý đồ của tác giả là xây dựng phương pháp luận chuyển giao
khoa học công nghệ. Phần I về kinh nghiệm, phần III về kỹ thuật chỉ là các phần bổ trợ để cuốn sổ tay này có tiền, có hậu.
Về mặt nội dung, chưa đáp ứng với dạng sổ tay thường cần thiết cho những người làm công tác chuyển giao công nghệ. Việc biên soạn sổ tay cần đáp ứng:
- Ngắn gọn, dễ hiểu;
- Nội dung mang tính hệ thống, toàn diện từ khâu thiết kế đến khâu thiết lập dự án, tổ chức triển khai, đánh giá kết quả, duy trì và nhân rộng mô hình;
- Trong từng nội dung trên đây nêu rõ việc nên làm và việc không nên làm.
Qua các dự án tại Vĩnh Long có thể rút ra kinh nghiệm để hạn chế những thất bại trong triển khai, đó là:
- Dự án được xây dựng và triển khai phải phù hợp với dân trí, kinh tế – xã hội, có thị trường rõ ràng.
- Công nghệ được chuyển giao phải được áp dụng và đánh giá thông qua sản xuất, có tính ổn định và khả thi cao. Tránh làm thí nghiệm trên lưng người nông dân.
- Việc lựa chọn những hộ tham gia xây dựng mô hình, dự án không nên quá phụ thuộc vào giới thiệu của chính quyền, đoàn thể nơi sở tại mà phải tiến hành điều tra, khảo sát để quyết định để tránh sự chủ quan.
Phần thứ III chủ yếu giới thiệu kỹ thuật một số cây trồng vật nuôi chủ yếu nếu sổ tay này dùng cho cán bộ thì không thực sự cần thiết. Khi chuyển giao công nghệ các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu sẽ tự nghiên cứu đề xuất kỹ thuật nuôi trồng tốt nhất, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái, họ có thể khai thác vấn đề kỹ thuật trên Website.