Dân tộc Mường là một trong những dân tộc thiểu số đông nhất ở miền Bắc nước ta. Dân số của người Mường hiện nay là 1.268.9631 người.
Đồng bào người Mường cư trú trên một địa bàn khá rộng, từ khu vực Hoàng Liên Sơn trước đây, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hà Tây cũ đến Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… Trong đó tập trung đông nhất ở Hoà Bình, được coi là xứ Mường và nổi tiếng qua câu nói “nhất Bi nhì Vang tam Thàng tứ Động” để nói về các xứ mường trong tỉnh, Hoà Bình có dân số trên 80 vạn dân và người Mường chiếm 62,9% dân số. Tên Mường ngày nay không phải là tên gọi của tộc người này mà Mường chỉ là từ dùng để chỉ một dịa bàn cư trú của đồng bào gồm nhiều làng gộp lại hoặc một vùng dưới sự cai quản của một nhà Lang, sau này do sự giao lưu tiếp xúc với người Kinh mà trở thành tên gọi của tộc người. Nhà lang chính là tầng lớp quý tộc của mường, mỗi mường chính là một tiểu vương quốc theo chế độ lang đạo và lang chính là vua.
Người Mường định cư ở vùng núi cao gần đường giao thông thuận tiện cho việc đi lại. Ngay từ buổi đầu người Mường đã biết trồng lúa song chủ yếu là lúa nếp, lúa tẻ và nghề trồng lúa nước sau này mới có và chỉ phát triển ở những vùng thung lũng bằng phẳng hoặc những doi đất nhỏ tương đối bằng phẳng ở chân núi, chân đồi. Giống như nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á, người Mường ở nhà sàn. Nhà sàn của người Mường được xây dựng mô phỏng theo hình dáng của con rùa.
Đối với người Mường nhà sàn có vai trò rất quan trọng, nó có hẳn một truyền thuyết về sự ra đời của mình. Truyền thuyết kể lại rằng khi người Mường mới ra đời họ không có nhà để ở mà phải ở trong hang trong hốc, một hôm ông Đá Cần hay còn gọi là lang Cun Cần bắt được một con rùa đen trong rừng định đem ra làm thịt thì rùa cất lời van xin ông đừng thịt rùa và thả nó ra, đổi lại nó sẽ bày cách cho ông làm nhà để ở, làm kho để lúa để thịt :
Bốn chân tôi nên cột cái Nhìn sườn dài, sườn cụt làm rui
Nhìn qua đuôi làm trái
Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài
Muốn làm mái thì trông vào mai Vào rừng mà lấy tranh lấy nứa làm vách
Lấy chạc vớt mà buộc kèo
Từ đó người Mường biết làm nhà để ở.
Từ những buổi đầu khi còn phụ thuộc vào tự nhiên, cũng như nhiều dân tộc khác người Mường cũng có quan niệm vạn vật hữu linh và quan niệm về thế giới của ngưòi chết trong văn hoá truyền thống với một nét độc đáo. Bởi vậy người Mường không chỉ thờ cúng tổ tiên mà còn thờ cúng cả thần cây, thần đá, thần núi rừng… được thể hiện qua rất nhiều lễ hội như lễ mở cửa rừng, lễ đóng cửa rừng, lễ mụ thố…
Về tên gọi, Mường là tên gọi chính thức. Thực ra, Mường là từ dùng để chỉ một địa phương, một khu vực, một vùng (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động). Trước đây người Mường tự gọi mình là Mol (hoặc Mon, Muâl… tùy theo từng địa phương). Ngoài ra người Mường còn có các tên gọi địa
phương khác như: Ao Tá (Âu Tá), Mọi Bi.
Trong vấn đề về nguồn gốc của người Mường có hai căn cứ về nguồn gốc của họ là các tài liệu dân gian của bản thân dân tộc Mường và các tài liệu của các nghiên cứu khoa học.
Trong nguồn tài liệu thứ nhất, cũng như nhiều dân tộc khác người Mường có nhiều truyền thuyết lí giải về nguồn gốc của mình, cụ thể là truyền thuyết về
“chim Ây cái Ứa” được lưu truyền ở dạng các bài mo. Theo truyền thuyết thì
vào thuở xa xưa, khi chưa có con người một năm trời làm hạn hán khiến cho cây cối chết hết, rồi lại có một trận mưa lớn chưa từng thấy làm ra sông suối và các vùng đồi núi, đồng bằng như ngày nay, lúc đó dưới đất mọc lên một cây si. Cây si lớn nhanh như thổi và bị sâu đục mà chết, từ gốc cây si chết đẻ ra một đôi chim. Đôi chim đó là chim là chim Ây (con đực) và cái Ứa (con cái). Đôi chim rủ nhau làm tổ ở cây si rồi cây đa, cuối cùng làm tổ trên hang đá gọi là Hang Hao. Đôi chim đẻ ra trăm ngàn trứng nở ra muôn vật và con người, là người Việt và người Mường bây giờ. Theo như truyền thuyết này thì loài chim chính là vật tổ của người Mường. Ngoài truyền thuyết về đôi chim Ây Ứa, người Mường còn có truyền thuyết về “Nàng Hươu Sao và chàng Cá Chép” để lí giải cho việc tại sao người Mường ở trên núi còn người Việt lại ở dưới đồng bằng. Như vậy ta có thể thấy hai truyền thuyết trên của người Mường cũng giống như truyền thuyết của người Việt về Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng cái bọc trăm trứng lí giải về nguồn gốc của mình dù có những nét khác nhau. Cũng theo như truyền thuyết thì ngay cả trong văn hoá dân gian cũng khẳng định người Mường và người Việt có chung một nguồn gốc.
Theo nguồn tài liệu của các nghiên cứu khoa học thì trên cơ sở của các tài liệu khoa học và nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá, các nhà khoa học đều chung một khẳng định người Mường và người Việt có chung nguồn gốc. Về ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mường có nguồn gốc chung. Về nhân chủng, hai nhóm Mường - Việt cùng những đặc điểm nhân chủng trong loại hình Nam Á thuộc tiểu chủng tộc Môngôlôit phương Nam. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng họ là những cư dân bản địa. Ý kiến được nhiều người tán đồng đó là, tổ tiên người Việt- Mường là người Lạc Việt. Từ sau thế kỷ thứ X, XI Việt và Mường đã bắt đầu tách ra thành hai tộc người nhưng vẫn có sự quan hệ, giao lưu về kinh tế, văn hóa.