Trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn sản xuất đều cho thấy rằng: Năng suất và hiệu quả sản xuất cao hay thấp đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Điều này được xem xét cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hiện có và sẽ có trong tương lai. Cả hai yếu tố này lại phụ thuộc vào các chính sách về dân số, việc làm và sử dụng nguồn nhân lực. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH theo hướng nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế Bắc Ninh cần quan tâm giải quyết một số mâu thuẫn sau:
Thứ nhất: Mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng nguồn nhân lực
Bắc Ninh đang đứng trước tình trạng thừa lao động giản đơn nhưng lại thiếu lao động có trình độ CMKT, chính vì vậy gây nên tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu lao động trên thị trường, Lao động chưa qua đào tạo chiếm tới trên 50% lao động toàn tỉnh, thiếu trầm trọng công nhân lành nghề trong khi đó nhiều sinh viên các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn lại đang thiếu việc làm hoặc phải làm trái ngành. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố trong đó công tác hướng nghiệp là một trong nguyên
nhân quan trọng. Mặt khác, quá trình phát triển KT - XH theo hướng CNH, HĐH ở Bắc Ninh trong thời gian này cho thấy nhu cầu về lao động có trình độ CMKT cao hơn lao động phổ thông. Ví dụ như nhu cầu cho các khu công nghiệp công nghệ cao cần tới hàng chục nghìn lao động mà hướng chủ yếu là lao động có trình độ tay nghề, có trình độ CMKT, các nhà quản lý am hiểu cơ chế thị trường.
Thứ hai: Mâu thuẫn trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực
Cùng với sự chuyển đổi cơ cầu lao động xã hội theo hướng tích cực, trình độ CMKT của người lao động từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này còn chậm, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao, trình độ năng lực của lao động qua đào tạo chưa đàp ứng được yêu cầu của thị trường. Cơ cấu lao động qua đào tạo hiện nay chưa phù hợp cho một tỉnh phát triển theo hướng CNH, HĐH giữa tỷ lệ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật. Công tác đào tạo nghề trong những năm gần đây phát triển tương đối nhanh song chưa đáp ứng được về số lượng cũng như chất lượng. Công tác dạy nghề phát triển thiếu quy hoạch, quy mô cơ sở dạy nghề còn nhỏ lẻ, không đồng bộ, trang thiết bị dạy nghề vừa thiếu lại vừa lạc hậu, tỷ lệ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn còn thấp. Tỉnh chưa có hình thức và cơ chế thích hợp cho việc hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao. Tiềm lực khoa học và công nghệ còn bị hạn chế và thiếu tính đồng bộ.
Mặt khác, Trong công tác đào tạo nghề của Bắc Ninh vẫn chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chưa kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thực tế. Do vậy, cái mà nhà tuyển dụng cần thì người lao động không đáp ứng được, cái mà người lao động có thì nhà tuyển dụng không cần.
Đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng đã là vấn đề khó khăn và phức tạp, song sử dụng một cách có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao lại không dễ dàng. Quá trình đổi mới ở Bắc Ninh nhìn chung đã có những cố gắng trong việc khai thác sử dụng, phát huy tiềm năng nhân lực ngày càng đầy đủ và có hiệu quả hơn vào các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh. Nhưng xem xét một cách toàn diện và cụ thể trong thực tế sử dụng nguồn nhân lực ở Bắc Ninh vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng nhân lực của tỉnh. Điều này thể hiện ở chỗ sử dụng nhân lực có trình độ CMKT không đúng với ngành nghề được đào tạo hoặc dưới khả năng được đào tạo. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã sử dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học vào làm những công việc của lao động phổ thông, cách sử dụng này vừa không đạt hiệu quả cao lại gây lãng phí trong đào tạo nguồn nhân lực.
Trên đây là một số mâu thuẫn đặt ra đòi hỏi tỉnh Bắc Ninh có những quan điểm chỉ đạo và giải pháp đúng đắn nhàm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh.