Không đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, không nhằm đưa lên trang giấy những câu văn chứa đựng những nụ cười hạnh phúc hay nước mắt đắng cay, khơi gợi trong lòng người đọc cả tình thương, tình yêu lẫn giận hờn, trách móc, điểm nhìn bên ngoài chỉ cốt đưa thông tin nhằm phơi bày trạng thái đời sống, xã hội.
Với mục đích ấy, điểm nhìn bên ngoài luôn tạo khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật. Các nhân vật, sự kiện hiện lên với vẻ bề ngoài mà không có sự phân tích nội tâm bên trong. Bản chất, suy nghĩ của con người chỉ được hiện diện qua lời nói, hành động, cử chỉ trong các mối quan hệ.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thị Thu Huệ lựa chọn điểm nhìn trần thuật bên ngoài cho 4 truyện ngắn (X-Men có mùi trường đua, Sống gửi thác về, Phòng chiếu phim số 9, Cú mèo và rượu hoa) trong tập Thành phố đi vắng. Thành phố đi vắng là một bản tường thuật về đời sống hiện đại. Thay vì khắc họa những chân dung con người trên hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, tập truyện là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt, thậm chí biến mất trong đời sống thị thành. Tình người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh sâu sắc. Với lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm cảm xúc tối đa, nhà văn chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là trần thuật trung thành, không tham dự, không mách nước người đọc. Bởi vậy, lựa chọn điểm nhìn bên ngoài để trần thuật hoàn toàn phù hợp với cách viết đảm bảo tính khách quan của sự kiện, từ đó, thể hiện sự trơ lì của xã hội.
Với điểm nhìn bên ngoài, tác giả giống một nhà quay phim, hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau, cặm cụi, tỉ mỉ ghi hình. Mỗi truyện ngắn đưa người đọc tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị cùng những vấn đề phức tạp của nó.
X-men có mùi trường đua là sự song hành của cái ác và sự tầm thường. Với bối cảnh miền biển, cô cave đặc biệt yêu anh mê trò đua chó – tên là X-men. Hơn bốn trang mở đầu truyện ngắn, tác giả trần thuật lại hoàn toàn một cảnh đua chó. X- men và nàng xuất hiện khi say sưa với đàn chó đua nhau chạy. Con người trong không gian này là nhân vật phụ, chó là nhân vật chính, là tâm điểm của đám đông, là tất cả sự hy vọng và niềm say mê của con người.
Kể về nàng – một cô cave, điểm nhìn bên ngoài không soi chiếu tâm hồn, vì thực chất nàng là người sống bản năng và buông thả, suy nghĩ đơn giản và chỉ biết hưởng thụ cho ngày hôm nay: “Nàng cao 1m7, tóc suôn dài, đọc sách tâm lý tình cảm nhiều, đọc báo hàng ngày, xem ti vi các chương trình thời sự, phóng sự, nàng có giá riêng. Khóc than hay tạo dựng bất cứ một lý lịch ái ố mĩ miều nào, giá cũng chẳng tăng”. Nàng về ở với X-Men vì nàng nghĩ anh “sạch sẽ”, vì “mùi của anh giống mùi sâm” (trong khi X-Men tự nhận anh sặc mùi chó). Sống với X-Men, nàng chỉ biết X-Men là huấn luyện viên đua chó, nàng mê “mùi hương cà phê cháy đậm
đặc” của anh mà không biết rằng: X-Men là kẻ giết người. Chuyện giết người được nhắc đến – chưa bao giờ lại nhẹ nhàng và thản nhiên đến vậy. Vụ giết người thứ nhất là khi xuất hiện một cái xác phụ nữ khỏa thân trôi trên biển. Nàng sợ hãi, còn
“X-Men nhìn xoáy vào nàng, thì thầm: Anh giết đấy”. Lời tự thú dửng dưng tột độ này không khiến nàng tin. Đến lần thứ hai, X-Men đã giết người yêu cũ của nàng vì hắn đòi giết nàng. X-Men thừa nhận: “Anh cũng giết rồi.
Có nghĩa không phải anh giết một lần mà là nhiều lần?
Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm gì, hay nói thế nào, em mới chịu tin, là anh đã giết cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ?”
Truyện kết thúc bằng một đối thoại ngắn của hai nhân vật. Một bên nghi hoặc, một bên cố chứng minh là mình đã giết người. Điểm nhìn bên ngoài giúp việc trần thuật lại đối thoại một cách quá lạnh lùng. Nói đến cái chết, đến tội ác, đến việc kết liễu một sinh mạng con người mà nhẹ như không, như bông đùa, khiến người đọc “lạnh sống lưng”. Truyện ám ảnh vì đem lại cảm giác ai cũng có nguy cơ thành nạn nhân của cái ác.
Cũng viết về cái chết, về một vụ giết người, Phòng chiếu phim số 9 còn gây cảm giác ớn lạnh, rùng rợn, sợ hãi khi có những chi tiết kinh dị, ma quái. Điểm nhìn bên ngoài đem tới một lối kể lạnh tanh, không cảm xúc. Không miêu tả tâm trạng, lời văn hoàn toàn chỉ miêu tả bề ngoài và hành động của nhân vật. Một vụ giết người trực tiếp, một xác chết vừa bị giết, một hồn ma quẩn quanh, một người phụ nữ hóa điên, một ông chủ lao đầu vào xe con trai mà chết...Điểm nhìn bên ngoài giúp người kể chuyện làm một việc duy nhất là trần thuật lại chi tiết, sự kiện, ngoài ra, không mảy may miêu tả cảm xúc cá nhân. Truyện kết thúc, vẫn đọng lại trong lòng người đọc câu hỏi về hung thủ đã giết chàng trai, về vai trò của hai ông bà già với ánh mắt tối sâu hun hút. Tất cả diễn ra như một cuốn phim sống động mà điểm nhìn bên ngoài đã trao cho người kể chuyện quyền năng được tỏ tường mọi việc ở một góc quan sát nào đó và chỉ kể lại câu chuyện ở một phần nổi nào đó của một tảng băng chìm.
Trong xã hội hiện đại, con người nhiều khi sống như cái máy cũ mòn, ngày này lặp lại ngày kia nhàm chán. Sống gửi thác về là chuyện của gia đình nhà Tân –
Luyến với thằng con trai Thái Dương. Cuộc sống của gia đình này trôi theo vòng quay giống hệt nhau. Biến động lớn nhất là Luyến chết vì ung thư gan. Cái chết của một con người vốn sinh ra làm ngọn lửa giữ ấm cho gia đình không ai lường trước
được như một điểm thắt trên chiếc đồng hồ cát để rồi mọi thứ hoàn toàn đảo lộn cuộc sống của “hai thằng đàn ông trong nhà” – một lớn một bé mà nếu chỉ nghe cách xưng hô thì không ai biết ai là cha, ai là con. Một sự thiếu vắng đến tội nghiệp, cùng với ảnh hưởng của cái văn minh từ chiếc ti vi, máy tính mà ông ngoại mang về đã làm con người sống như những cỗ máy vô tri. Hành động bản năng, không hề suy nghĩ, không cảm xúc, con người dật dờ như những cái bóng. Con người cá nhân ở đây, đến cái “tôi”, cái “cá thể” cũng không tồn tại. Trang truyện chỉ còn là sự sống của những thân xác vô cảm. Điểm nhìn bên ngoài trong truyện ngắn đã góp phần khắc họa chân dung đời sống nhạt nhòa.
Bằng điểm nhìn bên ngoài, truyện Cú mèo và rượu hoa đem đến cho người đọc một câu chuyện nhiều bi kịch. Đó là người đàn ông tên Nhân vô tâm bỏ vợ con đi suốt mười năm để theo đuổi sự nghiệp riêng, người vợ ở nhà hóa dại trong căn nhà 200 mét vuông bốn bề gió thổi để rồi “lao từ trên lan can lầu hai xuống sân chết ngay, hai mắt mở trừng trừng không làm sao mà kéo cho lại”. Tái giá với chị Túy – người đàn bà có chồng chết vì “nhè đất mà phi xuống”, ông Nhân lại bị vợ chặt đứt gân chân để theo bồ. Hai người em trở về, cô vợ có một mắt “cú mèo”, rồi cũng chết rũ trên cây. Một cô gái bị điên vì bị xương người rơi trúng đầu. Hàng loạt những nhân vật, chi tiết, sự kiện được trần thuật lại bằng điểm nhìn bên ngoài, gợi không khí truyện ma quái. Chính điểm nhìn bên ngoài đã giúp độc giả cảm nhận được hiệu lực mạnh mẽ của ngôn từ chuyển đổi rất nhanh những chi tiết, những sự kiện bị nén lại. Truyện ngắn như một file nén (zip), dồn chặt thông tin và chỉ cảm hết được thông báo của nó khi người đọc giải nén (unzip) bằng cảm thụ của chính mình. Một thứ không gian mê cung rối rắm và phức hợp, một cảm xúc vô tính, trơ lì, phập phồng bất an trải trên mỗi trang truyện.
Khác với điểm nhìn bên trong lấy lời nói bên trong để bộc lộ tâm lý, tính cách của nhân vật, điểm nhìn bên ngoài thường thể hiện ở những lời nói bên ngoài và các hành động vật lý được kể lại. Sử dụng điểm nhìn bên ngoài không có nghĩa là nhà văn không am hiểu đời sống nội tâm của nhân vật. Vì nhân vật hành động nhiều nhưng nghĩ ít, trơ lì, vô cảm nên điểm nhìn bên ngoài là phương tiện đắc lực để tác giả khắc họa một đời sống hiện đại hào nhoáng nhưng “cái tình trong cỏ cây, vạn vật, trong không gian, trong chính cái đám đông ngày càng đông lại dần mất. Sự vô cảm bao trùm. Mức độ tàn nhẫn của con người ngày càng tăng. Người tốt trở nên
nhỏ bé, đôi khi cô độc. Dần dần, chính những người tốt cũng phải vô cảm để sống cho yên” [58].