Đặc điểm điều kiện tự nhiên của Thủ đô không có nhiều thay đổi trong bốn năm 2010 – 2013. Đến hết năm 2013, Hà Nội được tổ chức thành 29 quận/huyện với 577 phường/xã và thị trấn. Đến ngày 01/04/2014, thực hiện Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính Phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, huyện Từ Liêm đã được tách ra để thành lập 2 quận mới là quận Bắc Từ Liêm (4.335,34 ha diện tích tự nhiên và 320.414 nhân khẩu) và quận Nam Từ Liêm (có 3.227,36 ha diện tích tự nhiên và 232.894 nhân khẩu) [6].
Do vậy, tính đến ngày 01/04/2014 tổng số đơn vị hành chính cấp quận/huyện và thị xã trên địa bàn thành phố là 30 (thêm 1 đơn vị hành chính); tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn thành phố là: 584 (thêm 7 đơn vị hành chính) [6].
1.2.1.1. Vị trí địa lý
Thành phố Hà Nội có tọa độ địa lý từ 20°53' đến 21°23' độ vĩ Bắc và 105°44' đến 106°02' độ kinh Đông, trong vùng tam giác châu thổ sông Hồng (nằm chếch về
26
phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng), đất đai mầu mỡ, trù phú được che chắn ở phía Bắc - Đông Bắc bởi dải núi Tam Đảo và ở phía Tây - Tây Nam bởi dãy núi Ba Vì - Tản Viên [15]. Tính đến hết năm 2013, thành phố Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên là 332.452,39 ha [6], nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, nhưng tập trung chủ yếu bên hữu ngạn. Hà Nội nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với 8 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc; Bắc Giang - phía Đông Bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên - phía Đông; Hà Nam ở phía Nam, Hòa Bình - Tây Nam, Phú Thọ - phía Tây; Vĩnh Phúc - phía Tây Bắc.
1.2.1.2. Địa hình
Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển; địa hình đa dạng, bao gồm vùng núi cao, vùng đồi thấp và vùng đồng bằng thấp trũng.
1.2.1.3. Hệ thống thủy văn
Thành phố Hà Nội gồm 10 con sông chính chảy qua và nhiều hệ thống sông nhỏ là phụ lưu bao gồm: sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ hay sông Nam Đồng, sông Sét. Trong đó, Sông Hồng là con sông lớn nhất chảy qua Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ/ao với tổng diện tích khoảng 1.165 ha, trong đó một số hồ đã được cải tạo (nạo vét, kè mái hồ, làm đường dạo, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh chiếu sáng) gồm: Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thủ Lệ, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bảy Mẫu, Thiền Quang...[15].
1.2.1.4. Đặc trưng khí hậu
Khí hậu Hà Nội tiêu biểu cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm biến tính, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, ít mưa. Lượng bức xạ tổng cộng trung bình hàng nǎm ở Hà Nội là 122,8 kcal/cm2 và nhiệt độ không khí trung bình hàng nǎm là 23,6ºC. Do tác động của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn, trung bình 114 ngày mưa mỗi năm.
27
Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9, trong đó, lượng mưa trung bình lớn nhất là vào tháng 7 (lên đến gần 350 mm) [19].
Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn, trung bình 139 ngày mưa một năm. Mùa mưa diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9, trong đó, lượng mưa trung bình lớn nhất là vào tháng 7 (lên đến 550.5 mm - năm 2013).