Việc làm là một trong những vấn đề lớn thuộc chính sách quốc gia của bất kỳ quốc gia nào nhằm đảm bảo sự ổn định phát triển của đất nước. Nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với NLĐ. Có được việc làm, NLĐ mới có được thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Nếu như trước đây (trong thời kỳ phong kiến), theo quan niệm “tam tòng tứ đức” hà khắc, người phụ nữ chỉ có vai trò thứ yếu trong gia đình và xã hội, hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông. Xã hội chỉ đề cao vai trò của nam giới và có những định kiến nặng nề, khắc nghiệt đối với người phụ nữ. Điều đó đã khiến người phụ nữ bị thiệt thòi và tụt hậu so với nam giới. Họ không có hoặc rất ít cơ hội tham gia khẳng định bản thân mình trong các lĩnh vực lao động ngoài xã hội. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội, những tư tưởng phong kiến lạc hậu đã bị lỗi thời, bị xóa bỏ thì việc làm trở nên quan trọng đối với cả nam giới và nữ giới. Vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại đã có sự thay đổi, bởi vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm, có được việc làm cũng có ý nghĩa rất lớn đối với họ. Người lao động nữ cần có việc làm để có thu nhập, bình đẳng với nam giới về kinh tế. Vì vậy, pháp luật cần có sự quy định để đảm bảo sự bình quyền này, đảm bảo cho lao động nữ cũng có cơ hội về việc làm như lao động nam. Vấn đề này đã trở thành nội dung mang tính nguyên tắc được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau. Điều 26 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) của nước ta có quy định về vấn đề này như sau:
1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
34
Như vậy, mọi công dân không phân biệt nam nữ đều được bình đẳng với nhau ở mọi phương diện, mọi lĩnh vực.
Cụ thể hóa tinh thần đó của Hiến pháp 1992 và trên cơ sở nguyên tắc cấm phân biệt đối xử về nghề nghiệp và việc làm, BLLĐ năm 2012 tại Khoản 1 Điều 5 có quy định “Người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Bên cạnh đó Nhà nước phải có trách nhiệm:
Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà...(Điều 153 BLLĐ 2012).
Như vậy, BLLĐ xác định trách nhiệm của Nhà nước để lao động nữ có quyền làm việc bình đằng với nam giới, đồng thời có thể làm việc thường xuyên phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Quy định này xuất phát từ thực tế lao động nữ là người chịu thiệt thòi nhiều, là đối tượng yếu thế hơn so với lao động nam trong tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động. Điều này được giải thích bởi rất nhiều nhà tuyển dụng lao động luôn mang tâm lý không muốn nhận lao động nữ vào làm việc hoặc nếu có thì họ đặt ra những yêu cầu tuyển dụng rất cao, từ đó cơ hội việc làm cho lao động nữ bị hạn chế hơn so với nam giới. Hơn nữa khi có sự thay đổi công nghệ sản xuất, sự sắp xếp lại nhân sự thì lao động nữ cũng là đối tượng rất dễ bị sa thải.
BLLĐ năm 2012 cũng xác định rõ trách nhiệm của NSDLĐ trong việc bảo vệ lao động nữ:“Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác”. Ngoài ra nhà nước có chính sách và biện pháp từng bước mở mang việc làm, cải thiện điều kiện lao động,
35
nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm lo sức khỏe, tăng cường phúc lợi xã hội về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả khả năng nghề nghiệp.
Như vậy có thể thấy, các quy định của pháp luật Việt Nam từ Hiến pháp đến Bộ luật Lao động đều đã thể hiện rất rõ sự không phân biệt đối xử trực tiếp giữa lao động nam và lao động nữ trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là lĩnh vực việc làm, hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ILO trong Công ước số 111. Các quy định mang tính nguyên tắc chung này sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các quy định của pháp luật lao động trong từng lĩnh vực cụ thể như tuyển dụng lao động, sử dụng lao động, chấm dứt quan hệ lao động...
Ngoài ra để bảo vệ lao động nữ thì pháp luật có quy định về các công việc không sử dụng lao động nữ. Các công việc bị cấm sử dụng lao động nữ là những công việc và ngành nghề mà điều kiện lao động có những yếu tố ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến sức khỏe của lao động nữ, đặc biệt là có hại đến khả năng sinh đẻ, nuôi dạy và chăm sóc con cái. Tuy nhiên việc cấm sử dụng lao động nữ làm các công việc trong danh mục ngành nghề độc hại, nguy hiểm xét về phương diện việc làm khiến cho người phụ nữ mất đi nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế không có nhiều sự lựa chọn về công việc. Đối với những người phụ nữ đã lập gia đình và sinh con, không có nhu cầu sinh đẻ tiếp và muốn được làm các công việc trên do phụ cấp cao nhưng vì quy định này mà NSDLĐ không tuyển dụng họ. Thông tư liên tịch số 26/2013/TTLT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 được ban hành đã có sự hạn chế hơn về danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ so với Thông tư liên tịch số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 28/12/2011 về quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không được sử dụng lao động nữ thể hiện ở quy định đối với một số công việc chỉ cấm sử dụng lao động khi phải trực tiếp thực hiện bằng phương pháp thủ công; đối
36
với công việc trên tàu đi biển lao động nữ vẫn được làm công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch... Mặc dù vậy, xét ở một góc độ nhất định thì danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ vẫn là rào cản, làm hạn chế hơn cơ hội việc làm đối với nữ giới.
Bên cạnh những quy định pháp luật bảo vệ lao động nữ thì pháp luật lao động Việt Nam còn hướng tới sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lĩnh vực việc làm, nghề nghiệp đối với những NLĐ thuộc dân tộc, màu da, tôn giáo, tín ngưỡng, lao động khuyết tật, lao động là người nhiễm HIV... Cụ thể như: Khoản 1 Điều 8 BLLĐ năm 2012 có quy định nghiêm cấm các hành vi
“Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Nhà nước có trách nhiệm“Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên” (Khoản 7 Điều 4 BLLĐ 2012).
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên, lao động dân tộc thiểu số, lao động nhiễm HIV là nhóm người lao động yếu thế, bị hạn chế nhiều mặt như kinh tế, điều kiện sống, điều kiện làm việc, học tập... Bởi vậy, nhà nước nghiêm cấm“kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật” (khoản 1,2 Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010); Nhà nước bảo đảm và có chính sách hỗ trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc. NSDLĐ phải có trách nhiệm“bảo đảm
37
về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ” (khoản 1 Điều 177 BLLĐ 2012).
Đối với lao động cao tuổi NSDLĐ không được sử dụng những lao động này “làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi” (khoản 3 Điều 167 BLLĐ 2012); đối với lao động chưa thành niên pháp luật cũng quy định cấm NSDLĐ không được sử dụng họ “làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ” (khoản 1 Điều 163 BLLĐ 2012). Cũng thuộc trong nhóm lao động yếu thế là NLĐ bị nhiễm HIV/AIDS, đây là nhóm lao động rất dễ bị tổn thương về tinh thần, nhân phẩm khi tham gia quan hệ lao động. Để tạo sự bình đẳng trong tìm kiếm cơ hội việc làm, hòa nhập với cộng đồng, nhà nước đã có những chính sách riêng thể hiện sự ưu đãi, bảo vệ đối với những lao động này. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 ra đời nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho đối tượng này trong quan hệ xã hội, cụ thể: luật nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV; NSDLĐ phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng đối với người bệnh HIV/AIDS trong tuyển dụng và quan hệ lao động; không yêu cầu báo cáo xét nghiệm HIV/AIDS khi tuyển dụng; không được từ chối tuyển dụng đối với người bị nhiễm HIV/AIDS, ép buộc NLĐ chuyển sang làm công việc khác khi họ vẫn còn đủ sức khỏe để làm công việc đang đảm nhiệm, từ chối nâng lương, đề bạt, gây khó khăn trong quá trình làm việc của NLĐ hoặc chấm dứt HĐLĐ khi phát hiện NLĐ nhiễm HIV/AIDS (khoản 3,14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006).
38
Những quy định trên đã góp phần hài hòa các tầng lớp xã hội ở Việt Nam, tạo điều kiện cho mọi công dân đều có quyền làm việc và phát triển đầy đủ nhất. Qua đó, Nhà nước có những chính sách hợp lý để ưu đãi về giải quyết việc làm, có những chính sách thu hút và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người chưa thành niên... đảm bảo bình đẳng về cơ hội việc làm, về chế độ, chính sách khi tham gia quan hệ lao động với nhóm người lao động yếu thế trong xã hội.