Khái niệm truyền thống và hiện đại

Một phần của tài liệu Kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven Đô ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 46)

1.2.1.1. Khái niệm "Truyền thống"

Truyền thống vốn là một từ Hán - Việt, hiện nay đang được sử dụng trong tiếng Việt và có những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Tuy vậy, nói đến truyền thống người ta nghĩ ngay đến những thói quen được lặp lại nhiều lần và được truyền qua nhiều thế hệ. Có thể nói đây là cách hiểu thông dụng nhất về từ truyền thống. Trong từ điển tiếng Việt, truyền thống được định nghĩa là

"thói quen hình thành lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác" [51, tr.1017].

Mặc dù vậy, các nhà khoa học lại đưa ra những định nghĩa có giá trị biểu đạt sâu hơn nghĩa thông dụng đó. Chẳng hạn, "Truyền thống - theo nghĩa tổng quát nhất - đó là những yếu tố của di tồn văn hóa, xã hội, thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở thành ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được gìn giữ lâu dài" [58, tr.32]. Hoặc có

42

ý kiến cho rằng, truyền thống là một khái niệm chỉ phức hợp những tư tưởng, tình cảm, tập quán, thói quen, phong tục, lối sống, cách ứng xử, ý chí... của một cộng đồng người được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác [58, tr.32]. Như vậy, có thể hiểu truyền thống là những tư tưởng, tình cảm, thói quen, phong tục, tập quán, lối sống, hành vi ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và có tính ổn định, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tính di tồn, tính ổn định và tính cộng đồng là những đặc trưng, những thuộc tính cơ bản của truyền thống.

Truyền thống của một dân tộc không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do một cộng đồng người nào đó tự lựa chọn cho mình, mà nó được hình thành, được quy định bởi những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội nhất định mà dân tộc đó trải qua. Con người trong quá trình quan hệ xã hội với nhau và với thiên nhiên đã dần dần tích lũy được những kinh nghiệm trong sản xuất, trong đấu tranh sinh tồn và trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó những kinh nghiệm quý báu được giữ lại đã dần dần ăn sâu vào tâm lý con người và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để làm nên truyền thống.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử - xã hội không bao giờ đứng yên, mà luôn vận động, biến đổi, nên những truyền thống được hình thành từ đó cũng biến đổi, có thể được kế thừa và phát triển, có thể bị đào thải và loại bỏ, đi cùng với đó là sự hình thành những truyền thống mới. Mặc dù vậy, nếu như truyền thống luôn luôn biến đổi thì nó không còn được gọi là truyền thống nữa. Nói một cách chính xác hơn, cái được gọi là truyền thống là cái mà trong quá trình vận động và phát triển vẫn giữ được những yếu tố nhân lõi bên trong của nó. Chính vì vậy, việc thừa nhận và đánh giá truyền thống luôn phải đứng trên quan điểm phát triển, quan điểm lịch sử cụ thể. Thái độ tuyệt đối hóa truyền thống hoặc đoạn tuyệt với truyền thống đều rơi vào siêu hình và đương nhiên dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.

Trên thực tế, cũng phải thừa nhận rằng truyền thống là một trong những yếu tố khá vững bền, khá bảo thủ và khó thay đổi cho dù hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi rõ rệt. Chính vì mang những đặc trưng vừa khá ổn định và khá bảo thủ, nên trong mỗi thời điểm nhất định truyền thống luôn mang tính hai mặt: mặt giá

43

trị và mặt phản giá trị. Có những truyền thống tốt đẹp tạo ra sức mạnh kì diệu cho dân tộc, lại có những truyền thống tiêu cực cản trở sự phát triển, đi lên của dân tộc. Mặt khác, có những truyền thống từng có giá trị tích cực, nhưng khi điều kiện lịch sử - xã hội đã thay đổi thì không còn giá trị nữa, thậm chí trở thành lực cản lớn, trong khi đó để loại bỏ nó lại không đơn giản và dễ dàng. C.Mác viết: "Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống. Và ngay khi con người có vẻ như là đang ra sức cải tạo mình và cải tạo sự vật, ra sức sáng tạo ra một cái gì chưa từng có, thì chính trong những thời kỳ khủng hoảng cách mạng như thế, họ lại sợ sệt cầu viện đến những linh hồn của quá khứ" [26, tr.145]. Điều đó có nghĩa là, cho dù lịch sử đã có nhiều thay đổi nhưng các thế hệ đi sau vẫn khó thoát khỏi những ràng buộc bởi những nếp nghĩ, cách làm (mặc dù đã không còn phù hợp) của các thế hệ đi trước, thậm chí lặp lại những nếp nghĩ, cách làm đó một cách máy móc. Đó chính là tư tưởng bảo thủ, trì trệ - những tư tưởng luôn cản trở sự phát triển của xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là truyền thống của một dân tộc luôn cần đến sự đổi mới, bổ sung và phát triển cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới.

Một trong những thuộc tính cơ bản của truyền thống là luôn mang tính ổn định. Tuy nhiên sự du nhập những yếu tố mới vào truyền thống có những lúc làm thay đổi truyền thống, biến dạng truyền thống. Cái mới đó là hiện đại!

1.2.1.2. Khái niệm "Hiện đại"

Hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe nói đến hai tiếng hiện đại. Trên báo chí thời sự, trong các văn kiện chính trị, cụm từ “quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá” hoặc “sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” thường được nhắc lại với một nội dung xác định. Có thể thấy, ý thức về "tính hiện đại" là ý thức do văn minh Phương Tây, tiêu biểu là ba dân tộc Pháp, Anh và Đức, khai mở từ thời Phục hưng trở đi. Theo lô gic trên, hiện đại ở đây được hiểu là trình độ phát triển của những nước tiên tiến trên thế giới, khi muốn làm mới mình theo xu hướng hiện đại là hiện đại hóa. Hiện đại hoá là đưa sự phát triển của xã hội ta lên một bước làm cho chúng ta không thua kém những nước đó. Đây chính là nghĩa thông thường nhất của hai chữ hiện đại.

44

Cũng có một cách hiểu khác về “Hiện đại”: Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, hiện đại được hiểu là lối làm nghệ thuật một cách mới mẻ, khác hẳn so với lối cũ của ngày hôm qua. Nhưng trong thực tế nghiên cứu, từ này không có nghĩa chung chung như thế mà có nội dung cụ thể của nó. Theo một số nghiên cứu, hiện đại chỉ được dùng nhiều từ cuối thế kỷ XIX, nó gắn liền với một giai đoạn bột phát của sự tiếp xúc Đông Tây, khi mà người châu Á (mà gần với chúng ta nhất là Trung Hoa) bắt đầu có ý thức được rằng dù bản thân từng có truyền thống văn hoá lâu đời, song hiện đang ở giai đoạn trì trệ, bế tắc, có nhiều phương diện có thể gọi là cổ hủ lạc hậu, cần phải đổi mới. Từ đây, bắt đầu một giai đoạn mới: Có sự đổi mới trong tư duy, đổi mới trong hành động (làm kinh tế, làm văn học nghệ thuật… đều theo hướng mới mẻ). Vậy hiện đại hiểu theo nghĩa này là gắn với văn hóa phương Tây, và trở nên hiện đại (hiện đại hoá) là làm theo mẫu hình phương Tây. Nếu xưa kia, cái để ông cha ta đối chiếu là văn học Trung Hoa, thì ngày nay, cái để con người đầu thế kỷ trông vào học tập là cách làm văn hoá, cách nghĩ của người phương Tây.

Để trở nên hiện đại là chúng ta đang hiện đại hóa, đang làm mới. Như vậy giữa khái niệm hiện đại và hiện đại hóa có những sự trùng lặp với nhau. Làm rõ được khái niệm hiện đại hóa cũng là cơ sở để chúng ta hiểu thêm về khái niệm hiện đại. Thông thường, “Hiện đại hóa” thường được hiểu với những lát cắt như sau:

Một là: Hiện đại hoá (tiếng Pháp moderniser) dùng để xác định quá trình vận động từ xã hội tiền công nghiệp dựa trên truyền thống tới một hệ thống kinh tế và chính trị, cũng như văn hoá tiêu biểu cho sự phát triển của các nước tư bản. Những yếu tố cơ bản của quá trình này là: Khả năng sử dụng những kỹ thuật hiện đại trong những ngành then chốt của sản xuất được đẩy mạnh; hình thức tiêu thụ được mở rộng, những điều kiện mới (về xã hội, chính trị, văn hoá) được phát triển; nền sản xuất mới được hình thành. Quá trình hiện đại hoá bao gồm cả việc nắm vững những kiểu dạng mới của sinh hoạt tinh thần (kiểu tư duy mới)...

Hai là: Hiện đại hoá trong lĩnh vực đời sống văn hoá là quá trình vận động phát triển, từ nền văn hoá tiền công nghiệp tới nền văn hoá đặc trưng cho các nước tư bản phát triển. Những nhân tố cơ bản của hiện đại hoá bao gồm: đa

45

dạng hoá các hệ thống tinh thần và sự định hướng giá trị; thế tục hoá và đa cực hoá các ý thức xã hội và giáo dục; làm cho ngày càng có nhiều người biết chữ; hình thành văn hoá và ngôn ngữ dân tộc, đa dạng hoá các trào lưu tư tưởng; phát triển phương tiện thông tin đại chúng [4, tr.352]. Nhân tố quyết định của hiện đại hoá là vượt qua, thay thế những giá trị truyền thống vốn thù địch với mọi biến động.

Có một nghịch lý đặt ra trong quá trình làm mới, quá trình “hiện đại hóa”. Đó là: Hiện đại hóa thì phải Tây phương hóa, vì toàn bộ nội hàm của khái niệm "hiện đại" đều là sáng tạo của Phương Tây, cả trong tư duy lẫn thực tiễn. Muốn Tây phương hóa thì phải "Thoát Á", tức vượt thoát khỏi chính truyền thống lạc hậu cổ hủ và kìm hãm sự tiến bộ của mình. Nhưng khi ấy, chúng ta lại rơi vào một bi kịch, bi kịch vong bản, đánh mất bản sắc, bị “hòa tan” trong cái hiện đại. Nhịp độ trưởng thành của các nước Châu Á song hành với nhịp độ Tây Phương hóa, trước hết là trong tư duy. Cái mới, cái hiện đại không phải là cái khác với hôm qua, mà là cái mang một sức sống mới, một hơi thở mới. Châu Á có những giá trị dẫu ra đời từ thuở bình minh của lịch sử, nhưng đến nay vẫn luôn là mới. Khi hiện đại hóa, vô hình chung chúng ta đã đánh mất rất nhiều "giá trị mới" ấy.

Để "hiện đại hóa" và "bản sắc" không còn là hai cực đối lập, chúng ta phải nhìn quá trình tái cấu trúc để hiện đại hóa như là một dạng thức của tiến trình sáng tạo. Một dân tộc hiện đại hóa là một dân tộc đang đi trên con đường sáng tạo nên chính bản thân mình, ở từng mảng khác nhau của cuộc sống. Nói rõ hơn, khi đứng ở vị thế của kẻ sáng tạo, kẻ cống hiến, kẻ truyền bá, người ta có khả năng in hình ảnh của dân tộc mình lên trái tim và khối óc kẻ khác. Khi đó, không có lý do gì để lo lắng cho bản sắc cả. Ngược lại, người ta chỉ xuất hiện nhu cầu về bản sắc khi đứng ở vị thế của kẻ thâu nhận, vì khi ấy, phải đối mặt với nguy cơ trở thành "Một" với kẻ sáng tạo. Đó là lý do vì sao, trong suốt nhiều thế kỷ, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản luôn nghĩ về "bản sắc" khi đứng trước Trung Quốc. Ngày nay, chúng ta cũng đang nhìn hiện tượng toàn cầu hóa với một nỗi ám ảnh tương tự. Và không chỉ chúng ta, cả những dân tộc từng góp phần chủ chốt định hình khái niệm "hiện đại" cho nhân loại như Pháp và Đức, đến hôm

46

nay, trong thời đại mà "toàn cầu hóa" gần như là "Mỹ hóa", cũng bắt đầu có một nỗi lo "đánh mất". Nên chăng, để giải quyết nghịch lý của "hiện đại hóa" và "bản sắc", chúng ta cần có một giải pháp kiên quyết. Đó là, đứng bên ngoài "chiếc hộp Phương Tây" để tư duy về tính hiện đại, và từ đây, làm cho chính mình trở thành một trong những tiêu chí của giá trị hiện đại, sáng tạo thêm một nội hàm độc lập của tính hiện đại, một tính hiện đại phi Phương Tây.

Tóm lại, hiện đại là những giá trị mới, là sáng tạo. Hiện đại không khước từ truyền thống, mà trên cơ sở của truyền thống để sáng tạo ra những giá trị mới. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta hiện nay, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ tạo ra được những giá trị gia đình mới, phù hợp với truyền thống của dân tộc và xu thế chung của nhân loại.

Một phần của tài liệu Kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại trong xây dựng gia đình văn hóa vùng ven Đô ngoại thành Hà Nội hiện nay (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)