Nguyên nhân dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HÀNG TỒN KHO TRONG CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 27 - 30)

Một thực trạng ta có thể nhìn thấy rõ là lượng hàng tồn kho tăng cao trong mỗi doanh nghiệp có thể xảy ra tại bất kì thời điểm nào, có thể là khủng hoảng kinh tế nhưng cũng có thể là trong giai đoạn nền kinh tế phát triển bình thường. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Ta có thể chia ra 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Trước hết phải kể đến là nhóm nguyên nhân từ phía các nhà sản xuất:

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, công tác quản lý hàng tồn kho kém. Dệt may là ngành sản

xuất mang tính chất dây chuyền bao gồm nhiều công đoạn, nhiều khâu sản xuất mới cho ra được sản phẩm cuối cùng. Tự thực tế của dây chuyền sản xuất này, ta có thể dễ dàng thấy được sự di chuyển của nguyên vật liệu trong một phân xưởng như thế nào. Đầu tiên là nguyên liệu vải sẽ được đưa vào khâu cắt, vắt sổ rồi chuyển qua bộ phận may, kế đến là bộ phận là, cuối cùng là bộ phận kiểm tra và đóng gói. Qua nhiều công đoạn, nếu mà nhà quản lý không tính toán được chính xác năng lực sản xuất giữa các khâu, sao cho có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu sẽ rất dễ

dàng dẫn đến tình trạng ứ đọng dư thừa ở một khâu nào đó. Sự hoạt động của toàn bộ dây chuyền này sẽ bắt đầu từ công tác dự báo nhu cầu rồi đến công tác mua nguyên vật liệu. Hoạt động trong các doanh nghiệp dệt may còn thiếu sự chuyên nghiệp, nhịp nhàng giữa các khâu là do yếu kém từ chính công tác dự báo nhu cầu. Trên thực tế các doanh nghiệp chưa có sự đầu từ thích đáng cho công tác này, mọi con số dự báo chủ yếu dựa vào phương pháp định tính hoặc bình quân giản đơn từ các số liệu của các năm trước. Từ đó mà đôi khi con số thiếu tính sát thực so với thị trường nhiều biến động, gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hoặc quá dư thừa so với sức mua. Thêm vào đó, một vấn đề vẫn còn rất nan giải với ngành dệt may của chúng ta là chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Hàng năm các doanh nghiệp vẫn phải nhập đến 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Các doanh nghiệp hoàn toàn thụ động trong vấn đề nguyên phụ liệu. Vì vậy nếu công tác quản lý hàng tồn kho về nguyên phụ liệu không được làm tốt, không nắm bắt đươc những con số tồn kho cụ thể, không xác định được chính xác thời điểm đặt hàng, mua hàng, số lượng cần tồn trữ thì sẽ gây ra hiện tượng mất ổn định trong sản xuất nếu lượng nguyên phụ liệu tồn kho quá thấp không đáp ứng được những thay đổi bất ngờ trong sản xuất, Hoặc nếu tồn kho quá cao sẽ gây ra tình trạng lãng phí chi phí tồn kho của doanh nghiệp hoặc chất lượng nguyên liệu sẽ giảm sút trong thời gian lưu kho quá lâu. Nói tóm lại, tình trạng hàng tồn kho quá cao hoặc quá ít là hậu quả của công tác quản lý hàng tồn kho thiếu tính chuyên nghiệp trong mỗi doanh nghiệp.

Thứ hai, do công tác dự báo nhu cầu của doanh nghiệp chưa được tiến hành tốt, chất lượng dự báo kém, dẫn đến tình trạng hoạch định sản xuất không sát với nhu cầu thực tế của thị trường. Kết quả dự báo quá cao so với nhu cầu thực, dẫn đến một lượng hàng không được tiêu thụ.

Thứ ba, còn tồn tại nhiều yếu kém trong khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn chất lượng nguyên liệu, làm cho các sản phẩm không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ thấp.

Thứ tư, công tác Marketing chưa thực sự hiệu quả. Trước đây khi doanh nghiệp sản xuất một cách thụ động, chủ yếu theo các đơn hàng từ phía nước ngoài, hầu như các doanh nghiệp không mấy quan tâm đến khâu Marketing cho sản phẩm của mình , có chăng cũng chỉ dừng lại ở những hoạt động chào hàng với các khách hàng mới, còn các hợp đồng chủ yếu có được nhờ mối quan hệ lâu năm, thân thiết với những khách hàng quen thuộc. Chính vì thế mà khi lâm vào tình trạng khó khăn, các đơn hàng giảm sút, các doanh nghiệp lại tỏ ra lúng túng trong khâu Marketing tìm kiếm thị trường mới. Điều này , dẫn đến hậu quả lớn trong giai đoạn tiếp cận , làm quen với thị trường mới ( thị trường nội địa ở Việt Nam). Sản phẩm, thương hiệu của DN sẽ không được khách hàng biết đến, hoạt động bán hàng sẽ trở nên “ ế ẩm”.

Cuối cùng, là kênh phân phối bán hàng của các doanh nghiệp chưa được đầu tư một cách thỏa đáng. Nếu như trước đây, sản xuất chủ yếu theo các đơn hàng, thì khâu phân phối bán hàng trong nước hầu như không được chú trọng đầu tư, nhưng nay khi mà doanh nghiệp thay đổi mục tiêu, hướng vào thị trường trong nước thì các kênh phân phối đóng vai trò cực kì quan trọng tăng việc tăng sản lượng tiêu thụ của ngành. Nếu không có những kênh phân phối hiệu quả thì lượng hàng tồn kho tăng cao do tiêu thụ không cân đối với dự báo nhu cầu.

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, nguyên nhân ta có thể thấy rất rõ trong thời gian gần đây chính là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn đến lượng cầu giảm. Hầu hết các thị trường lớn của xuất khẩu dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga,…đều lâm vào tình trạng khủng hoảng, làm giảm phần lớn các đơn hàng, thậm

chí còn có các đơn hàng bị hủy ngang, khiến các doanh nghiệp sản xuất may mặc Việt Nam cũng rơi vào tình trạng khó khăn, tồn kho tăng cao, sản xuất đình trệ.

Thứ hai, nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng hàng tồn kho, là các lô hàng bị khách hàng trả lại. Có một số khách hàng khó tính, các yêu cầu quá khắt khe, khi sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được một cách tuyệt đối những yêu cầu của khách hàng thì người ta sẵn sàng trả lại những sản phẩm lỗi đó.

Cuối cùng, do đặc trưng của ngành là sản phẩm có tính mốt, khi sản phẩm đã lỗi mốt thì việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Ngoài ra còn có sự ảnh hưởng của tính mùa vụ. Xu hướng thời trang của thế giới luôn biến đổi theo từng mùa, từng năm, mỗi năm sẽ theo một xu hướng mới. Vì vậy, nếu sản phẩm của mỗi mùa không tiêu thụ hết thì năm sau sẽ khó khăn trong khâu tiêu thụ dẫn đến tình trạng tồn kho.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HÀNG TỒN KHO TRONG CÁC DOANH NGHIỆP DỆT MAY VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 27 - 30)