Xăng, dầu là mặt hàng có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Giá cả của nó ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Vì thế, trong suốt nhiều năm qua, nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào quá trình hình thành giá mặt hàng này ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, lộ trình thị trường hóa mặt hàng xăng, dầu cũng đã được tính đến từ năm 2003.
Chính phủ đã ban hành Quyết định 187 (ngày 15/9/2003) về quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu, cho phép doanh nghiệp (DN) được điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% đối với dầu, 10% đối với xăng - trong khung giá định hướng do nhà nước xác định. Sau đó, Nghị định số 55 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam được ban hành (ngày 06/4/2007) - thay thế QĐ 187 - đã quyết định đưa mặt hàng xăng theo giá thị trường và kể từ ngày 16/9/2008 là chấm dứt bù lỗ tất cả các mặt hàng dầu - để vận hành kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế giá thị trường theo Quyết định 79 về Cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu.
Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện vẫn chiếm tới gần 60% thị phần xăng dầu cả nước. Một vấn đề nữa cũng được nhiều chuyên gia lý giải cho việc độc quyền của Petrolimex, đó là nguyên tắc “một giá” trong suốt một năm qua, kể từ khi xóa bỏ bù lỗ hoàn toàn mặt hàng xăng, dầu. Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh cả về giá bán của các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, để tạo ra một thị trường có nhiều giá bán. Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh giá bán
lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp lại có chung một mức điều chỉnh và thời gian thì cũng… gần như trùng thời điểm. Điều này khẳng định thị trường xăng dầu nước ta đang bị độc quyền về giá.
Và một khi Petrolimex là một doanh nghiệp lớn của nhà nước, chiếm giữ tới 60% thị phần xăng dầu cả nước thì đương nhiên cũng chi phối luôn giá cả thị trường này. Còn 10 doanh nghiệp đầu mối khác, cũng vẫn là các doanh nghiệp nhà nước. Trên nguyên tắc, với thị phần ít hơn, sức ép đảm bảo nguồn cung cũng ít hơn… thì cho dù quyền lợi có được hưởng nhiều hơn cũng không thể đưa giá xuống thấp hơn.
Ở Việt Nam, việc đưa nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường đã diễn ra từ hơn 20 năm nay. Thế nhưng, cho đến giờ sự độc quyền thời bao cấp trong một số lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu... vẫn còn khá đậm nét. Luật Cạnh tranh, trong khi đó, vẫn chưa phát huy được tác dụng trong việc chống độc quyền.
Hiện đang có 11 đơn vị đầu mối tham gia kinh doanh xăng dầu nhưng hơn 60% khối lượng phân phối lại nằm trong tay Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Do vậy, việc tăng hay giảm giá xăng dầu là tùy thuộc vào họ sau khi có quyết định cho phép các đơn vị kinh doanh xăng dầu được chủ động về giá bán từ ngày 15-12-2009.