Nguyên nhân khách quan

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN TẠI NHNO (Trang 31 - 32)

- Chính phủ, ngân hàng Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới, mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các NHTM dẫn đến cạnh tranh về nhân lực, công nghệ và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện lộ trình mở cửa thị trường tài chính theo cam kết gia nhập WTO, các ngân hàng nước ngoài với vốn lớn và trình độ công nghệ cao đang dần hình thành tại Việt Nam, cùng với việc các NHTM cổ phần mở rộng nhanh chóng mạng lưới hoạt động và dịch vụ sản phẩm đa dạng làm gia tăng sức ép cạnh tranh với các NHTM nhà nước trong đó có NHNo&PTNT VN.

Sự cạnh tranh của các NHTM trên địa bàn Hà Nội diễn ra gay gắt trên tất cả các mặt như: huy động vốn, cho vay, cung cấp dịch vụ ngân hàng...Các NHTM cổ phần đồng loạt tăng vốn điều lệ, tiếp tục mở rộng mạng lưới đến hầu hết các phường, quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, cạnh tranh về lãi suất, sản phẩm dịch vụ mới...gây khó khăn cho công tác huy động vốn của Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội.

- Thị trường chứng khoán mới hình thành nhưng đã phát triển, tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp được diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ đã thu hút khá nhiều nguồn vốn của dân cư, hạn chế dòng tiền gửi vào các ngân hàng.

- Các tổ chức tài chính phi ngân hàng như: bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm bưu điện, công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng...với tiềm lực lớn về vốn và công nghệ, lao động là những đối thủ đáng gờm của các NHTM trong việc thu hút nguồn vốn nhàn rỗi. Ví dụ như các công ty Bảo hiểm cạnh tranh trong việc huy động tiền gửi, Tiết kiệm bưu điện cạnh tranh thông qua việc chi trả lương qua tài khoản, các quỹ tín dụng cạnh tranh với ngân hàng trong việc thu hút vốn, cấp tín dụng...vì vậy một phần nguồn vốn huy động vào ngân hàng bị phân tán.

- Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp. Thị trường có nhiều biến động, giá vàng, sắt thép, xăng dầu tăng cao tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng. Mức trượt giá cao gây tâm lý e ngại cho người gửi tiền, làm ảnh hưởng đến công tác huy động vốn của các NHTM. Đặc biệt, sự sụt giảm giá của đồng USD, dẫn đến cơn sốt giá vàng đã khiến nhiều người dân Việt Nam rút

tiền về mua vàng tích trữ, hơn nữa, lãi suất tiền gửi luôn biến động, tỷ giá lên xuống thất thường, giá cả hàng hoá ngày càng cao khiến người dân có xu hướng đầu tư vào các tài sản phi tài chính, cắt giảm lượng tiền gửi cho tiêu dùng, chuyển từ gửi tiền có kỳ hạn sang không kỳ hạn, từ gửi tiền bằng USD sang VNĐ...làm giảm lượng tiền gửi tại ngân hàng.

- Nước ta đang trong giai đoạn CNH – HĐH, luật doanh nghiệp mới cùng với việc gia nhập WTO đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, do đó có rất nhiều cá nhân, tập thể với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao hơn lãi ngân hàng đã sử dụng số vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh, đầu tư trên thị trường mà không gửi tiền vào ngân hàng như trước đây.

- Do Chi nhánh Bắc Hà Nội mới thành lập vào tháng 9/2001 nên lượng khách hàng của Chi nhánh còn khá khiêm tốn so với các Chi nhánh khác cũng như so với các ngân hàng khác. Nhất là trên địa bàn Hà Nội đã có rất nhiều ngân hàng thương mại đã có bề dày hoạt động từ lâu, mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp, cộng thêm sự gia tăng của các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã cản trở hoạt động huy động vốn của Chi nhánh...

- Một lý do nữa là NHNo&PTNT Việt Nam chưa có cơ chế khuyến khích, động viên các ngân hàng thành viên có khả năng huy động vốn lớn. Điều này thể hiện ở công tác điều hành kế hoạch chủ yếu bằng biện pháp giao chỉ tiêu kế hoạch buộc các ngân hàng thành viên phải thực hiện, khi cần vốn thì giao chỉ tiêu huy động vốn, khi thừa vốn thì giao chỉ tiêu cho các ngân hàng giảm huy động vốn. Do vậy các ngân hàng thành viên không được chủ động trong công tác huy động vốn.

Kết luận chương 2: qua nghiên cứu thực trạng công tác huy động vốn tại Chi nhánh NHNo&PTNT Bắc Hà Nội cho chúng ta thấy đây là chi nhánh ngân hàng có tiềm lực khá lớn về vốn huy động. Công tác huy động vốn đã được Chi nhánh thực hiện tương đối tốt song vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sót cần được hoàn thiện. Do đó, Chi nhánh cần nhìn nhận một cách toàn diện, khai thác các điểm mạnh, phát huy tốt những thành quả đạt được đồng thời khắc phục các điểm yếu, tìm ra những giải pháp phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội đất nước trong từng thời kỳ để tháo gỡ những hạn chế trên, nhằm thu hút ngày càng nhiều vốn cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh, uy tín trên thương trường...

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN TẠI NHNO (Trang 31 - 32)