Rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo

Một phần của tài liệu giáo dục Kỹ năng sống cho HS, nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong môn GDCD (Trang 30)

- Ví dụ minh hoạ:

3/Rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo

Trong dạy học pháp luật, rèn kĩ năng tư duy, sáng tạo sẽ giúp HS tư duy năng động với nhiều sáng kiến và óc tưởng tượng, biết cách phán đoán và thích nghi, có tầm nhìn và có khả năng suy nghĩ rộng hơn những người khác, không bị bó hẹp vào kinh nghiệm trực tiếp đang trải qua, tư duy minh mẫn và khác biệt hơn. Trong cuộc sống HS thường xuyên bị đặt vào những hoàn cảnh bất ngờ hoặc ngẫu nhiên xảy ra. Khi gặp phải những hoàn cảnh như vậy đòi hỏi HS phải có tư duy sáng tạo và kết hợp với những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, ứng phó với xung đột, căng thẳng, chắc chắn các em sẽ có cách giải quyết vấn đề một cách linh hoạt và phù hợp. Đặc biệt khi HS biết kết hợp giữa kỹ năng tư duy phê phán với kỹ năng tư duy sáng tạo thì năng lực tư duy của học sinh càng được tăng cường và sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh trong việc giải quyết vấn đề một cách thuận lợi và phù hợp nhất.

Để rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo trong dạy học phần pháp luật GV cần: - Đặt câu hỏi mở cho HS.

- Cho HS dùng ngôn từ, từ ngữ của mình để định nghĩa vấn đề, khái niệm pháp luật.

- Cho HS phân tích các giả định, kiến thức.

- Cho HS trình bày suy nghĩ, ý tưởng trước một vấn đề cụ thể.

Để HS phát huy được khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo một cách mới với ý tưởng mới, đồng thời phát huy khả năng khám phá và kết nối các kiến thức, độc lập trong suy nghĩ, GV có thể sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học như: đặt câu hỏi, “chúng em biết 3", kĩ thuật “Bản đồ tư duy”. Kỹ năng tư duy sáng tạo có thể được sử dụng trong tất cả các bài dạy pháp luật và thường được đưa vào trong nội dung để các em phát triển nhận thức, chiếm hữu tri thức pháp luật và đề xuất các biện pháp để thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong mọi lĩnh vực một cách tốt nhất.

Ví dụ 1 * Bài 15: Bảo vệ di sản văn hoá (GDCD 7)

Sau khi học sinh đã chiếm lĩnh được các đơn vị kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng đó là: khái niệm về di sản văn hoá nói chung và di sản văn hoá vật thể, di sản văn hoá phi vật thể nói riêng, ý nghĩa của di sản văn hoá, GV sử dụng phương pháp kỹ thuật động não cho HS cảm nhận chủ đề: để giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hoá chúng ta phải làm gì.

Với hoạt động này vừa rèn kỹ năng tư duy sáng tạo, đồng thời rèn được luôn cho HS kỹ năng trình bày suy nghĩ, ý tưởng. Sau thời gian một phút GV cho HS trình bày những biện pháp các em đề cập đến trong việc giữ gìn và phát huy gía trị của di sản văn hoá. Cũng trong bài “ Bảo vệ di sản văn hoá “ GV có thể rèn cho HS kỹ năng tư duy sáng tạo trong phần khám phá tri thức. Cụ thể: sau khi cho HS quan sát ảnh về di sản văn hoá để hình thành khái niệm về di sản văn hoá và phân loại di sản văn hoá GV có thể hỏi:

- Em có nhận xét gì khi quan sát các bức ảnh trên? - Hãy phân loại các bức ảnh trên?

- Tại sao các em lại sắp xếp như vậy?

Rõ ràng bằng các câu hỏi mở giúp HS cởi mở trình bày suy nghĩ của mình và ý thức được cách lập luận của mình. Chú ý khi học sinh trình bày, giải thích GV nên chấp nhận ý kiến đó, kể cả khi các em hiểu không đúng. GV nên tiếp tục đặt ra những câu hỏi khác để khám phá suy nghĩ của các em, dần dần giúp các em nhận định được điều đúng đắn.

Sau hoạt động này giáo viên tiếp tục phát triển kỹ năng tư duy của học sinh bằng cách đặt câu hỏi:

- Vậy em hiểu thế nào là di sản văn hoá? - Có mấy loại di sản văn hoá?

- Làm thế nào để phân biệt được đâu là di sản văn hoá vật thể, đâu là di sản văn hoá phi vật thể?

GV nên lấy ý kiến của nhiều em sau đó tổng hợp lại và kết luận vấn đề.

Ví dụ 2: Bài 19: Quyền tự do ngôn luận (sách GDCD lớp 8)

Sau khi học sinh nắm được các đơn vị kiến thức theo chuẩn kiến thức kỹ năng: khái niệm về quyền tự do ngôn luận; các quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận, GV sử dụng phương pháp thảo luận nhóm và kỹ thuật “chúng em biết 3” để tìm hiểu vấn đề sau: HS có quyền tự do ngôn luận không và thực hiện bằng cách nào? Khi HS các nhóm trình bày GV nên khuyến khích HS tìm các cách để thể hiện quyền này một cách hiệu quả nhất.

Bài “Bảo vệ di sản văn hoá” để thực hành kỹ năng tư duy sáng tạo GV có thể ra bài tập về nhà như sau: em hãy sử dụng quyền tự do ngôn luận bằng cách viết về các chủ đề sau:

1. Bàn về việc phòng chống tệ nạn xã hội.

2. Bàn về biện pháp bảo vệ môi trường trong trường học.

3. Bàn về phương pháp học bài, làm bài ở nhà có hiệu quả nhất. Mỗi em được lựa chọn một trong ba chủ đề trên để viết.

Như vậy khi GV khuyến khích các em viết sẽ giúp các em sắp xếp, tổ chức tư duy, độc lập suy nghĩ và đưa ra những giải pháp thiết thực. Nên cho các em những cơ hội để trình bày bài viết của mình.

Qua thực tiễn giảng dạy cho thấy để giúp HS chủ động, sáng tạo trong việc lĩnh hội tri thức không thể không rèn cho các em kỹ năng tư duy sáng tạo. Thiếu đi kỹ năng này HS sẽ trở thành người thụ động máy móc và sau này trong cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khó thành công trong công việc.

Một phần của tài liệu giáo dục Kỹ năng sống cho HS, nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong môn GDCD (Trang 30)