SÁU NGÀY TRÊN MỘT HÀNH TRÌNH…

Một phần của tài liệu THỰC TẬP NGHIỆP VỤ TẠI NƯỚC LÀO VÀ THÁI LAN (Trang 25)

IV. CẢM NHẬN THU HOẠCH:

SÁU NGÀY TRÊN MỘT HÀNH TRÌNH…

Đã hơn một tuần trôi qua từ ngày trở về sau chuyến đi kiến tập thú vị ấy, chuyến đi 31/3-5/4 khám phá Vientiane và Udon Thani xinh đẹp với đầy những kỷ niệm khó quên.

Chúng tôi được nghỉ học trước chuyến đi 2 tuần, một khoảng thời gian dài và đầy những mong ngóng, háo hức trước chuyến xuất ngoại đầu tiên, không chỉ đi một mình mà là với một tập thể hơn 50 con người đã gắn bó gần 3 năm suốt bao nhiêu chương trình lớn nhỏ của khoa.

Chuyến hành trình bắt đầu bằng quãng đường Hà Nội- Vinh dài hơn 300 cây số, đi bằng ô tô qua đường mòn Hồ Chí Minh bảo không mệt thì không phải nhưng mà cực kỳ vui và sôi nổi với những ca khúc cách mạng hát về Trường Sơn, dãy núi mà chiếc xe đang leo trên mình của nó, quanh co và dường như heo hút.

Sáng ngày 1-4 chúng tôi đặt chân đến cửa khẩu Cầu Treo thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Đứng trước dấu mốc cho thấy bên kia là xứ sở khác thấy có gì rạo rực và hồi hộp, từ chỗ đó bước ra một đoạn mạng điện thoại của Việt Nam cũng sẽ không còn liên lạc được nữa rồi. Những điều mới mẻ đang chờ đón ở những ngày phía trước trên chuyến hành trình.

Khung cảnh cửa khẩu Cầu Treo

Trưa hôm đó chúng tôi ăn bữa đầu tiên ở Lào, đó là một quán ăn Việt với mọi thứ đậm chất Việt, có điều đồ ăn có cay hơn một chút và có rất nhiều rau củ. Mọi mệt mỏi sau khi bước xuống khỏi xe sau một hành trình dài dường như đã tan biến hết. Từ chỗ mà HDV gọi là Paksan đấy vào đến Vientiane còn khá xa nữa, trên đường đi chúng tôi được anh HDV đoàn cung cấp cho một vài thông tin khá là thú vị. Thứ nhất là về rừng và nhà ở, người dân Lào có thể đốt rừng để lấy đất dựng nhà ở, họ chuộng ở rộng chứ không ở cao; người dân khu này ở trong những ngôi nhà sàn có cấu trúc giống hệt với các dân tộc thuộc dải đất miền Trung Việt Nam. Thứ hai là không chỉ tại thủ đô Vientiane khắp nước Lào ở mỗi bản làng quận huyện đều có chùa. Lào là đất nước có số chùa chiền tính trên dân số cao nhất thế giới, một đất nước mà Phật giáo là quốc giáo. Thứ ba con gái Lào rất “có giá”, đặc biệt thể hiện trong tập tục cưới hỏi; trong ngày cưới cô dâu Lào phải đẩy ngã được chú rể thì mới được gia đình nhà chồng coi trọng nhưng lúc đi ngủ thì người vợ phải vái chồng 3 cái. Ngoài ra ở Lào phương tiện chủ yếu là ô tô, người nông dân

có thể đi ô tô ra đồng vì ô tô ở đây rất rẻ còn xe tay ga giá gấp đôi so với Việt Nam, xe máy ở Lào rất đắt nhưng họ chỉ mua xe sau khi đã tích cóp đủ tiền chứ không mua trả góp, vì vậy đối với những chiếc xe máy không lắp biển người chủ của nó khá tự hào về xe mới…

Đến Vientiane, về vấn đề giao thông, ý thức giao thông của người dân thực sự rất tuyệt vời khi bạn khó có thể nghe thấy tiếng còi nào khi đi trên đường hoặc bắt gặp được chú cảnh sát giao thông nào cầm dùi cui. Bởi họ nhường nhau đi, muốn vượt lên chỉ dùng đèn xi-nhan hay điều đặc biệt hơn là do họ vốn có thói quen sống chậm, đối với người Lào họ quan niệm “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Không chỉ giao thông trong sinh hoạt đời thường họ cũng không thích bị giục giã dễ luống cuống, thay vào đó hãy là một vị khách kiên nhẫn và biết chờ đợi khi đến thăm đất nước này. Nghe HDV nói thế nhưng đúng là trăm nghe không bằng một thấy khi ngay lúc sang đường để vào Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào ngày thứ hai đoàn sinh viên chúng tôi đã được một đoàn xe ô tô gần 20 chiếc đỗ lại san sát đuôi nhau để cho chúng tôi qua đường, quả thực là một hình ảnh quá đẹp đối với những người hằng ngày gặp cảnh bon chen và tranh thủ từng chút khi đi đường. Có lẽ đó cũng là một nét đặc trưng riêng của Hà Nội để mà mỗi người ở đây dù đi đâu xa cũng phải nhớ, và đến lúc không gặp được cảnh ấy lại thấy không quen.

Ngày thứ hai ở Lào là một ngày bận rộn với việc bắt đầu đến thăm các cơ quan đoàn thể, tìm hiểu về hoạt động đối ngoại ở các cơ quan như Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Đài Truyền hình quốc gia Lào, Đài Phát thanh quốc gia Lào, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào. Mỗi cơ quan đều mang một nét đặc biệt riêng không chỉ trong cơ cấu, tổ chức mà ngay cả về cơ sở hạ tầng có nơi được đầu tư xây dựng rất cầu kỳ, có nơi được nước ngoài đầu tư vào phát triển nhưng cũng có những nơi như trung tâm văn hóa Việt Nam cơ sở khá nhỏ và khép mình giữa phố xá; cách đón tiếp nồng hậu của các cơ quan cũng thực sự mang đến cho chúng tôi nhiều bất

ngờ nhưng không hề cảm thấy xa lạ chút nào với những con người ấy và với một đất nước mà những ấn tượng ban đầu còn quá mới mẻ. Tối ngày hôm đó chúng tôi được anh HDV nhiệt tình thuê xe tuk tuk đi chợ đêm và đến thăm tượng đài hoàng thân Xuxanuvong, một bức tượng kỳ vĩ được nhân dân ở đây tôn sùng dâng hoa và thắp hương hằng ngày.

Ngày thứ ba đoàn đến làm việc với 2 cơ quan còn lại là Thông tấn xã Lào và sở ngoại vụ Vientiane. Thông tấn xã với quy mô còn chưa lớn, mới chỉ có một phân xã nhưng không hiểu sao tôi rất tin vào sự phát triển trong tương lai gần của co quan này, có lẽ là tin vào chất giọng trầm ấm cố nói tiếng Việt Nam cho chúng tôi hiểu của bác phó giám đốc Thông tấn xã Lào. Sở ngoại vụ Vientiane lại để lại cho tôi ấn tượng bởi tòa nhà làm việc khang trang và to đẹp, kiến trúc kỳ công mang đậm dấu ấn Lào nhưng lại thật khó tin khi trong căn nhà đó hằng ngày chỉ có 26 cán bộ đến làm việc; một bộ máy không cồng kềnh mà hoạt động cũng không kém phần hiệu quả. Theo như lịch trình chiều và tối ngày hôm đó đoàn chúng tôi được tự do mua sắm và khám phá đất nước Triệu Voi. Chi đoàn chúng tôi đã chọn cách nhấm nháp đồ ăn đêm của đất nước này bên bờ con sông Mekong hùng vĩ, chỉ bờ bên này đứng nhìn sang bờ bên kia đã là Đông Bắc Thái Lan mà trước đây nó là 18 tỉnh biên giới của Lào. Có cái gì đó xa hút tầm mắt nhưng cũng thật gần gũi, ngay ngày mai thôi chúng tôi đã rời chỗ này để sang phía đó, khám phá những điều thật khác.

Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với hai điểm dừng chân là 2 công trình Phật giáo nổi tiếng của Lào, chùa Sỉ Mương và tháp Thạt Luổng, vốn là biểu tượng của đất nước hoa Chăm pa. Nghe HDV của chúng tôi kể lại mỗi địa danh lại gắn với những câu chuyện khác nhau, không quá xa vời thần thánh mà có cảm giác chúng sống động như chính những công trình này. Có lẽ chùa và tháp đẹp là do lòng thành kính tôn kính Phật của người dân nơi đây ngày ngày tô điểm bằng hoa bằng nến, bằng những cử chỉ thanh thoát nhẹ nhàng của người Phật tử. Ngoài

ra Khải hoàn môn Patuxay cũng là một địa điểm bạn nên đến thăm khi có dịp bởi từ điểm cao nhất nhìn xuống bạn có thể ngắm được toàn cảnh Vientiane.

Thầy trò khoa Quan hệ quốc tế trước Khải hoàn môn Patuxay

Chuyến xe bắt đầu giữa trưa đưa chúng tôi tiếp đến công viên Bãi Phật- lúc này đã đang ở địa phận đất nước Thái Lan. Một khuôn viên tuyệt đẹp với vô số những bức tượng Phật, những thánh thần được tạc theo trí tưởng tượng của những nghệ nhân Thái xa xưa; tượng nằm tượng đứng tượng ngồi và nhiều dáng điệu đặc biệt… Đặc biệt hơn trong quần thể này có xác của người đã cho xây dựng nơi đây, người đã mất khi công trình còn đang dang dở và xác của người đàn ông này rất đặc biệt không bị thối rữa tàn tro theo năm tháng mà không cần bất cứ một phương cách bảo quản nào. Ngày đầu tiên ở Udon Thani kết thúc bằng một trận mưa mát lành sau một ngày nắng cháy, thời tiết dịu và vô cùng thích hợp cho việc đi dạo và ngắm cảnh thành phố này về đêm. Ở Udon tất cả mọi thứ dường như tráng lệ và sầm uất hơn những đêm chúng tôi bắt gặp ở Lào; những quán xá, những chợ đêm,

những xe tuk tuk đi đêm; chợt nghĩ chúng ta chỉ có thể bắt gặp được những hình ảnh khuya khoắt mà ồn ào này giữa thành phố không bao giờ ngủ Sài Gòn- Việt Nam.

Ngày cuối ở Thái Lan thực sự là một ngày đáng nhớ khi chúng tôi được tìm hiểu thêm bao điều về một địa danh, một khoảng thời gian đạn lửa mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc, những vách nhà đơn sơ, những rào hoa nhài, nơi bàn họp thiêng liêng đến lạ. Những người đang làm công tác quản lý khu di tích tuổi đều đã ngoại lục tuần, mái tóc hoa râm điểm bạc nói tiếng Việt thân thương giữa xứ người, các bác giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử hình thành và phát triển của nhà tưởng niệm, các bác trao cho chúng tôi niềm tin vào một thế hệ những người làm công tác ngoại giao tương lai, sống mũi cùng cay khi thắp nén hương dâng bác, phát cho từng bông hoa nhài vườn bác và cùng cất cao ca khúc quan họ “Người ơi người ở đừng về”… Trung tâm văn hóa Thái-Trung thì mang đến một màu sắc hoàn toàn khác, thơ mộng với liễu rủ hồ cá, với tòa sen mờ ảo và đặc sắc trong cách giới thiệu văn hóa Trung Hoa từ Tết cổ truyền, từ rằm trung thu đến những cỗ xe ngựa, những mẫu văn tự chữ Hán…

Buổi sáng rời Udon Thani chúng tôi dậy từ rất sớm bởi đó sẽ là một ngày vô cùng đặc biệt, ăn sáng ở Thái Lan, ăn trưa ở Lào và ăn tối ở TP.Vinh- Nghệ An. Khung cảnh nước bạn dần xa khuất tầm mắt chỉ còn lại cửa khẩu Cầu Treo ngày về mù sương và hình ảnh dãy Trường Sơn uốn lượn hút tầm mắt. Kể từ lúc đó những câu chuyện về chuyến thực tập nghiệp vụ Lào- Đông Bắc Thái Lan được bắt đầu bằng cụm từ “Ngày hôm đó…”./.

Bài đăng trên website khoa Quan hệ quốc tế:

(link: http://www.khoaqhqt.edu.vn/news/941-Tim-hieu-Phat-Giao-qua-cac-

cong-trinh-tieu-bieu-o-Vieng-Chan.html)

Một phần của tài liệu THỰC TẬP NGHIỆP VỤ TẠI NƯỚC LÀO VÀ THÁI LAN (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(40 trang)
w