Kết luận chung

Một phần của tài liệu SKKN Một số biện pháp hướng dẫn trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi phối hợp màu nhằm phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ (Trang 43)

Khả năng cảm thụ màu sắc là một thành tố quan trọng trong khả năng tạo hình của trẻ. Khả năng đó được hình thành trong quá trình trẻ hoạt động, tiếp thụ và lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm lịch sử xã hội của loài người. Khả năng cảm thụ màu sắc của trẻ phụ thuộc vào một số yếu tố như yếu tố tâm sinh lý, môi trường xã hội và môi trường giáo dục. Yếu tố quan trọng nhất là tính tích cực trong hoạt động của trẻ.

Trẻ em ngày càng phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Những điều tra và nghiên cứu cho thấy trẻ mẫu giáo nhỡ 4 -5 tuổi có khả năng cảm thụ thẩm mỹ ngày càng cao. Trẻ cảm nhận được sự phong phú, đa dạng của màu sắc trong tự nhiên và phần nào cảm nhận được vẻ đẹp của những tác phẩm tạo hình. Môi trường và điều kiện sống mở giúp trẻ có vốn biểu tượng phong phú về màu sắc và có những rung động, tình cảm đặc biệt với chúng. Điều quan trọng nhất là trẻ có niềm đam mê với hoạt động vẽ và có sức sáng tạo, trí tưởng tượng dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm đúng mức của người lớn như cha mẹ không nhận ra khả năng của con mình hoặc gò ép chúng theo ý muốn của người lớn làm kìm hãm khả năng tạo hình của trẻ. Bên cạnh đó, một số hạn chế về năng lực tạo hình của giáo viên, cơ sở vật chất của trường lớp chưa đầy đủ và giáo viên mầm non còn chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển khả năng cảm thụ màu sắc của trẻ nói riếng và việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ, sáng tạo của trẻ nói chung dẫn đến việc khả năng này ở trẻ còn phát triển ở mức độ thấp.

Việc nghiên cứu các biện pháp phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi được xác định dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: phù hợp với đặc điểm phát triển tâm – sinh lý, nhu cầu hứng thú của trẻ, dạy học tích hợp: những nội dung giáo dục phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ phải gắn liền với cuộc sống thực tiễn của trẻ, có ở mọi nơi mà trẻ

có thể thấy, có trong mọi việc mà trẻ có thể làm và đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc cá thể hóa.

Theo đó, một số biện pháp phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ được đưa ra là:

1. Tạo môi trường thẩm mỹ cho trẻ.

2. Cung cấp kiến thức về màu sắc theo các gam màu cơ bản.

3. Sử dụng vật mẫu là những đồ vật quen thuộc có màu sắc mang dụng ý nghệ thuật hoặc những tác phẩm tạo hình có giá trị thẩm mỹ về màu sắc.

4. Tổ chức hoạt động vẽ cho trẻ.

5. Rèn luyện kỹ thuật và kỹ năng tô màu cho trẻ.

6. Đánh giá hiệu quả thể hiện màu sắc trong tranh vẽ của trẻ.

Kết quả thực nghiệm các biện pháp phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ đã chứng tỏ rằng:

- Khả năng cảm thụ và thể hiện màu sắc của trẻ đã phát triển tốt hơn so với trước thực nghiệm và so với nhóm đối chứng. Các phương pháp kiểm chứng cho phép khẳng định sự tin cậy của thực nghiệm.

- Các biện pháp mà chúng tôi đưa ra nhằm bồi dưỡng các khả năng cho trẻ là hợp lý và hiệu quả. Kết quả nghiên cứu phù hợp với giả thuyết khoa học, nhiệm vụ và mục đích của đề tài đã được thực hiện.

Một phần của tài liệu SKKN Một số biện pháp hướng dẫn trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi phối hợp màu nhằm phát triển khả năng cảm thụ màu sắc cho trẻ (Trang 43)