Trong việc thực hiện CSTT quốc gia, NHNN có trách nhiệm chủ trì xây dựng dự án CSTT quốc gia, kế hoạch cung ứng lượng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ, điều hành các công cụ thực hiện CSTT quốc gia, thực hiện việc đưa tiền ra lưu thông, rút tiền từ lưu thông về trong phạm vi lượng tiền cung ứng đã được Chính phủ phê duyệt.
NHNN chủ yếu điều hành khối lượng tiền cung ứng trong phạm vi được Chính phủ cho phép trong năm. Tính cam kết của NHNN đối với các mục tiêu không cao. Hàng năm NHNN đặt ra kiểm soát lạm phát cụ thể, nhưng trên thực tế thường không đạt được mức lạm phát đó. Khả năng điều tiết của thị trường tiền tệ còn hạn chế do NHNN chưa kiểm soát được các luồng tiền tệ trong nền kinh tế như luồng ngoại tệ, các khoản thu chi ngân sách nhà nước, hoạt động ngân hàng của các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác. Mặt khác, sự yếu kém của thị trường tiền tệ đã góp phần làm cho việc kiểm soát cung tiền và điều tiết lãi suất thị trường của NHNN cũng bị hạn chế. Việc phân tích và dự báo cung cầu tiền tệ còn đơn giản thể hiện ở chỗ: chưa xem xét đầy đủ tác động của chính sách thuế, thu nhập, thương mại, diễn biến kinh tế tài chính… Hệ thống thống kê tiền tệ chưa đầy đủ và việc quản lý, khai thác các thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng từ các lĩnh vực khác còn hạn chế.
Hạn chế của các công cụ CSTT:
- NHNN quy định tỷ lệ DTBB trong suốt thời gian dài khiến nó không phát huy được tác dụng điều chỉnh nguồn vốn thanh toán và cho vay của TCTD. Vì vậy, hạn chế vai trò, tác dụng của tỷ lệ DTBB trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay, lượng tiền cung ứng và hệ số tạo tiền của hệ thống TCTD.
- Chính sách DTBB áp dụng chung cho cả hệ thống NHTM, không căn cứ vào quy mô tài sản và nguồn vốn, chất lượng hoạt động và mức độ an toàn của từng ngân hàng, chưa phù hợp với quy mô và trình độ phát triển không đồng đều của các NHTM Việt Nam, làm cho công cụ DTBB không phát huy được hết tác dụng của nó.
- Quy chế nghiệp vụ thị trường mở chậm được điều chỉnh, sửa đổi theo sự đổi mới của môi trường pháp lý, tạo ra những rủi ro về pháp lý và kinh tế cho TCTD. - Cơ chế mua bán giấy tờ có giá trên thị trường mở hiện hành chủ yếu là đấu thầu khối lượng, các mức lãi suất giao dịch thực tế phản ánh chưa chính xác quan hệ cung cầu vốn, không khuyến khích cạnh tranh thực sự giữa các TCTD với mục tiêu hạ lãi suất thị trường.
- Khối lượng giao dịch bị hạn chế trong mức cung tiền mục tiêu hàng năm và khả năng, điều kiện tham gia thị trường mở của các TCTD, làm giảm hiệu quả điều tiết, tác động của công cụ thị trường mở.
Ngoài ra, nền tảng ổn định tiền tệ - tài chính của Việt Nam vẫn thiếu vững chắc với hàng loạt các vấn đề đang tồn tại và những “nút thắt” khó giải quyết như: - Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, nợ công tăng nhanh và ở mức khá cao.
- Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện.
- Khu vực tài chính phát triển còn mất cân đối, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển.
- Năng lực và trình độ quản trị của đa số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế thực ở mức thấp, mức độ rủi ro trong kinh doanh của các doanh nghiệp ở mức cao do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
- Hiệu quả sử dụng vốn ở khu vực tài chính công và khu vực tư nhân đều rất thấp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước.