1. Đại cương về khối u ở động vật
Đặc điểm của mô động vật là sự phát triển điều hòa và giới hạn của tế bào. Trong một hiện tượng hiếm, một tế bào có thể thóat khỏi những bó buộc điều hòa bình thường và phân chia một cách không kiểm soát, tạo nên một khối lượng mô không bình thường. Những khối lượng như thế gọi là khối u.
Khối u được phân loại theo cách thức phát triển thành 2 nhóm: u lành tính và u ác tính. Nhóm không xâm lấn mô xung quanh được gọi là lành tính, chúng phát triển bằng cách dời chỗ tế bào kế cận và hiếm khi giết chết cơ thể trừ trường hợp chúng xảy ra ở não. U ác tính gọi là ung thư xâm lấn và giết chết tế bào xung quanh lúc chúng phát triển, chúng cũng phóng thích vào máu và bạch huyết những tế bào có khả năng tạo nên những tiêu điểm khối u mới gọi là di căn.
U lành tinh và ác tính đều được gọi bằng một từ tận cùng là oma. Ung thư tạo bởi từ những lớp tế bào gọi là carcinoma, ung thư phát sinh từ mô liên kết hoặc mạch máu gọi là sarcoma. Nhiều ung thư được gọi tên theo tế bào đặc hiệu mà chúng tạo thành. Ví dụ hepatoma hình thành từ hepatocyte ở gan, melanoma từ melanocyte ở da và lymphoma từ lympho bào. Một ngoại lệ ở trường hợp leukemia phát sinh ở tủy xương tạo thành bạch cầu.
2. Virus sinh khối u
Virus sinh khối u lần đầu tiên được V. Ellerman và O.Bang khám phá năm 1908 lúc chứng minh bệnh bạch cầu gà (ALV) có thể truyền cho gà khác bởi dịch lọc của các tế bào máu. Năm 1911, P. Rous phát hiện sarcoma gà cũng có thể truyền một cách tương tự như thế và khẳng định tác nhân truyền bệnh là 1 virus, hiện nay gọi virus sarcoma của Rous (RSV), là một Retrovirus.
Lúc đầu sự khám phá virus gây khối u ở gà ít được quan tâm, nhưng vào năm 1932 lúc R. Syope cho thấy papilloma ở thỏ cũng do một virus gây nên thì sự lưu ý gia tăng. Sự quan tâm tăng lên năm 1936 lúc J. Bitter chứng minh virus u vú ở chuột (MTV) có thể truyền qua sữa từ chuột mẹ sang chuột con. Công trình của Bitter cho ta hiểu nhiều phương diện quan trọng của virus ung thư: một động vật bị nhiễm virus ung thư lúc tre thơ có thể không phát triển khối u cho đến lúc trưởng thành, một virus sinh khối u không phải luôn luôn hình thành khôi u, nhiều nhân tố như môi trường xung quanh, sinh lý của vật chủ cũng quan trọng. Chuột cái nhiễm MTV lúc nhỏ phát triển khối u với tần số cao lúc mang thai.
Những virus sinh khối u khám phá cho đến nay phần lớn là những virus ADN:
poxvirus, adenovirus, herpesvirus, papovavirus, virus viêm gan B và chỉ tìm thấy một nhóm virus ARN là Retrovirus. Nhưng Retrovirus sau khi xâm nhiễm tế bào thì ARN được sao mã thành ADN rồi tích hợp vào nhiễm sắc thể của tế bào. Nên người ta có thể khăng định sự sinh khối u là một thuộc tính liên quan đến ADN của virus.