0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (56 trang)

VIRUS VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Một phần của tài liệu VI SINH VẬT Y HỌC PHẦN 3 VIRUS GÂY BỆNH (Trang 26 -27 )

Virus viêm não Nhật Bản (VNNB) là tác nhân gây bệnh viêm màng não- não ở người. Virus VNNB lưu hành ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á , trong đó có Việt Nam.

1. Đặc điểm virus học

- Virus VNNB thuộc họ Flaviviridae. Virus có hình cầu đường kính từ 30 đến 35nm. Virus chứa ARN một sợi, nucleocapsid đối xứng hình khối. Có một vỏ bọc bên ngoài capsit.

- Virus bị mất hoạt lực ở 560C trong 30 phút. Virus bị phá hủy bời ether và desoxycholat Natri.

- Virus có thể nhân lên trong phôi gà và trong các nuôi cấy tế bào thận khỉ, thận lợn, thận cừu, thận chuột đất vàng (hamster).

- Có nhiều loài động vật cảm thụ tốt đối với virus VNNB như chuột nhắt trắng mới đẻ và trưởng thành, mèo, chó con, ngựa, lợn, dơi và nhiều loài chim.

- Virus VNNB có ngưng kết hồng cầu tố, có thể gây ngưng kết hồng cầu ngỗng và hồng cầu gà con 01 ngày tuổi.

2. Khả năng gây bệnh

2.1. Dịch tễ học

- Ổ chứa virus VNNB là các loài chim hoang dại và nhiều loài động vật khác như lợn, chó, trâu bò, ngựa... Ở Việt Nam đã phân lập được virus VNNB từ chim liếu điếu (Garrulax perspicollatus) và lợn.

- Côn trùng tiết túc môi giới là muỗi Culex tritaeniorhynchus, Culex pipiens, Culex gelidus... Ở Việt nam đã tìm thấy virus này ở muỗi Culex tritaeniorhynchus.

Các côn trùng môi giới này có thể gây nhiễm virus cho các loài gia súc và gia cầm, đa số là ở thể ẩn, tuy vậy có thể gây ra các vụ dịch viêm não ở gia súc như ngựa, lợn. Các loại gia súc và gia cầm dù ở thể bệnh nào, cũng đều có giai đoại nhiễm virus huyết. Chính vì vậy, các loài muỗi hút máu ở giai đoạn này sẽ là điều kiện gây thành dịch ở người.

Bệnh viêm não Nhật Bản có một tỷ lệ cao ở thể ẩn, tỷ lệ mắc bệnh thể ẩn trên thể nhiễm virus có biểu hiện lâm sàng là 300/1 đến 200/1. Bệnh thường xảy ra vào những tháng hè thu, ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là ở trẻ em.

2.2. Khả năng gây bệnh ở người

Khi muỗi mang virus đốt người, người sẽ mắc bệnh, phần lớn là thể ẩn, một số trường hợp mắc bệnh nhẹ chỉ biểu hiện: nhức đầu, sốt nhẹ và khó chịu trong vài ngày.

Thể điển hình là viêm não, thời kỳ ủ bệnh từ 4 đến 21 ngày. Bệnh bắt đầu từ từ hoặc đột ngột với sốt cao 39- 40 0C, nôn, nhức đầu dữ dội. Về sau xuất hiện các triệu chứng thần kinh, tâm thần và thực vật. Sốt cao kèm theo cứng gáy, co giật, rối loạn trương lực cơ, liệt vận động, rối loạn hô hấp, rối loạn ý thức, hôn mê... Virus gây thương tổn rất trầm trọng ở vỏ não, các hạch đáy não, ở vỏ tiểu não và sừng tủy. Tỷ lệ tử vong cao. Sau khi khỏi bệnh, nếu có di chứng thường là di chứng tâm thần như thiểu năng tâm thần, tâm thần sa sút, giảm trí tuệ.... và di chứng thần kinh như liệt, động kinh...vv...

3. Chẩn đoán virus học

Để chẩn đoán xác định bệnh viêm não Nhật Bản phải căn cứ vào phân lập virus và chẩn đoán huyết thanh vì hình ảnh lâm sàng rất có thể nhầm lẫn với nhiều tác nhân virus gây viêm não khác.

3.1. Phân lập virus

Bệnh phẩm là máu của bệnh nhân trong giai đoạn sốt hoặc là não của tử thi được tiêm vào não của chuột nhắt trắng mới đẻ 1 - 2 ngày tuổi (chuột ổ) là những súc vật rất nhạy cảm với các Arbovirus. Theo dõi 8-10 ngày, thấy chuột liệt và chết. Sau đó định loại virus bằng phản ứng trung hòa với các kháng huyết thanh mẫu trên chuột ổ.

Có thể phân lập virus trên nuôi cấy tế bào muỗi C6/36 hay AP-61. 3.2. Chẩn đoán huyết thanh

Có thể dùng phản ứng ngăn ngưng kết hồng cầu, phản ứng kết hợp bổ thể. Cần lấy huyết thanh bệnh nhân 2 lần cách nhau 10 - 14 ngày để tìm động lực kháng thể. Nếu hiệu giá kháng thể trong huyết thanh lấy lần thứ hai tăng lên rõ rệt mới kết luận là nhiễm virus viêm não Nhật bản.

Hiện nay, thường dùng phản ứng MAC ELISA để phát hiện kháng thể IgM. Phản ứng này có độ nhạy cao, độ đặc hiệu cao và chỉ lấy máu một lần.

4. Phòng bệnh và chữa bệnh

4.1. Phòng bệnh chung - Tiêu diệt ổ chứa.

- Tiêu diệt côn trùng trung gian truyền bệnh: Diệt muỗi và bọ gậy bằng hóa chất, bằng tác nhân sinh học,...

- Đối với người bệnh và người lành phải nằm màn, tránh muỗi đốt. 4.2. Phòng bệnh đặc hiệu

Dùng vaccine phòng bệnh viêm não Nhật bản. Hiện nay ở nước ta đang dùng loại vaccine bất hoạt, dạng nước, tiêm phòng cho trẻ em ở vùng có dịch lưu hành.

4.3. Chữa bệnh

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chữa các triệu chứng là chủ yếu, chăm sóc bệnh nhân, nâng cao thể trạng, hạn chế các di chứng.


Một phần của tài liệu VI SINH VẬT Y HỌC PHẦN 3 VIRUS GÂY BỆNH (Trang 26 -27 )

×