- Các nội dung cơ bản của ISO
Chương 3: Giải pháp đặt ra cho nước ta để vượt qua các rào cản thương mại thời gian tớ
3.3.1 Hướng khắc phục cho ngành thủy sản Việt Nam
Cần quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có tính liên ngành, liên vùng, có sự phối hợp với quy hoạch nông nghiệp, công nghiệp và khu dân cư. Các khu quy hoạch phải có quy mô đủ lớn, thuận tiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nuôi trồng sạch, dễ dàng trong việc cung cấp nguồn nước sạch và xử lý nước thải, cũng như kiểm soát con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, kiểm dịch, sử dụng thuốc thú y, kiểm tra ô nhiễm môi trường và thủy sản sau thu hoạch. Quy định các ao nuôi trồng thủy sản phải có các ao để xử lý nước nuôi và nước thải, tránh các trường hợp nước thải chưa được xử lý làm ô nhiễm các vùng nuôi. Đặc biệt phải ngăn chặn việc ô nhiễm từ các nguồn nước, rác thải của các khu dân cư, các vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Đầu tư nghiên cứu và sản xuất các loại giống tôm, cá và giống thủy đặc sản sạch mầm bệnh, cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời xây dựng kế hoạch nhập các giống tốt có khả năng kháng bệnh để từng bước hòan thiện các bộ giống phù hợp với điều kiện của nước ta. Nghiên cứu xây dựng đề án nuôi dưỡng và bảo tồn các loài giống thủy sản bố mẹ sạch mầm bệnh, đặc biệt là giống tôm vị tôm bố mẹ di truyền bệnh sang cho tôm con. Phải có một quy chế xét duyệt và tuyển chọn giống chặt chẽ, tránh các trường hợp giống không đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường. Sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu sản xuất giống hiện tại, tập trung đầu tư cho một số cơ sở có quy trình sản xuất khoa học có khả năng tạo ra các giống tốt mang tầm cỡ quốc gia, nâng cấp một số trại sản xuất giống, cá, tôm, giống đặc sản phục vụ nuôi xuất khẩu ở các địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất giống tại Việt Nam. Qui định và kiểm soát chặt chẽ để tất cả các giống đưa vào lưu thông đã được kiểm dịch và đảm bảo sạch mầm bệnh.
Tập trung nghiên cứu và áp dụng mô hình nuôi trồng sạch cho từng loại thủy sản, chú trọng đến mô hình nuôi tôm sạch. Mô hình phải đảm bảo cả năng suất hiệu quả mới thu hút được người nuôi áp dụng. Đồng thời nghiên cứu sản xuất hoặc nhập khẩu các hóa chất và kháng sinh có tính năng tương đương, thay thế các hóa chất và kháng sinh đang bị cấm. Đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất thức ăn cho thủy sản theo công nghệ mới để tăng cường chất lượng thức ăn, hạ giá thành, đảm bảo vệ sinh và phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường đầu tư cho đội tàu đánh bắt xa bờ, trang bị các thiết bị, kỹ thuật khai thác và bảo quản đảm bảo chất lượng cho hàng thủy sản, cũng như xây dựng đội tàu chuyên dùng để bảo quản, vận chuyển sản phẩm hải sản, cung cấp các dịch vụ ngoài khơi. Trước mắt cần hoàn thiện qui trình công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu cho hai loại
tàu công suất lớn và công suất nhỏ để đảm bảo hàm lượng histamin có trong các sản phẩm cá ngừ và phổ biến quy trình cho các đội tầu của các tỉnh.
Các cơ sở chế biến phải kiểm tra nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào, vừa đảm bảo chất lượng nguyên liệu vừa tạo áp lực để các nhà sản xuất và khai thác thủy sản phải áp dụng các biện pháp nuôi trồng sạch và bảo quản đúng chế độ đề ra. Ký hợp đồng trực tiếp với các cơ sở nuôi trồng, khai thác hoặc đặt trạm thu mua hoặc thông qua đại lý, thương lái để tối ưu hóa quá trình lưu thông từ cơ sở sản xuất đến cơ sở chế biến để hạn chế việc nhiễm bẩn, nhiễn khuẩn, ươn hỏng hoặc lây nhiễm chéo cho thủy sản nguyên liệu trong quá trình vận động từ cơ sở sản xuất đến cơ sở chế biến. Đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng như hệ thống ISO, GMP, tuân thủ nghiêm ngặt các qui định kỹ thuật và vệ sinh cho hàng thủy sản xuất khẩu.
Xây dựng và hòan thiện các tiêu chuẩn, tập trung vào các tiêu chuẩn về chất lượng con giống, thức ăn, thủy sản nguyên liệu, tiêu chuẩn về qui trình nuôi trồng, xử lý nước thải, tiêu chuẩn về kỹ thuật hệ thống ao, hồ, bè nuôi trồng, tiêu chuẩn về các phương pháp kiểm tra, đồng thời nâng cấp các cơ sở giám định có đủ năng lực và thiết bị kiểm tra đạt chuẩn quốc tế. Cập nhật thông tin về các qui định chất lượng và vệ sinh an toàn hàng thủy sản của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm, xây dựng và hòan thiện hệ thống các qui định nhằm đảm bảo qui định kỹ thuật và vệ sinh cho hàng thủy sản và phổ biến tuyên truyền đến từng cơ sở tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng thủy sản, tuyệt đối không để hiện tượng buôn bán, sử dụng các hóa chất và kháng sinh bị cấm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt để các lô hàng không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn được xuất khẩu ra thị trường nước ngòai. Các vùng nuôi trồng thủy sản cần thực hiện mô hình liên kết “6 nhà” đó là: nhà nuôi trồng thủy sản, nhà cung cấp giống; nhà cung cấp thức ăn, nhà cung cấp thuốc thú y; nhà nuôi trồng thủy sản, nhà chế biến, xuất khẩu và Nhà nước. Trong đó cần thành lập liên hợp sản xuất thủy sản sạch gồm 5 nhà là nhà nuôi trồng thủy sản, nhà cung cấp giống, nhà cung cấp thức ăn; nhà cung cấp thuốc thú y; nhà nuôi trồng thủy sản; nhà chế biến, xuất khẩu và đặt dưới sự kiểm soát của các cơ quản quản lý nhà nước. Các liên hiệp cần xây dựng quy chế hoạt động và mỗi thành viên phải thực hiện đầy đủ các cam kết nhằm thực hiện mô hình nuôi trồng sạch và được hưởng lợi từ việc thực hiện mô hình này. Bộ Thủy sản kết hợp với Bộ Thương mại thành lập
các điểm hỏi – đáp để giải quyết tất cả các câu hỏi và ý kiến đóng góp về các qui định của hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh đối với hàng thủy sản do các nước nhập khẩu ban hành để có các biện pháp can thiệp kịp thời đồng thời giúp cho những người sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiểu được các qui định của thị trường để có các biện pháp đảm bảo tốt hơn.