Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NHÀ HÀ NỘI (Trang 29 - 33)

2.3.2.1. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được , thực trạng công tác huy động tiền gửi của NH TMCP Nhà Hà Nội trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm lực của NH. Điều này thể hiện qua các mặt cụ thể sau:

Thứ nhất, tuy vốn huy động từ tiền gửi có sự tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự ổn định, cơ cấu nguồn tiền gửi của NH chưa hợp lý, có sự mất cân đối giữa các hình thức huy động: Huy động qua tiền gửi tiết kiệm và huy động qua tiền gửi của các TCKT, trong đó tiền gửi của các TCKT vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn tiền gửi huy động, tập trung vào một số khách hàng lớn nên tính ổn định và bền vững của nguồn vốn huy động chưa cao. Điều này chứng tỏ khách hàng vẫn chưa thực sự bị hấp dẫn bởi lãi suất và các dịch vụ mà NH cung cấp cho họ.

Thứ hai, phương thức huy động còn đơn điệu: Chỉ đơn thuần là các hình thức huy động tiền gửi như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán… và NH đưa ra rất ít các hình thức khuyến mại hấp dẫn như các NH TMCP khác như tiết kiệm có cơ hội nhận vàng, Gửi một lần nhưng rút gốc linh hoạt cho nhu cầu chi tiêu vẫn được hưởng lãi suất cao; gửi góp nhưng lĩnh ra một lần vào cuối kỳ với lãi suất hấp dẫn, tặng thêm lãi suất thưởng, …

Thứ ba, trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam như hiện nay, lãi suất vẫn là công cụ quan trọng trong việc thu hút vốn của hệ thống NH. Để tạo được nhiều vốn đáp ứng nhu cầu sử dụng, NH đã cạnh tranh bằng lãi suất, tuy nhiên việc chạy theo mặt bằng lãi suất chung bằng cách liên tục tăng lãi suất, không ngại tạo ra các “cuộc đua siêu lãi suất” trên thị trường cũng khiến cho chi phí huy động tiền gửi của NH gia tăng dẫn đến tình trạng vốn huy động với giá cao mà đầu tư với giá thấp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng.

Thứ tư, vẫn tồn tại sự mất cân đối trong huy động - sử dụng vốn. Mặc dù xu hướng là mở rộng cho vay trung và dài hạn nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên NH lại phải thực hiện mở rộng cho vay ngắn hạn để cân đối thời hạn của nguồn.

Ngoài ra các dịch vụ hỗ trợ cho công tác huy động vốn cũng chưa nhiều như dịch vụ két sắt, ký gửi tài sản. NH cần mở rộng và thực hiện các dịch vụ này phong phú hơn.

2.3.2.2. Nguyên nhân

Những tồn tại trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác huy động tiền gửi của NH TMCP Nhà Hà Nội. Xem xét một cách đầy đủ các mặt có thể rút ra một số các nguyên nhân sau:

Nguyên nhân chủ quan

- Khả năng tích hợp các dịch vụ là thấp, khả năng linh hoạt các sản phẩm dịch vụ kém: do sản phẩm thu hút tiền gửi còn đơn điệu cũng là lí do làm giảm khả năng tích hợp các dịch vụ, giảm mối liên hệ giữa chúng. Điều này gây cho người có vốn gặp khó khăn khi chuyển từ loại tiết kiệm này sang loại tiết kiệm khác, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hệ thống tài khoản cá nhân đang triển khai nhưng chưa thu được kết quả cao. Bên cạnh đó tài khoản tiết kiệm đã khá thông dụng ở một số nước phục vụ cho dân cư như tài khoản khi rút tiền phải báo trước, tài khoản đồng sở hữu, tài khoản sẽ cho phép thấu chi tài khoản vãng lai cho cán bộ công nhân viên chưa được nghiên cứu thực nghiệm để sử dụng.

- Công tác tuyên truyền, thông tin quảng cáo tuy đã khá hơn những năm trước nhưng chưa phải là tốt lắm. Hoạt động Marketing hiệu quả chưa cao, hệ thống thông tin trao đổi hai chiều giữa ngân hàng và khách hàng còn hạn chế, bao gồm cả thu thập và xử lý thông tin về huy động vốn, về cân đối và kinh doanh vốn. Do đó, hầu hết các khách hàng có nhu cầu mở và sử dụng tài khoản tiền gửi đều tự tìm đến ngân hàng. Sở dĩ hoạt động huy động tiền gửi của NH chưa đạt hiệu quả tốt là do mạng lưới hoạt động chưa sâu sát, chỉ mới tập trung tại một số khu trung tâm, đông dân cư, chưa đến được với người dân ở các vùng xa. Mạng lưới phòng giao dịch đã được mở rộng nhưng chưa kịp thời và chưa nhiều, cụ thể: Con số chi nhánh, phòng giao dịch mới chỉ dừng ở 40 vào cuối năm 2008, còn khá khiêm tốn so với các NH cổ phần khác như Sacombank (260 điểm), Techcombank (170 điểm), Eximbank (112 điểm). Vì thế, NH không thể khai thác hết được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư.

- Do chất lượng dịch vụ: NH đã tham gia hệ thống thanh toán bù trừ, tham gia thị trường mở. Tuy nhiên tốc độ luân chuyển chứng từ và luân chuyển vốn còn chậm, điều này gây nhiều bất lợi cho khách hàng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng. NH vẫn còn thiếu vốn để trang bị công nghệ hiện đại như thẻ thanh toán, máy rút tiền tự động, đó là sự hạn chế trong hoạt động NH nói chung và huy động tiền gửi nói riêng.

Mặc dù NH đã có nhiều cải tiến nhưng thủ tục rút tiền gửi vẫn còn thủ công, chưa thuận tiện, tốc độ giao dịch còn chậm làm mất nhiều thời gian của khách hàng, đôi khi còn làm khách hàng cảm thấy không thoải mái. Việc thực hiện hình thức gửi tiền một nơi, rút ra nhiều nơi nhiều khi vẫn phải thực hiện qua điện thoại, Fax. Ngoài ra, khi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, người gửi tiền chỉ nhận được một khoản tiền lãi mà chưa sử dụng các dịch vụ khác của NH như: thanh toán, chi trả...

Điều kiện làm việc của cán bộ công nhân viên chưa thuận lợi, địa điểm làm việc còn chật hẹp, trang bị kỹ thuật chưa thực sự hiện đại. Thêm vào đó, trình độ cán bộ chưa toàn diện, mang tính chất chuyên môn hóa cao theo từng lĩnh vực như kế toán, ngân quỹ, … dẫn đến khi nộp hay thiếu tiền, khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn mất thời gian. Sự phối hợp giữa các bộ phận quản lý, các phòng nghiệp vụ còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng, gây phiền hà, mất thời gian cho khách hàng.

- Do sự mất cân xứng giữa huy động và sử dụng vốn: Cụ thể, tính cân xứng giữa nguồn vốn - sử dụng vốn dài hạn của NH còn chưa hợp lý vì các khoản cho vay trung và dài hạn chiếm khoảng 30% tổng dư nợ trong khi nguồn vốn huy động có kết cấu tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn khá lớn, nguồn vốn huy động dài hạn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ ( khoảng 15% % trong tổng nguồn vốn huy động ), điều này gây khó khăn cho NH trong việc cân đối huy động - sử dụng vốn.

Nguyên nhân khách quan

- Nguyên nhân khách quan đầu tiên là do tình trạng phát triển của nền kinh tế. Đây là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, chưa thực sự ổn định do chịu ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu: 9 tháng đầu năm 2008 lạm phát và nhập siêu cao, sang tháng 10 giảm phát; thêm vào đó tình trạng doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ khá phổ biến. Kinh tế có dấu hiệu suy giảm, sức cầu yếu, sản xuất lưu thông hàng hóa có dấu hiệu trì trệ. Trong bối cảnh đó, công tác triển khai huy động tiền gửi gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2008, mặc dù một số chỉ tiêu cơ bản của NH vẫn đạt được, song tốc độ đã chậm lại. Hoạt động của NH chủ yếu là tập trung huy động tiền gửi để cân đối nguồn và đảm bảo khả năng thanh khoản.

- Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của môi trường chính trị pháp luật. Sự điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất của nhà nước còn chưa đồng bộ và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, liên tục thay đổi và còn nhiều chồng chéo đôi khi còn mâu thuẫn nhau, còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác làm cho hoạt động huy động vốn gặp khó khăn trong công tác quản lý, gây

tâm lý thiếu tin tưởng cho nhà đầu tư. Đặc biệt là trong thời điểm lạm phát tăng cao như hiện nay, NHNN cần đưa ra chính sách hợp lý vừa có lợi cho cả doanh nghiệp, vừa có lợi cho cả ngân hàng.

- Hoạt động trên địa bàn Thủ đô, là nơi có hoạt động kinh tế sôi động nhất nhì cả nước, điều này làm cho HABUBANK vừa có thuận lợi là có khả năng tiếp cận với các nguồn tiền gửi dễ dàng hơn, tuy nhiên cũng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác trong việc huy động tiền gửi. Thêm vào đó, các kênh huy động khác ngoài ngân hàng như các công ty bảo hiểm nhân thọ, tiết kiệm bưu điện, trái phiếu kho bạc, đầu tư chứng khoán …cũng ảnh hưởng đáng kể đến lượng tiền gửi huy động vào ngân hàng. Điều này có thể thấy rõ trong những tháng đầu năm 2008, chưa bao giờ cơn khát vốn của các NH lại trở nên gay cấn như lúc này, để lôi kéo khách hàng về phía mình, các NH đã không ngại tạo ra những cuộc đua “siêu lãi suất” trên thị trường, có khi cao hơn lãi suất cơ bản do Thống đốc NH nhà nước Việt Nam quyết định và giảm lãi suất tín dụng xuống dưới mặt bằng lãi suất chung.

- Do điều kiện kinh tế chưa phát triển, thu nhập dân cư nhìn chung còn thấp, tích lũy chưa nhiều, bên cạnh đó, hiểu biết về hoạt động NH của người dân còn ít cũng là một hạn chế lớn cho hoạt động huy động tiền gửi của NH. Đặc biệt, tâm lý ưa dùng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động huy động của NH. Cụ thể, ở một số ngành như điện, nước, bưu điện, thuế, hải quan, xăng dầu... có số thu bằng tiền mặt lớn, nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chưa thật sự tạo điều kiện cần thiết cho các dịch vụ thanh toán qua tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng, mà vẫn còn thu tiền mặt là chủ yếu. Một số khách hàng chưa thật sự tin vào NH. Có một bộ phận nhỏ trong dân chúng vẫn chưa quen với các hoạt động cũng như sử dụng các tiện ích của NH, tâm lý lo sợ tiền mất giá …khiến họ vẫn ngần ngại trong việc gửi tiền vào NH.

 Tóm lại, trong những năm qua, NH TMCP Nhà Hà Nội đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện các nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng…Với sự nỗ lực của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên, NH đã đạt được những thành tích trong công tác huy động vốn, đặc biệt là huy động tiền gửi khách hàng. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, NH vẫn còn tồn tại hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, để tăng quy mô và bảo đảm cơ cấu nguồn tiền gửi huy động ổn định và vững chắc, NH cần phải nghiên cứu để đưa ra các biện pháp thiết thực, có tính khả thi cao, được phối hợp đồng bộ nhằm phát

huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại tạo điều kiện cho sự phát triển an toàn và hiệu quả.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NHÀ HÀ NỘI (Trang 29 - 33)