Kết quả và hiệu quả hoạt động của thị trường bảo hiểm nhân thọ không những được thể hiện qua chỉ tiêu số hợp đồng khai thác mới mà còn ở chỉ tiêu tỷ lệ duy trì hợp đồng. Xuất phát từ nhận thức này mà các công ty bảo hiểm luôn đưa ra những biện pháp nhằm tăng tỷ lệ duy trì hợp đồng, giảm tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng để không ngừng nâng cao kết quả và hiệu quả kinh doanh và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của toàn thị trường.
Ngoài ra, việc khách hàng huỷ bỏ HĐBH nhân thọ còn tạo ra ảnh hưởng của hiệu ứng lan truyền. Đó là thái độ tiêu cực của khách hàng đối với DNBH làm cho thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể lâm vào khủng hoảng, đóng băng và điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ về lâu dài. Mặt khác, bảo hiểm nhân thọ còn có vai trò rất to lớn trong việc huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư để đầu tư trở lại nền kinh tế. Vậy nên, một khi doanh thu phí BHNT giảm do hủy hợp đồng thì đương nhiên việc đầu tư cũng bị hạn chế và nó làm ảnh hưởng đến thị trường vốn nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Từ đó, cũng ảnh hưởng gián tiếp đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung.
Tóm lại, việc khách hàng huỷ bỏ HĐBH nhân thọ là điều không mong muốn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm cũng như bản thân khách hàng bởi vì nó làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập và chỉ tiêu thi đua của đại lý và tác động đến thái độ, niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng như đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.