Thông thường các công ty thường đưa ra không chỉ một mà rất nhiều các chính sách cùng một lúc, sau đó mới tiến hành đánh giá, lựa chọn xem chính sách nào là phù hợp và hiệu quả nhất. Cho dù công ty có lựa chọn theo cách thức nào đi chăng nữa thì các chính sách được lựa chọn bao giờ cũng phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
- Yêu cầu về mức độ bao phủ thị trường: Chính sách phân phối đó phải đạt được mức bao phủ thị trường nhất định tuỳ thuộc vào mục tiêu mà công ty đã đề ra trong từng thời kỳ. Hệ thống phân phối được xây dựng trên cơ sở thoả mãn tối đa nhu cầu dịch vụ khách hàng, đồng thời kết hợp thoả đáng các yếu tố nội tại của công ty. Khi sự hiện diện của công ty thông qua các trung gian có mặt trên thị trường càng lớn thì sự tiếp giữa hệ thống phân phối của công ty với người tiêu dùng càng nhiều, nà nó chứng tỏ hệ thống phân phối của công ty hoạt động có hiệu quả. Nhưng mặt khác công ty cũng phải đảm bảo hàng hoá của mình có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về cả số lượng và chất lượng, vì suy cho cùng, hệ thống phân phối cũng chỉ là một công cụ giúp cho việc đưa hàng hoá đến được tay người tiêu dùng mà thôi còn việc người tiêu dùng có chấp nhận hay không thì phải phụ thuộc vào chính bản thân hàng hoá. Một điều nữa cần lưu ý đó là hệ thống phân phối được lựa chọn phải phù hợp với đặc trưng của hàng hoá mà công ty kinh doanh, hạn chế sự ứ đọng của hàng hoá ở từng khâu, đẩy nhanh tốc độ chu chuyển của hàng hoá qua đó tránh ứ đọng vốn trong kênh phân phối, đồng thời tăng mức bao phủ thị trường của công ty. Một hệ thống phân phối được đánh giá là thành công khi mức độ bao phủ thị trường càng lớn.
- Yêu cầu kinh tế: Chính sách đó phải đem lại hiệu quả tốt nhất với mức chi phí tối ưu. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất nhất đối với các doanh nghiệp kinh doanh. Bởi vì lợi nhuận bao giơ cũng là điều mà các nhà kinh doanh quan tâm nhất. Tuy vậy, khi đánh giá các chính sách phân phối, các doanh nghiệp cần phải xem xét, đánh giá nó trong một thời gian dài. Bởi vì đôi khi hiệu quả của nó không nhìn thấy ngay tức thì mà phải qua một thời gian tương đối dài mới nhận thấy, do vậy nếu vội vàng đánh giá có thể sẽ dẫn đến sai lầm. Tính kinh tế giống như phần nổi của một tảng băng chìm, trong quá trình mới tạo lập khách hàng ít, chi phí xâm nhập lớn thì có thể doanh nghiệp sẽ bị lỗ trong thời gian đầu, tuy nhiên có thể kênh phân phối đó lại có triển vọng lớn, mang lại hiệu quả lớn trong tương lai. Điều này không phải ai cũng có thể nhận ra đuợc, nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của các nhà quản trị, đỏi hỏi họ phải có một tầm nhìn chiến lược, một cái nhìn lạc quan vào tương lai.
- Yêu cầu thích nghi với thị trường: Chính sách phân phối được lựa chọn phải phù hợp từng phân đoạn thị trường, phù hợp với sở thích, thị hiếu, thói quen…những đặc trưng về văn hoá xã hội của từng thị trường, nếu không nó sẽ bị tẩy chay, hoạt động kém hiệu quả. Mỗi một thị trường có đặc tính khác nhau, tập tính tiêu dùng và đặc điểm mua hàng cũng khác. Do vậy, đặc trưng phân phối ở mỗi thị trường mỗi khác. Việc áp dụng những kênh phân phối không phù hợp có thể sẽ gây lãng phí cho công ty và làm giảm sức bán của hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối phải giải quyết được sự khác biệt về quy tắc, giá trị hành vi ở từng thị trường, những khoảng cách về văn hoá,…Mỗi thị trường có một mật độ dân cư xác đinh, công ty cần phải nắm vững điểm này để bố trí các kênh phân phối thích hợp, sao cho có thể cung cấp đủ cho nhu cầu của khách hàng. Công ty cần xem xét đến khả năng cung ứng của các trung gian có những quyết định lựa chọn phù hợp. Hiểu rõ được các vấn đề này công ty sẽ có cơ sở để đưa ra các chính sách hợp lý, đem lại hiệu quả cao.