Nhánh lúa

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun chuẩn bị điều kiện trồng lúa (Trang 25)

A. Nội dung

1.4.4. Nhánh lúa

Là một cây lúa con mọc từ mầm nhánh trên đốt thân cây mẹ. Nhánh lúa cũng có các bộ phận như rễ, thân, lá, hoa, quả, có thể sống độc lập như các cây lúa mọc từ hạt.

Đẻ nhánh là một đặc tính sinh học của cây lúa, liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành số bông và năng suất cây lúa.

Cây lúa non (cây mạ) được gọi là thân chính hay cây mẹ. Các nhánh mọc ra từ thân chính được gọi là nhánh cấp 1 (cây lúa thường có từ 5- 7 nhánh cấp 1). Các nhánh mọc ra từ nhánh cấp 1 được gọi là nhánh cấp 2 và các nhánh mọc ra từ nhánh cấp 2 được gọi là nhánh cấp 3 (hình 1.36).

Hình 1.36. Cây lúa đẻ nhánh

Cây lúa đẻ nhiều nhánh (hình 1.37), nhưng thường chỉ có những nhánh đẻ sớm, ở vị trí mắt đẻ thấp và có từ 3 lá trở lên, điều kiện dinh dưỡng thuận lợi mới có thể phát triển trở thành nhánh hữu hiệu (nhánh có bông). Những nhánh đẻ muộn, có dưới 3 lá thì không thể có bông (gọi là nhánh vô hiệu).

Hình 1.37. Cây lúa đẻ nhiều nhánh

Trong điều kiện thuận lợi, đầy đủ dinh dưỡng và ánh sáng, cây lúa thường bắt đầu mọc nhánh ở đốt thứ hai, đồng thời với lá thứ năm trên thân chính. Sau đó cứ ra thêm một lá mới thì số chồi tương ứng sẽ xuất hiện.

Nhánh lúa khi mới hình thành, sống dựa vào chất dinh dưỡng của nhánh mẹ. Khi nó có trên 10 rễ và trên 3 lá thì có thể sống tự lập. Các nhánh đẻ sớm thì bông sẽ to, các nhánh đẻ muộn thì bông nhỏ, các nhánh có dưới 3 lá khi nhánh mẹ phân hoá đòng sẽ trở thành nhánh vô hiệu (không có bông). Chính vậy trong canh tác lúa cần tác động các biện pháp kỹ thuật sao cho cây lúa đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung để khống chế nhánh vô hiệu.

Cây lúa đẻ nhánh cấp 1

Cây lúa đẻ nhánh cấp 2, 3

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun chuẩn bị điều kiện trồng lúa (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)