Thành lập các trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị kinh doanh NGUYÊN PHỤ LIỆU CHO NGÀNH DỆT MAY, THỰC TRẠNG- GIẢI PHÁP (Trang 26)

Để có thể triển khai tốt định hướng phát triển của Chính phủ, với vai trò là hạt nhân liên kết, Vinatex đã và đang trực tiếp triển khai các công trình trọng điểm. Cụ thể, đang tập trung xây dựng và thực tế đã đưa vào khai thác và sử dụng một phần 4 cụm công nghiệp dệt may là: Cụm dệt may Phố nối B (Hưng Yên); Cụm dệt may Hòa Xá (Nam Định); Cụm dệt may Hòa Khánh (Đà Nẵng); Cụm dệt may Nhơn Trạch (TP. Hồ Chí Minh). Các cụm công nghiệp này sẽ được đầu tư khép kín từ khâu sản xuất xơ, sợi đến sản xuất vải và nhuộm hoàn tất. Mỗi cụm công nghiệp sẽ xây dựng 1 nhà máy sản xuất sơ polyester công suất 300 tấn/ ngày; 1 nhà máy sản xuất vải mộc công suất 30 triệu m2/năm; 1 nhà máy nhuộm hoàn tất với công suất tương đương sản lượng vải là 30 triệu m2/ năm.

Đồng thời, việc đầu tư các nhà máy nhuộm sẽ tập trung vào các mặt hàng thông dụng nhưng có chất lượng cao và chia theo nhóm hàng. Đó là, mặt hàng vải may sơ mi, quần âu tại các công ty Dệt Nam Định, Dệt may Việt Thắng và Dệt Đông Á; mặt hàng vải denim tại các công ty Dệt Phong Phú và Dệt May Hà Nội, do Dệt Phong Phú làm hạt nhân đầu tư tại Sơn Trà (hợp tác với ITG); mặt hàng vải cho ga, gối, đệm tại các công ty Dệt 8/3, Dệt Thắng Lợi; mặt hàng vải nhung kẻ, nhung trơn do liên doanh với Vinatex và Teachang tại Yên mỹ sản xuất.

Ngoài việc xây dựng các cụm công nghiệp tập trung thì việc xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may là một vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng, đặc biệt là giai đoạn trước mắt. Đây chính là một “liều thuốc” tốt cho căn bệnh liên quan đến nguồn nguyên phụ liệu của ngành. Bởi từ trước tới giờ, chúng ta mới chỉ đáp ứng đủ khoảng 30% nhu cầu nguyên phụ liệu cho toàn ngành, số còn lại hầu hết chúng ta phải phụ thuộc vào nước ngoài. Chính điều này làm cho các doanh nghiệp dệt may trong nước không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên phụ liệu giữa chừng, ảnh hưởng rất lớn tới việc duy trì hoạt động sản xuất cũng như đáp ứng đơn hàng. Với việc Công ty TNHH Liên Anh đã chính thức khởi công dự án trung tâm nguyên phụ liệu dệt may và da giày tại Cụm công nghiệp Trung Thành, xã Tân Bình, huyện Dĩ An, Bình Dương vào tháng 5 năm 2007 (dự án Trung tâm nguyên phụ liệu đầu tiên của Việt Nam) và một loạt các dự án Trung tâm nguyên phụ liệu khác đã đánh dấu một sự thay đổi trong thói quen mua bán của các doanh nghiệp và đây cũng chính

là một hướng đi đúng của ngành trong xu thế hội nhập hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai không xa, các Trung tâm này sẽ thực sự phát huy vai trò và chức năng chính của mình đó là chức năng của “chợ đầu mối”.

Lời kết thúc.

Qua phần trình bày trên, chúng ta đã có được những cái nhìn tổng quan về ngành Dệt may Việt Nam nói chung và tình hình nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may nói riêng. Với những gì đã trình bày, dù chưa được đầy đủ và sâu sắc nhưng nó cũng giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về ngành Dệt may, mà đặc biệt là lĩnh vực cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành. Qua đây chúng ta đã thấy rằng, đằng sau những con số đáng mừng về giá trị xuất khẩu, về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành, chúng ta cũng thấy được những khó khăn, thách thức mà ngành đang phải đối mặt. Từ áp lực cạnh tranh do WTO mang đến, đến những khó khăn về nguồn vốn, lao động, máy móc công nghệ, cho đến những hạn chế trong công tác định hướng và dự báo... Trong đó đặc biệt nổi lên vấn đề nguyên phụ liệu cung ứng cho ngành. Đây quả thực là một bài toán rất khó mà để giải quyết được nó, chúng ta không chỉ cần có con người, nguồn lực mà cần phải có thời gian.

Mặc dù, đã có sự quan tâm tích cực của Chính phủ và bước đầu chúng ta cũng đã đạt được những kết quả theo hướng tích cực trong công tác cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy trong xu thế giảm đó vẫn nổi lên những mất cân đối cần phải có những chính sách và biện pháp khắc phục ngay.

Cũng qua phần trình bày này, chúng ta cũng biết thêm về vị trí, vai trò của ngành Dệt may trong quá trình phát triển đất nước. Đồng thời cũng thấy được những chính sách, định hướng phát triển của Nhà nước đối với ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành xuất khẩu chủ lực này.

Có thể nói, trước mắt ngành Dệt may còn phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức nhưng chúng ta hi vọng với những chính sách, định hướng đúng đắn của Nhà nước, sự lỗ lực của toàn ngành, sự ủng hộ của đất nước, ngành Dệt may của chúng ta không những giữ vững vị trí hiện đang có mà sẽ không ngừng phát triển, để khẳng định vị trí, tên tuổi của mình không chỉ đối với nền kinh tế đất nước mà còn vươn xa trên thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị kinh doanh NGUYÊN PHỤ LIỆU CHO NGÀNH DỆT MAY, THỰC TRẠNG- GIẢI PHÁP (Trang 26)