R A1 A2 A3 S B1 B2 B
V.1- Tổng kết chương
Trong chương này chúng ta đã trình bày các khái niệm cơ bản của mô hình dữ liệu quan hệ. Chúng ta cũng đã thảo luận về đại số quan hệ và các phép toán bổ sung được sử dụng để thao tác các quan hệ. Chương này bắt dầu bằng việc giới thiệu các khái niệm miền, thuộc tính và bộ giá trị. Lược đồ quan hệ được định nghĩa như một danh sách các thuộc tính mô tả cấu trúc của một quan hệ. Một quan hệ (hoặc trạng thái quan hệ) là một tập hợp các bộ giá trị phù hợp với lược đồ.
Có nhiều đặc trưng làm phân biệt các quan hệ vớị các bảng hoặc các tệp thông thường. Trước tiên, các bộ trong một quan hệ là không có thứ tự. Đặc trưng thứ hai liên quan đến thứ tự của của các thuộc tính trong một lược đồ quan hệ và thứ tự tương ứng của các giá trị bên trong một bộ. Mặc dù ta đã đưa ra một định nghĩa quan hệ khác để chứng minh rằng hai thứ tự này là không cần thiết, tuy nhiên, để thuận tiện ta vẫn đòi hỏi các thuộc tính và các giá trị trong bộ là có thứ tự. Chúng ta
cũng đã thảo luận về các giá trị trong các bộ và giới thiệu các giá trị null để biểu diễn thông tin bị thiếu hoặc không biết.
Tiếp theo, chúng ta đã thảo luận về các ràng buộc mô hình quan hệ. Đó là các ràng buộc miền, ràng buộc khóa, các khái niệm về siêu khóa, khóa dự tuyển, khóa chính và ràng buộc NOT NULL trên các thuộc tính. Sau đó, chúng ta đã định nghĩa cơ sở dữ liệu và lược đồ cơ sở dữ liệu quan hệ. Các ràng buộc toàn vện thực thể và toàn vẹn tham chiếu cũng đã được định nghĩa và phân tích. Toàn vẹn thực thể ngăn cấm việc khóa chính có giá trị null. Toàn vẹn tham chiếu được sử dụng để duy trì sự nhất quán của việc tham chiếu trong các bộ từ các quan hệ khác nhau.
Các phép cập nhật trên mô hình quan hệ gồm Insert, Delete, Update. Mỗi một phép toán có thể vi phạm các kiểu ràng buộc nhất định. Mỗi khi một phép toán đuợc áp dụng, trạng thái cơ sở dữ liệu sau khi phép toán được thực hiện phải được kiểm tra để đảm bảo rằng không có một ràng buộc nào bị vi phạm.
Tiếp theo chúng ta đã mô tả đại số quan hệ cơ sở, đó là một tập hợp các phép toán thao tác quan hệ và có thể được sử dụng để đưa ra các truy vấn. Chúng ta đã định nghĩa và phân tích cách sử dụng các phép toán như chiếu, chọn, tích Đềcác, nối, phép đặt lại tên. Các phép toán tập hợp như giao, hợp, trừ cũng được định nghĩa và phân tích.
Tiếp theo, chúng ta thảo luận về các kiểu truy vấn quan trọng không thể sử dụng được các phép toán đại số quan hệ cơ sở. Chúng ta đã giới thiệu phép toán hàm nhóm để làm việc với các kiểu yêu cầu nhóm. Các kiểu truy vấn đệ quy cũng được thảo luận và giới thiệu cách chỉ ra một số kiểu truy vấn đệ quy. Các phép nối ngoài, hợp ngoài, mở rộng của phép nối và phép hợp cũng được thảo luận ở cuối chương.
Cuối cùng, chúng ta làm quen với thuật toán chuyển đổi từ mô hình ER sang mô hình quan hệ. Mô hình ER cho “CÔNGTY” được xây dựng ở chương II đã được chuyển đổi thành lược đồ cơ sở dữ liệu quan hệ.