Một vài nét đặc sắc nghệ thuật trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ

Một phần của tài liệu Cái nhìn trẻ thơ trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ_Khóa luận tốt nghiệp khoa GDTH (Trang 28)

Với trẻ, nhắc tới Phạm Hổ là các em nhớ tới một người bạn. Có được vị trí ấy trong lòng bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi, đó là nhờ trong bụi bặm cuộc đời nhà thơ vẫn giữ cho mình trái tim tràn cảm xúc, đôi mắt thơ ngây trong trẻo của trẻ thơ. Hay nói một cách khác có một người trẻ con trong tâm hồn Phạm Hổ nên đã “đồng thanh tương ứng” được với trẻ con. Điều này đã giúp đưa Phạm Hổ đến và ở trong lòng các em.

2.2. Một vài nét đặc sắc nghệ thuật trong thơ viết cho thiếu nhi củaPhạm Hổ Phạm Hổ

Trong sáng tạo nghệ thuật không bao giờ dung chứa sự dễ dãi. Làm thơ cho thiếu nhi lại càng không được. Mỗi nhà thơ lại như là một người cha, người mẹ, người thầy dạy cho trẻ cách nhìn thế giới và ứng xử trong cuộc sống. Giáo dục trẻ nhưng không được cứng nhắc, khô khan. Yêu cầu này đòi hỏi nhà thơ phải có cách thể hiện phù hợp với cặp mắt và con tim của mỗi lứa tuổi. Tìm cách thể hiện phù hợp không phải bắt chước “nhại lại” cách nói của trẻ mà phải “vừa sáng suốt, ngây thơ vừa phải có giọng kể chuyện ngọt ngào nữa”(Vũ Ngọc Phan). Ở Phạm Hổ ngoài lòng nhiệt tình say mê cùng với việc nắm bắt được đặc điểm tâm lý lứa tuổi đã giúp nhà thơ có những sáng tạo về nghệ thuật trong mảng thơ viết cho thiếu nhi.

2.2.1.Nhịp điệu thơ độc đáo

Với trẻ nhỏ các em đón nhận cuộc sống này bằng tất cả các giác quan và đặc biệt là qua hai giác quan: thị giác và thính giác. Nắm được đặc điểm này khi làm thơ cho trẻ, Phạm Hổ thường chú ý biện pháp nghệ thuật mô tả và mô phỏng âm thanh. Nghệ thuật mô phỏng âm thanh là một trong những nét riêng làm nên nhịp điệu thơ độc đáo trong thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ.

Qua nhịp điệu thơ, các em có thể nghe thấy rất nhiều tiếng động, tiếng kêu, hình dung được rất nhiều động tác, hành động được miêu tả trong bài

Gâu! Gâu! Gâu! Chó hỏi Ịt! Ịt! Ịt! Lợn đòi

Meo! Meo! Meo! Mèo trách Be! Be! Be! Dê cười

(Kêu)

Trong bài thơ có mô phỏng rất nhiều âm thanh thực tế khách quan. Âm thanh của chó, mèo, dê, lợn. Nghệ thuật mô phỏng âm thanh thực tế như vậy ta thường thấy trong thơ Võ Quảng:

Bỗng Mái Hoa đổi nết Cái đầu nó nghênh nghênh Con mắt nó nhớn nhác Cái cổ nó thon thót Nó kêu: “Tót, tót,..., tót” “Cục, cục, cục...tác!” Rồi ngỗng kêu cạc, cạc Rồi vịt kêu gáp gáp Rồi cóc kêu ọc ọc...” (Gà Mái Hoa)

Nhưng có thể thấy trong bài thơ, Võ Quảng chỉ đơn thuần mô phỏng lại âm thanh của các con vật được miêu tả: gà mái hoa, ngỗng, vịt, cóc. Trong bài thơ “Kêu” của Phạm Hổ đã diễn tả được cảm xúc của các con vật. Nhà thơ bằng đôi tai trẻ thơ đã nhận ra tiếng kêu ấy chính là tiếng nói biểu hiện cảm xúc của các con vật.

Tập thơ “Những người bạn ồn ào” là tập thơ biểu hiện rõ nhất nét độc đáo trong nhịp điệu thơ Phạm Hổ. Trong tập thơ này các đối tượng đều được mô phỏng theo tiếng kêu của chúng.

Trong bài “Xe chữa cháy” nhà thơ nhại tiếng còi xe “tí... te! tí... te” thành “Có ngay!.. Có... ngay!”. Rồi trong bài “Máy khâu” tiếng máy may “Xạch! Xạch! Xạch!” thành “Sắp xong rồi! Sắp xong rồi”. Nghệ thuật mô phỏng âm thanh này kết hợp với nhịp thơ ba chữ dồn dập, hối hả nghe như giục giã, như hứa hẹn...

Phạm Hổ đặc biệt thành công ở lối viết nhại đồng dao. Ông thường sử dụng thể thơ hai chữ, ba chữ kết hợp cách gieo vần, ngắt câu làm cho bài thơ giàu nhạc tính, dễ thuộc, dễ nhớ. Chính nhịp điệu thơ vui nhộn giúp cho trẻ có thể vừa đọc thơ ông vừa có thể vui chơi nhảy múa. Bài thơ “Na” các em có thể đọc khi chơi trò chơi “Chơi chắt, chơi chuyền”

Na non xanh Múi loắt choắt Na nở mắt Múi mở to Na vào vò Đua nhau chín Môi chúm chím Hút múi na Hạt nhả ra Đen lay láy Ra tháng tư Chín tháng bảy Chào mào nhảy

Nay chợ gần Mai chợ xa Trẻ đón quà Na nằm rổ Tay cháu nhỏ Rửa sạch na Sờ mặt bà Còn thơm phức… (Na)

Trẻ vừa đọc từng câu thơ vừa tung quả bòng bắt từng que chắt. Mỗi câu thơ bắt một que. Cứ như một điệp khúc lặp lại như vậy. Trẻ rất nhạy cảm với âm thanh nên rất thích kiểu trùng điệp, có vần, có nhịp này.

Bài thơ “Sen nở” là một bài thơ tâm đắc nhất của Phạm Hổ. Trong bài thơ tác giả đã chọn một thể thơ thật phù hợp: thể thơ hai chữ với nhịp điệu đều đều gợi lên nhịp đập của con tim vừa mạnh mẽ vừa khiêm tốn lặng im:

“Con ơi Sen nở Không như Cửa sổ Tay người Mở ra Dịu dàng Sen nở Nhẹ hơn Hơi thở Chậm hơn

Mà sen Nở đầy Ao kia Hồ nọ... Con ơi Sen nở Như con Lớn lên Ngồi rình Mà xem Nào ai Thấy rõ! Chỉ biết Sen nở Và con Lớn lên! (Sen nở)

Đó là nhịp đập của trái tim những người cha người mẹ dành tất cả tình yêu thương cho con. Đó là nhịp đập của trái tim trẻ thơ đang lớn từng ngày từng giờ. Nhịp đập thiêng liêng của cuộc sống mà tác giả đã bằng cả trái tim cảm nhận và gửi vào trong thơ.

Một phần của tài liệu Cái nhìn trẻ thơ trong thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ_Khóa luận tốt nghiệp khoa GDTH (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w