Việc ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng có thể được áp dụng ở nhiều lĩnh vực, hình thức và mức độ khác nhau, tuỳ thuộc từng nội dung, đối tượng và bài học lịch sử cụ thể. Chúng ta có thể thấy được khả năng nổi bật của CNTT trong dạy học lịch sử ở những mặt sau:
Thứ nhất, giáo viên khai thác nội dung lịch sử (bài viết, hình ảnh, phim tư liệu,
…) trên mạng Internet có liên quan đến bài học, dùng làm tài liệu tham khảo, làm phong phú và sâu sắc thêm bài học lịch sử trên lớp(*).
Thứ hai, giáo viên cung cấp một số địa chỉ tìm kiếm cho học sinh để các em tự
lên mạng tìm kiếm tư liệu lịch sử liên quan đến bài học trên lớp, phục vụ cho việc học tập. Khi học trên lớp, giáo viên yêu cầu học sinh trình bày nội dung kiến thức liên quan đến bài học mà các em đã tìm kiếm được trên mạng để chia sẻ với cả lớp. Các em khác lắng nghe, theo dõi và có thể nhận xét, bổ sung.
Thứ ba, giáo viên sử dụng các chương trình trong máy tính thông dụng như
Microsoft Word, chương trình xử lý đồ hoạ và video: Windows Movie maker, Herovideo, Paint, PhotoShop,…. để cắt phim, dựng phim, xây dựng bản đồ giáo khoa điện tử, các loại kênh hình, thiết kế và chỉnh sửa các ký hiệu trên bản đồ để phục vụ cho việc dạy học. Hiện nay, rất nhiều trường phổ thông chưa có đủ các phương tiện trực quan, nhất là đồ dùng trực quan quy ước (bản đồ, lược đồ lịch
sử và địa lý,…). Tuy nhiên, chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn này,
bằng cách Scan bản đồ, lược đồ trong sách giáo khoa rồi đưa lên máy tính, sử dụng các chương trình đồ hoạ như Paint, Adobe PhotoShop để chỉnh sửa. Trong các chương trình đồ hoạ, giáo viên có thể sử dụng các thanh công cụ trên thanh Menu Dawing, Picture để vẽ và tô màu sắc (theo ý muốn) các ký hiệu trên bản đồ như mũi tấn công của quân ta, đường rút lui của quân địch, khu giải phóng, lá cờ, bó đuốc khởi nghĩa,….
(*) Chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể ở phần sau
Thứ tư, giáo viên sử dụng một số phần mềm tiện ích đã có sẵn trên thị trường như Encatar, phần mềm trộn đề thi, các băng đĩa tư liệu, phần mềm dạy học lịch sử,…
để khai thác và sử dụng vào dạy học lịch sử. Hiện nay, trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm phần mềm tiện ích phục vụ dạy học bộ môn, giáo viên có thể mua và sử dụng, tùy theo nội dung bài học để khai thác, ứng dụng sao cho hiệu quả. Ví như: sách kèm theo đĩa CD “Hướng dẫn sử dụng những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên CD và phần mềm Microsoft PowerPoint trong dạy học lịch sử”, “Giáo án và tư liệu dạy học điện tử môn Lịch sử lớp 11” của PGS. TS Trịnh Đình Tùng, PGS. TS Nguyễn Thị Côi, ThS. Nguyễn Mạnh Hưởng,… Hoặc các VCD tư liệu “Kí ức Điện Biên”, “Sài Gòn quật khởi”, phần mềm Encatar từ 2002 đến 2007,…
Thứ năm, giáo viên khai thác và sử dụng phần mềm Power Point để thiết kế giáo án điện tử giảng dạy trên lớp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa bộ môn,… góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Đây chính là ưu điểm lớn nhất của việc ứng dụng CNTT trong dạy học lịch sử.
Như vậy, chúng ta có rất nhiều hình thức, phương pháp để ứng dụng những thành tựu của khoa học kĩ thuật trong dạy - học lịch sử, và CNTT sẽ cho phép cả thầy - trò cùng tham gia vào “hoạt động hoá” quá trình này. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu việc ứng dụng CNTT trong dạy học ở nhà trường phổ thông đang được đẩy mạnh với các môn Hoá học, Vật lý, Sinh học, Địa lý,… và thu được kết quả cao, thì với bộ môn Lịch sử, việc ứng dụng này vẫn còn hạn chế. Ngoài một số trường trọng điểm ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,…. nhiều giáo viên đã tiếp cận với CNTT, quen dần với việc sử dụng phần mềm Power Point trong dạy học, thì đa phần giáo viên (nhất là các giáo viên ở vùng xâu, vùng xa) vẫn chưa có điều kiện tiếp cận.