* Môi trường pháp lý
- Hiện nay, hệ thống các NHTM đang hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, văn bản dưới luật của Chính phủ và NHNN. Hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng đã có nhiều đổi mới tích cực song vẫn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, các luật định còn chồng chéo gây khó khăn cho ngân hàng khi áp dụng.
Cho đến nay, mới chỉ Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về quy chế tín dụng hỗ trợ XK hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng XK và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2006/NĐ-CP thì chưa có thêm văn bản hướng dẫn nào về hoạt động tín dụng XNK để tạo cở sở pháp lí chặt chẽ cho hoạt động này của các NHTM.
- Luật doanh nghiệp mới chỉ quy định doanh nghiệp được dùng tài sản Nhà nước để thế chấp ngân hàng nhưng không có quy định về vấn đề xử lý tài sản thế chấp khi doanh nghiệp không trả được nợ. Quy chế về thế chấp tài sản cho vay và xử lí tài sản thế chấp còn nhiều vướng mắc như: khi cho vay ngân hàng sẽ giữ giấy tờ sở hữu gốc của tài sản, nhưng với những động sản như phương tiện vận tải nếu ngân hàng giữ giấy tờ sở hữu thì phương tiện đó không được phép lưu hành còn nếu ngân hàng không giữ giấy tờ sở hữu gốc cúa tài sản thì sẽ không có đủ cơ sở pháp lí để phát mại tài sản khi khách hàng không trả được nợ. Khi xử lí tài sản thế chấp thì ngân hàng không được tự đứng ra bán tài sản để thu nợ, mà phải được sự đồng ý và giấy uỷ quyền của chủ tài sản. Trên thực tế nếu gặp phải còn nợ chây ì không hợp tác với ngân hàng thì ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian và công sức để thu được nợ, ngân hàng sẽ bị tổn thất.
* Môi trường kinh doanh
- Do chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ và Nhà nước, ngày càng có nhiều ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó là sự gia tăng về số lượng ngân hàng trong nước dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng để giành thị phần. Về hoạt động tín dụng XNK, cũng có rất nhiều ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực này đặc biệt là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và các ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ là những ngân hàng rất có thế mạnh trong hoạt động tín dụng XNK.
- Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới từ cuối năm 2007 đã tác động xấu tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế- xã hội trong nước. Thêm vào đó là việc Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư và sự biến động tăng của lãi suất ngân hàng vào đầu năm 2008 khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, chi phí vốn vay bị đẩy lên cao dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.
- Tỷ giá ngoại tệ VND/USD trong thời gian qua có nhiều biến động mạnh, các doanh nghiệp XNK bị thiệt hại nhiều do rủi ro về tỷ giá. Ngoài ra, chính sách tỷ giá vẫn chưa thực sự phản ánh đúng theo quy luật cung cầu của thị trường nên xảy ra tình trạng tỷ giá USD trên thị trường tự do cao hơn nhiều so với tỷ giá do NHNN công bố, các doanh nghiệp và người dân giữ ngoại tệ không bán, dễ phát sinh căng thẳng về ngoại tệ trên thị trường, dẫn đến việc cung ứng ngoại tệ cho các doanh nghiệp XNK gặp khó khăn.
* Nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp XNK
Nhiều doanh nghiệp XNK vẫn còn thiếu kinh nghiệm và hiểu biết trong hoạt động thương mại quốc tế, không am hiểu về luật pháp và thông lệ quốc tế nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động XNK. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới hiện
nay có nhiều bất ổn, giá cả thị trường thế giới biến động, khó dự báo dễ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ ngân hàng, theo đó ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động tín dụng XNK của ngân hàng.
Những năm gần đây hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam rất phát triển, kim ngạch XK tăng, năm sau cao hơn năm trước đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp XK, đồng thời cũng là nền tảng để mở rộng hoạt động tín dụng XK của ngân hàng. Tuy nhiên hoạt động tín dụng tài trợ XK của CN lại rất nhỏ. Do việc tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng XK có hiệu quả của các doanh nghiệp còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, đầu vào cho các sản phẩm XK thường lại phải NK, nên chi phí đầu vào tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới.