Phát triển DLST góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu TỔNG QUAN VỀ DU LỊCH VÀ DU LỊCH SINH THÁI (Trang 26 - 28)

Hiệu quả kinh tế là các yếu tố quyết định chung đối với các tổ chức cá nhân tham gia DLST, đặc biệt là mục tiêu đối với các nhà KDDL.

DLST được đưa ra như một lựa chọn mới cho bất cứ Chính phủ của Quốc gia trên thế giới đang sở hữu nhiều tài nguyên tự nhiên và nhân văn quý giá. Mặc dù các nhà kinh doanh DLST không thoát khỏi động cơ lợi nhuận để tồn tại và phát triển nhưng cách làm và cách suy nghĩ trong việc khai thác tài nguyên của các hệ sinh thái để phục vụ du lịch lại hoàn toàn khác với các nhà kinh doanh du lịch đại trà. Các nhà kinh doanh thường hướng tới và thực hiện DLST phải tuân thủ những nguyên tắc, yêu cầu mang tính đạo đức và trách nhiệm cao. Những yêu cầu này mang tính chuẩn mực và đòi hỏi cao với mục tiêu chính là gìn giữ và bảo tồn các đặc tính tự nhiên của các hệ sinh thái bao gồm các loài động thực vật trong đó, các giá trị văn hoá, phong tục tập quán truyền thồng của những người dân địa phương sinh ra và cùng tồn tại với các hệ sinh thái đó. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động, các nhà kinh doanh luôn tìm những phương án hiệu quả nhất, trung hoà những yêu cầu khắt khe của DLST với mục tiêu lợi nhuận của mình.

DLST mang lại các lợi ích kinh tế tương tự như các loại hình du lịch khác.

Một địa điểm DLST thường có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí phát triển “ăn theo”. Đó có thể là các cơ sở ăn uống, nhà hàng khách sạn nghỉ ngơi, các trung tâm mua sắm hay các dịch vụ giải đáp thông tin… Các hoạt động này có mục đích thoả mãn các nhu cầu đa dạng của du khách. Có thể nói, sự phát triển của DLST mang lại một hiệu quả số nhân trong kinh tế. Vì kéo theo nó là sự phát triển của hàng loạt các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bổ trợ cho du lịch nói chung và DLST nói riêng. Biểu hiện cụ thể:

- Làm tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương phát triển du lịch. Nguồn thu này được lấy từ các khoản trích nộp ngân sách của các cơ sở KDDL thuộc quản lý trực tiếp của địa phương. Đặc biệt trong loại hình du lịch đón và phục vụ khách quốc tế, thu nhập quốc dân được tăng lên dựa trên số thu bằng ngoại tệ, đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

- Là loại hình xuất khẩu hiệu quả nhất vì đó là loại hình xuất khẩu tại chỗ (không cần phải chuyên chở, khách hàng phải tự tìm đến để được thoả mãn nhu cầu) và vô hình (hàng hoá dịch vụ trong nhiều trường hợp chỉ là cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu hay

tính độc đáo của các hệ sinh thái, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư địa phương).

- Góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo. Vì chính yêu cầu hỗ trợ liên ngành trong hoạt động du lịch là cơ sở cho các ngành khác phát triển. Chính du lịch giúp nền kinh tế trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá.

- Mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đường xá, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc. Đây là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội tại điểm đến tham quan.

Một phần của tài liệu TỔNG QUAN VỀ DU LỊCH VÀ DU LỊCH SINH THÁI (Trang 26 - 28)