Khả năng thanh toán

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN CỦA CTCP SÔNG ĐÀ 12 GIAI ĐOẠN 2005 2008 (Trang 34 - 36)

Như đã phân tích ở trên, cơ cấu nguồn vốn của Công ty nghiêng về phía nợ phải trả, hệ số nợ trong 4 năm qua tuy có tăng giảm nhưng không đáng kể, luôn dao động ở 80%, đây là mức cao. Doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Để xem xét cụ thể hơn ta dựa vào các chỉ tiêu về khả năng thanh toán sau:

Bảng 10: Các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán của Công ty

Chỉ tiêu ĐV Năm 2005 Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008

Tài sản ngắn hạn 1000đ 207.722.214 213.289.295 239.681.717 253.714.307

Hàng tồn kho 1000đ 59.307.143 65.119.373 73.741.363 115.705.079

Hệ số thanh toán hiện hành Lần 0,90 1,06 1,12 1,14

Hệ số thanh toán nhanh Lần 0,64 0,73 0,78 0,62

(Nguồn: tính toán từ báo cáo tài chính hàng năm của CTCP Sông Đà 12)

Ta thấy hệ số thanh toán hiện hành của Công ty có sự tăng lên qua các năm và luôn ở mức trên 1. Chúng ta đã biết chỉ tiêu này nếu xấp xỉ hoặc lớn hơn 1 thì tình hình thanh toán của doanh nghiệp là tương đối khả quan, như vậy, cho thấy Công ty vẫn đảm bảo trách nhiệm thanh toán trước những khoản nợ đến hạn phải trả mà không phải điều tiết từ các nguồn khác. Tuy nhiên, khi xác định hệ số này chúng ta đã tính cả hàng tồn kho trong giá trị TSLĐ đảm bảo cho nợ ngắn hạn. Trên thực tế hàng tồn kho kém thanh khoản hơn vì phải mất thời gian và chi phí tiêu thụ mới có thể chuyển thành tiền. Để tránh nhược điểm này ta xem xét đến hệ số thanh toán nhanh.

Tại mọi thời điểm, hệ số thanh toán nhanh luôn thấp hơn nhiều so với hệ số hiện hành và khoảng cách ngày càng gia tăng cho thấy tình hình dự trữ vật tư hàng hóa của Công ty còn nhiều hạn chế, khả năng thu hồi chuyển đổi bằng tiền, giải phóng VLĐ còn chậm, không có khả năng sử dụng tài sản thanh khoản nhanh mà không cần thanh lý hàng tồn kho. Thực tế, như ta đã xem xét ở phần trên thì hàng tồn kho đang ngày càng tăng về giá trị cũng như tỷ trọng trong tổng tài sản và đã vượt qua các khoản phải thu trở thành bộ phận chiếm tỷ trọng cao nhất trong TSLĐ cũng như trong tổng tài sản. Mặt khác, tại mọi thời điểm trong năm, dự trữ vật tư, hàng hóa tồn kho ở mức cao hầu như không đổi chứng tỏ công tác quản lý vật tư có nhiều yếu kém, cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, sử dụng vật tư hợp lý để giảm tối đa lượng hàng tồn kho không cần thiết, tránh lãng phí vốn do các chi phí phát sinh.

Ở các thời điểm cuối năm, nợ ngắn hạn duy trì ở mức cao, do vậy TSLĐ cũng ở mức cao, thể hiện tập trung ở các khoản phải thu và dư tiền mặt. Bởi vậy, Công ty cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ bù trừ và triệt tiêu công nợ, tích cực thu hồi nợ đọng tại các đơn vị đặc biệt là tại thời điểm cuối năm. Cải tiến công tác quản lý công nợ, quản lý và sử dụng tiền mặt.

Ở thời điểm quý I nợ ngắn hạn có mức thấp nhất, vì vậy không cần duy trì TSLĐ ở mức cao như thực tế, có thể dùng bớt lượng tiền mặt thừa ở thời điểm này để đầu tư chứng khoán ngắn hạn hoặc các nghiệp vụ sinh lời khác.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN CỦA CTCP SÔNG ĐÀ 12 GIAI ĐOẠN 2005 2008 (Trang 34 - 36)