Thứ hai, sự khan hiếm đồng VNĐ làm tăng giá đồng nội tệ, giảm giá đồng ngoại tệ, giảm xuất khẩu.
Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thì người nước ngoài cần phải mua tiền VNĐ để thanh toán, Việt Nam xuất khẩu càng nhiều nhu cầu tiền nội tệ càng cao. Mức cung đồng VNĐ trên thị trường vốn giảm xuống trong khi đó nhu cầu đồng VNĐ lại tăng cao do chiến lược tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, điều này làm đồng nội tệ tăng giá tương đối so với đồng ngoại tệ, tỷ giá hối đoái giữa đồng ngoại tệ trên đồng nội tệ giảm xuống. Cùng với một lượng ngoại tệ như trước đây, nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ mua được ít tiền VNĐ hơn, hay nói cách khác hàng thủy sản của Việt Nam trở nên “đắt” hơn so với trước đây, điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa thị trường vốn và thị trường ngoại hối được thể hiện trong sơ đồ trên đây.
Mức cung VNĐ trên thị trường vốn bị giảm sút do các chính sách hạn chế cung tiền của NHNN nhằm ngăn chặn lạm phát, điều này làm đường cung tiền SV dịch chuyển lên trên sang trái, lãi suất cho vay từ đó mà tăng lên (từ r0 đến r1), lãi suất tăng làm tăng chi phí vay vốn, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển vốn ra nước ngoài do lãi suất vay trong nước cao, do đó, đầu tư ròng (NFI) sẽ tăng. Trên thị trường ngoại hối, đường Sd lúc này sẽ dịch chuyển sang trái, tỷ giá hối đoái giữa VNĐ/ngoại tệ tăng lên (từ e0 tới e1), hay nói cách khác, đồng nội tệ tăng giá tương đối so với đồng ngoại tệ, sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam làm giảm xuống một lượng từ Q0 xuống Q1.
Phân tích trên cho biết tác động tiêu cực của chính sách hạn chế cung tiền nội tệ của NHNN đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng. Việc tỷ giá hối đoái tăng sẽ làm tăng giá bán các sản phẩm thủy sản của Việt Nam ở nước nhập khẩu, do nhà nhập khẩu nước ngoài phải tốn nhiều chi phí hơn để bù đắp sự tăng giá của đồng VNĐ, điều này sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác trên thị trường nước ngoài.
Trên đây là lý thuyết về sự tác động của tỷ giá hối đoái tới xuất khẩu, dẫn chứng về sự tác động này như sau. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài bằng đồng USD, EURO, tại thời điểm ký kết giá 1 USD còn ở mức trên 16.000 VNĐ, nhưng sang đầu năm 2008, mệnh giá USD giảm xuống còn 15.700 – 15.750 VNĐ, do đó doanh nghiệp mất trắng một khoản khấu trừ luôn vào phần lãi. Ngoài ra, khan hiếm đồng nội tệ khiến các ngân hàng thương mại hạn chế việc quy đổi ngoại tệ ra đồng nội tệ, giá mua ngoại tệ vào của ngân hàng thấp hơn so với trước đây, chỉ dao động từ 15.700 – 15.760 VNĐ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mặc dù có lượng ngoại tệ trong tài khoản do xuất khẩu mang lại nhưng cũng rất khó khăn trong việc bán lượng ngoại tệ dự trữ này nhằm trang trải các chi phí tăng cao, và lượng lượng bán là hạn chế. Trong khi đó, kênh huy động vốn nội tệ từ thị trường chứng khoán cũng sụt giảm như phân tích trên, khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu tiền VNĐ để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đứng trước khó khăn đó, VASEP đã có văn bản trình lên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ngày 04/03/2008, kiến nghị với Chính phủ khẩn trương điều chỉnh các giải pháp kinh tế vĩ mô theo hướng không gây thêm khó khăn cho việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong đó có thủy sản, giảm bớt thiệt hại cho nông ngư dân và doanh nghiệp, không đẩy doanh nghiệp và nông ngư dân đến chỗ phá sản, kéo theo những thiệt hại và đổ vỡ nghiêm trọng..., nhất là những người mới vay vốn nuôi trồng thủy sản.