Sự tham gia của huyền thoại

Một phần của tài liệu Dư luận xã hội về tính thiêng của các di tích lịch sử văn hóa đối với việc bảo tồn giá trị của các di tích này ở Hà Nội hiện nay (qua nghiên cứu trường hợp Phủ (Trang 26)

Huyền thoại thường được hiểu là “những truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái hoặc có quan hệ nguồn gốc với các vị thần, về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban đầu (thời gian khởi nguyên), tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới cũng như việc tạo lập nên những nhân tố của nó - thiên nhiên và văn hoá”[22, tr.74]. Huyền thoại là những lý giải của con người, có thể sai hoặc đúng về một hiện tượng tự nhiên hay xã hội mà bản thân con người không thể lý giải và trong đó có những cái khác lạ, không giống bình thường nhưng lại có tác động đến họ. “Nghiên cứu huyền thoại chính là nghiên cứu bản thân sự vận động của những cơ sở niềm tin tâm linh tôn giáo”[23, tr.286]. Mỗi câu chuyện về các vị thần đều gắn với đời sống của những người dân bình thường, biến đổi hàng ngày và có một cuộc sống riêng trong mỗi con người hay mỗi tập thể, là niềm tin của họ. Chính những huyền thoại là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mà con người đã dùng để mô hình hoá, phân loại và giải thích tự nhiên, xã hội và bản thân mình. Huyền thoại về sự linh thiêng của các vị thần chính là cơ sở cho sự hình thành dư luận xã hội về tính thiêng ở hai di tích.

2.1.1.1. Phủ Tây Hồ với huyền thoại về Mẫu Liễu Hạnh

Những năm gần đây, Phủ Tây Hồ đã thu hút được rất nhiều người đến lễ không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp mọi nơi. Trong các bài báo nói đến những di tích linh thiêng ở Hà Nội, Phủ Tây Hồ luôn được đánh giá là nơi nổi tiếng “phù trợ” cho người trần nên năm nào cũng có rất đông người tới cầu may. Theo thống kê của Ban quản lý Phủ Tây Hồ, số lượng khách đến vào các ngày thường từ 200-300 người/ngày, ngày chủ nhật khoảng 500 người/ngày, ngày rằm, mồng một con số

này còn đông hơn nữa. Dịp đầu xuân hàng năm Phủ Tây Hồ thực sự là “một góc Chùa Hương trong lòng Hà Nội”[47]. Đây là thời điểm bắt đầu một năm mới, những di tích linh thiêng như Phủ Tây Hồ đã thu hút được nhiều người đến lễ để cầu mong mọi sự an lành, tốt đẹp đến với gia đình trong một năm. Điều này thể hiện niềm tin của người đi lễ vào quyền lực linh thiêng của Mẫu Liễu. Bởi lẽ, trong tâm thức dân gian của người Việt, bà Chúa Liễu đã được suy tôn là Thánh Mẫu, là một trong “Tứ bất tử” của điện thần Việt Nam, huyền thoại về Mẫu Liễu được truyền tụng rộng khắp cả nước.

Theo cuốn “Làng Tây Hồ - Phủ Tây Hồ” của tác giả Hoàng Giáp và Trương Công Đức nói về ba lần giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh thể hiện Mẫu là một người tài sắc, chung thuỷ, hiếu nghĩa, là một người phóng khoáng, trong truyền thuyết này tác giả có nói đến cuộc hội ngộ của Tiên chúa với Phùng Khắc Khoan ở Hồ Tây. Lần thứ ba giáng trần, Tiên chúa hiển linh để cứu nhân độ thế, trừng phạt kẻ bất lương, lại gia ơn cho kẻ khác và được triều đình phong là Mã Hoàng Công chúa, rồi Chế Thắng Hoà Diệu Đại Vương, được ghi vào tự điển thờ cúng hàng Tứ bất tử.

Huyền thoại về Mẫu Liễu ở các địa phương được ghi trong các tác phẩm có một số điểm khác so với tác phẩm trên, Mẫu có 3 lần sinh hoá: Lần thứ nhất đầu thai vào gia đình ở Quảng Nạp (Vỉ Nhuế), huyện Ý Yên với tên là Phạm Thị Nga. Mẫu giáng sinh lần hai ở Vân Cát nay là huyện Vụ Bản, Nam Định, đầu thai vào nhà họ Lê tên là Lê Thị Thắng. Năm 18 tuổi lấy chồng là Đào Lang ở Tiên Hương cùng xã, ba năm sau lại qua đời, để lại người con trai (không phải là một con trai và một con gái như trên). Lần thứ ba, người tiên hạ trần ở Thanh Hoá để gặp là lấy lại chồng cũ (cũng có thuyết nói người hạ trần ở Kẻ Sỏi - Nghệ Tĩnh) [39, tr.7-11]. Huyền thoại Mẫu Liễu trong bản này Mẫu đầy nhân hậu, hiếu nghĩa, tốt đẹp làm tăng sự viên mãn cho Mẫu ở sự luân hồi giống như lai lịch các bậc thánh thần ở lần tái sinh thứ nhất. Lần tái sinh thứ hai tạo ấn tượng về sự thiêng liêng của một vị tiên nữ vương vấn bụi trần, đây cũng là một điều kỳ lạ, linh thiêng.

Tác giả Bùi Văn Tam có nói huyền thoại về Mẫu Liễu, sau lần gặp Đào Lang: “nàng biến hoá lúc là cô gái đẹp, lúc là bà già gieo hoạ với những ai bỡn cợt hoặc ban phúc lành cho người dân khi đến cúng lễ, tiền bạc có được nàng đem về

phụng dưỡng gia đình” [36, tr.27-28].. Cũng trong sách này tác giả có nói đến sau khi được Thượng đế giáng trần không thời hạn, nàng Tiên vâng lệnh xuống thẳng miền Thanh Hoá, đến Phố Cát, đền Sòng Sơn, tác oai, tác quái, tác phúc dân phải lập đền thờ. Đền đời Lê Thánh Tông (1642) (có sách ghi đời Lê Huyền Tông), cho đập miếu thờ nên tai hoạ liên tiếp xảy ra trong làng, triều đình phải trùng tu ngay ngôi đền, sắc phong là “Mạ Vàng Công chúa”, nhân dân cầu xin gì đều linh ứng. Chúa Trịnh sắc phong gia tặng “Chế thắng hoà diệu đại vương” được vinh dự liệt vào sách lễ, ngàn năm hương lửa không dứt. Các triều vua đều tặng thêm sắc phong “Thượng đẳng thần rất linh thiêng

Có thể thấy, những câu chuyện về Mẫu Liễu Hạnh vừa huyền thoại vừa xác tín, bà có gia đình, có con, có những cuộc gặp gỡ với các văn nhân nổi tiếng ở (Lạng Sơn, Hồ Tây), bà trừng trị hoàng tử (ở Đèo Ngang) và diện kiến nhà vua… nhân dân tin vào sự hiện hữu của Liễu Hạnh giữa cuộc đời này. Những câu chuyện về Mẫu Liễu được “huyền thoại hoá”, “địa phương hoá” ở nhiều nơi, dù các dị bản có một số điểm khác nhau nhưng về cơ bản đều thể hiện Mẫu là người quyền năng và đáng kính. Huyền thoại hoá nhân vật Mẫu Liễu chính là cơ sở cho việc hình thành dư luận xã hội về tính thiêng ở những di tích thờ Mẫu lớn như Phủ Tây Hồ.

2.1.1.2. Đền thờ Hai Bà Trưng với huyền thoại về Trưng Trắc và Trưng Nhị

Đền thờ Hai Bà Trưng là nơi thờ hai vị tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị, tuy không thu hút được nhiều người đến lễ như Phủ Tây Hồ vào các dịp, nhưng đây cũng là nơi thờ cúng hai vị anh hùng của dân tộc, từ xưa đã được người dân làng Đồng Nhân (nay là phường Đồng Nhân) tôn kính thờ phụng. Hàng năm người dân phường Đồng Nhân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ hai Bà, vào dịp này đã có nhiều người đến thắp hương mong muốn sự che chở, phù hộ. Hai Bà Trưng là những nhân vật lịch sử, tuy nhiên, theo thời gian quá trình lưu truyền trong dân gian hai Bà đã được huyền thoại hoá và trở thành những nhân vật tín ngưỡng được thờ phụng ở nhiều nơi, dân gian truyền tụng nhiều huyền thoại rất thú vị về hai Bà.

Trước hết, huyền thoại về Hai Bà Trưng trong ngọc phả làng Hạ Lôi và làng Hát Môn ghi lại như sau: Một hôm bà Trần nằm mơ thấy một đoá mẫu đơn trong cung trăng nở hai bông. Sau đó bà có mang, đến ngày mùng một tháng tám năm

Giáp Tuất trời bỗng tối sầm, trong phòng thì gió thơm ngào ngạt, khí lành phát sang. Bà trở dạ sinh hai gái, xinh đẹp quả là tiên nữ chốn Bồng Lai, cả hai văn võ kiêm toàn, tài chí như thần, kiếm cung đều giỏi, cầm kỳ đều hay. Ai cũng coi là thế thượng thần tiên, nữ trung hào kiệt [30].

Nghĩa khí yêu nước và cái chết của Hai Bà Trưng cũng trở thành một huyền thoại đầy huyền bí. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em (được cho là sinh đôi) dòng dõi con nhà Lạc tướng Mê Linh thời Hùng Vương. Hai Bà phất cờ khởi nghĩa ở sông Hát trở thành thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong lịch sử của dân tộc và được tôn làm vua đứng đầu đất nước độc lập trong thời gian 3 năm. Tục truyền rằng Hai Bà Trưng gieo mình xuống dòng sông Hát vào ngày 6/2 năm Quý Mão. Xác của hai bà trôi ra sông Hồng về Thăng Long, khi trôi về đến khu vực Thăng Long, xác hai Bà đã hoá thành tượng đá dạt vào bờ. Những bức tượng này toả ra ánh hào quang rất lạ. Sau này, vua Lý Anh Tông ra truyền cho các làng xung quanh khu vực vớt tượng hai Bà lên nhưng không thể đưa được tượng về. Người làng Đồng Nhân lúc ấy vốn có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải. Dân làng bện một tấm vải lớn, nhuộm đỏ và dùng đón tượng hai Bà thành công. Nhà vua cho phép làng lập đền thờ hai Bà trên địa phận phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hiện nay[49].

Văn bia đền Đồng Nhân ghi: “Đến lúc phải lui về Cấm Khê, tuẫn tiết ở Hát Giang, cũng là bởi trời chứ há nên bình luận anh hùng theo thành hay bại. Nhưng xét đến gan dạ kia, mưu lược kia, tiết tháo kia thì Hai Bà thật không thẹn là dòng dõi thần minh. Sau khi mất, Hai Bà hoá thành đá hiển linh ở bến sông Nhị Hà. Năm Đại Định thứ ba (1142) vua Lý Anh Tông sai lập đền thờ ở bãi Đồng Nhân, huyện Thanh Trì để thờ Hai Bà, rất linh ứng. Các triều đều có sắc phong”[1].

Sau khi mất đi, Hai Bà Trưng được huyền thoại hoá trở thành vị thần hộ mệnh cho dân làng, vào thế kỷ XIII-XIV, tác giả Lý Tế Xuyên ghi chép: “Vua Lý Anh Tông gặp thời hạn hán, sai Tĩnh Giới thiền sư làm lễ cầu mưa, thì được mưa, trời mát mẻ. Vua mừng lắm, nằm ngủ bỗng mộng thấy hai người đàn bà, mặt phù dung, mày dương liễu, áo xanh, váy đỏ, mũ đỏ, thắt đai, cưỡi ngựa sắt, theo mưa mà đến yết kiến. Chúng tôi là hai chị em họ Trưng, vâng lệnh Thượng đế làm ra mưa. Vua tỉnh dậy cảm xúc bèn sắc cho sửa lại đền, sắm lễ vật để tế”[32, tr.48-49].

Hai Bà Trưng được phong rất nhiều mỹ tự khác nhau thể hiện thái độ thừa nhận và sự kính trọng của các đấng quân vương trong triều đại phong kiến đối với công lao của hai Bà, đặc biệt: năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) thời nhà Lê, hai Bà được sắc phong “Quảng giáo viên minh linh thạch Trưng Vương Phật”. Đến thời Quang Trung được gọi là “Trưng Thánh Vương”[29, tr.69-71]. Nói chung, Hai Bà Trưng đã được huyền thoại hoá với nhiều câu chuyện li kì, hấp dẫn, tuỳ vào mỗi địa phương lại đặt ra cho mình những huyền thoại về hai Bà theo những ước vọng và tâm sự gửi gắm của người dân vào những câu chuyện đó, mà làm cho hai Bà trở thành linh thiêng trong tâm linh của người Việt.

2.1.1.3. Nhận xét về huyền thoại ở hai di tích

Từ những huyền thoại về các vị thần được thờ ở hai di tích Đền thờ Hai Bà Trưng và Phủ Tây Hồ có thể nhận thấy: Sự huyền thoại hoá nhân vật làm cho các vị thần trở thành huyền ảo hơn, linh thiêng hơn trong con mắt của người dân. Những câu chuyện huyền ảo, li kỳ về các nhân vật do người dân xây dựng nên chính là niềm tin và khát vọng của họ vào sự linh thiêng, phù hộ của các vị thần này đối với cuộc sống của mỗi người.

Những câu chuyện về hai Bà đã đưa nhân vật lịch sử trở thành nhân vật tín ngưỡng vào thờ phụng. Người dân vừa thờ Hai Bà Trưng như những nhân vật lịch sử, nhưng cũng thờ cúng hai Bà như một nhân vật thiêng, một phúc thần có khả năng phù hộ độ trì cho con người, có thể giải quyết được những ước vọng của họ.

Vị thần Mẫu Liễu Hạnh là một trong những hình tượng có sức hấp dẫn hàng đầu về những nhân vật huyền thoại. Các mô tuýp xây dựng nên truyền thuyết về Liễu Hạnh nhằm tạo dựng một nhân vật huyền thoại nhưng in đậm dấu ấn ở cõi nhân gian, những câu chuyện huyền ảo mà có thật hoặc lấy từ cuộc sống. Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng cho sức sống giải phóng ý thức tự do và lòng nhân đạo, là hiện thân cho những khát khao trần thế của con người, khát khao về tình yêu hạnh phúc, về mái ấm gia đình. Một phụ nữ đầy lòng nhân ái, từ thiện, thương yêu nhân dân, cứu khổ cứu nạn những người nghèo khổ, luôn khuyên bảo người khác làm những điều tốt. Mẫu Liễu, từ một người mẹ, người vợ mà ta thấy thật ở đời, đã đi vào cõi

thiêng liêng, nơi toàn dân tộc hướng tới với niềm kính ngưỡng. Mẫu là hiện thân, là lực lượng siêu nhiên bảo trợ cho đời sống trần tục của con người với ước vọng sức khoẻ, tài, lộc… Những câu chuyện về Mẫu rất gần gũi với đời sống thường ngày của người dân, đã từ lâu, nhiều người đến Mẫu cúng tế, cầu phúc, đều thấy ứng nghiệm. Người dân thờ Mẫu vì tin tưởng ở quyền lực linh thiêng và cầu mong mọi sự an lành, tốt đẹp. Vì vậy, trong tâm linh tín ngưỡng của họ, bà được tôn thờ là “Thánh Mẫu Linh Thiêng”. Việc thờ Mẫu Liễu thực sự đã là một nhu cầu tâm linh của nhân dân trong lịch sử, thể hiện lòng nhớ ơn đến đấng sinh thành là Mẫu chứ không phải là mê tín dị đoan.

Bởi lẽ, từ xưa đến nay vị trí và vai trò người mẹ trong mỗi gia đình, cộng đồng xã hội, truyền thống của dân tộc Việt Nam luôn được tôn vinh, ca ngợi. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn, đích thực của Việt Nam, thể hiển triết lý nhân sinh cao đẹp được thờ phổ biến ở nhiều nơi. Đạo Mẫu gắn liền với tinh thần nhân sinh, nhân ái, vốn là một tín ngưỡng gắn với thiên nhiên, trời đất nay được “đời thường hoá” gắn liền và đáp ứng những khát vọng của con người. Do đó, người dân có niềm tin vào sự linh thiêng của Mẫu đối với cuộc sống của họ hơn so với những nữ thần khác. Nên tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh đã đi sâu vào lòng người dân, trở thành thân quen với mỗi người, được nhiều người tôn thờ và kính trọng. Điều này cho thấy tại sao Phủ Tây Hồ linh thiêng nên thu hút được nhiều người tới thăm hơn so với Đền thờ Hai Bà Trưng. Theo quan điểm của nhà xã hội học người Pháp E.Durkheim, huyền thoại, tín điều, truyền thuyết đều, hoặc là biểu trưng hoặc là hệ thống các biểu trưng để nói lên bản chất của những sự vật thiêng, những đức tính hay quyền lực được gắn cho chúng, lịch sử của chúng, quan hệ với những vật trần tục. Chính vì vậy, luận văn đi vào khái quát những huyền thoại về Mẫu Liễu Hạnh và Hai Bà Trưng ở hai di tích là cơ sở cho việc hình thành dư luận xã hội về tính thiêng của những nơi thờ phụng các vị thần này.

2.1.2. Sự tham gia của truyền thông đại chúng với việc hình thành dư luận xã hội về tính thiêng của Phủ Tây Hồ và Đền thờ Hai Bà Trưng

Trong xã hội hiện nay, “Truyền thông đại chúng là con đường hình thành dư luận xã hội phổ biến hơn cả trong các xã hội hiện đại”[37, tr.190]. Những vấn đề

truyền thông đại chúng đề cập đến có khả năng thu hút sự quan tâm cũng như định hướng thái độ của công chúng về các vấn đề đó: “Khả năng tiếp xúc với các phương tiện truyền thông góp phần quyết định đến thái độ của cá nhân, cộng đồng và vì vậy ảnh hưởng đến nhận thức và dư luận của họ đối với những vấn đề xã hội”[33, tr.62]. Mặc dù, những thông tin về Phủ Tây Hồ cũng như Đền thờ Hai Bà Trưng được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng không trực tiếp nói đến tính thiêng của các khu di tích này, song chính tần suất xuất hiện những thông tin về hai khu di tích đã tạo ra sự chú ý, quan tâm của công chúng đối với hai dích và góp phần định hướng dư luận xã hội về tính thiêng của hai di tích đó.

Vì một số khó khăn khách quan và chủ quan, nên tác giả luận văn không có

Một phần của tài liệu Dư luận xã hội về tính thiêng của các di tích lịch sử văn hóa đối với việc bảo tồn giá trị của các di tích này ở Hà Nội hiện nay (qua nghiên cứu trường hợp Phủ (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)