Những mặt hạn chế

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CUNG ỨNG DỊCH VỤ HÀNG KHÔNG (Trang 40 - 42)

- Thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Công ty còn rất nhỏ bé. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt cao nhất mới trên 1,1 triệu USD, chiếm 0,014% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Đây là một con số còn rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Công ty chưa thật sự chiếm được vị trí lớn trong hoạt động xuất khẩu hàng dệt may. Bên cạnh đó, giá trị đem lại từ hoạt động sản xuất xuất khẩu hàng dệt may của Công ty còn thấp, giá trị gia công chỉ chiếm từ 10 -15% kim ngạch xuất khẩu.

- Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Công ty còn mất cân đối. Công ty chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm từ 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi đó các nước như Đài Loan chỉ chiếm khoảng 10%; thị trường Nam Mỹ chiếm khoảng 15% và có xu hướng ngày càng giảm. Điều này cho thấy, công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường Đài Loan, Nam Mỹ của Công ty còn thiếu được quan tâm đúng mức. Mặc dù thị trường EU là một thị trường nhập khẩu lớn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam song việc tập trung xuất khẩu quá nhiều vào một thị trường sẽ làm tăng tính rủi ro của Công ty và sự phụ thuộc lớn vào nhu cầu, tình hình kinh tế chính trị tại thị trường đó.

- Công ty chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại thương hiệu AIRSERCO của Công ty chỉ được biết đến thông qua các sản phẩm khăn cung cấp cho Tổng công ty Hàng Không Việt Nam phục vụ cho những chuyến bay mà chưa có sự quảng bá sản phẩm hay phân phối sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường trong nước. Sản phẩm mặc dù được sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước song số lượng sản xuất ra còn nhỏ, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm may mặc và dệt thoi của Công ty được sản xuất hoàn toàn là tiêu thụ tại thị trường nước ngoài, không có sự tiêu thụ tại thị trường trong nước do đó thương hiệu sản phẩm chưa được xây dựng và biết đến.

- Việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh công ty và sản phẩm còn thiếu tính chủ động. Sự tham gia của Công ty chủ yếu là theo giấy mời của hiệp hội ngành hàng, hầu hết là các hội chợ quốc tế trong nước do đó bị hạn chế khả năng tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài đồng thời việc tìm hiểu về thị trường, chính sách nhập khẩu, thị hiếu và nhu cầu của thị trường nước ngoài bị hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hoạt động trong công tác xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ còn thiếu kinh nghiệm về tổ chức, hình thức tham gia dẫn tới tình trạng Công ty không tham gia hội chợ một cách thường xuyên ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ.

- Công ty hiện nay vẫn chưa xây dựng được một chiến lược sản xuất dài hạ, các kế hoạch đều xây dựng dựa trên các đơn hàng cụ thể. Các sản phẩm của Công ty sản xuất dựa trên sự đặt hàng của bên gia công với các đơn hàng bị chia nhỏ trong một năm và từ nhiều đối tác khác nhau với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau do đó không có một chiến lược phát triển chung, cụ thể cho toàn bộ hoạt động sản xuất mà thường bị động, dựa vào từng đơn đặt hàng để xây dựng kế hoạch sản xuất vì vậy hiệu quả sản xuất không cao.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN CUNG ỨNG DỊCH VỤ HÀNG KHÔNG (Trang 40 - 42)