Đức Khổng Tử khi sang nước Tề, đi qua núi Thái Sơn thấy một ngưới đàn bà khóc ở ngoài đồng, nghe thê thảm lắm. Ngài nói rằng:
Người đàn bà này xem như trong nhà có trùng tang. Rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:
Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ, chồng tôi đã chết vì hổ, bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ạ!
Thầy Tử Cống bảo:
Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác? Người đàn bà nói:
Tuy vậy nhưng ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc tàn bạo như các nơi khác.
Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với Đức Khổng Tử Đức Khổng Tử nói:
Các ngươi nhớ đấy: Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ. Lễ ký LỜI BÀN
Người đàn bà ở một nơi lắm hổ, hổ ăn thịt mất bố chồng, mất chồng lại mất con, đáng lẽ phải bỏ nơi ấy mà đi nơi khác. Nhưng không là tại làm sao? Tại người đàn bà cho chính sách các nơi khác là hà khắc hơn dữ hơn là hổ. Ôi! Hổ có hại chị một số ít người, chớ hà chính hại cả muôn dân, hổ có hại chỉ hại một phương, chớ hà chính hại cả toàn quốc. Hổ hại còn có cạm bẫy, cạm trừ bỏ được, chớ hà chính hại, trừ bỏ rất khó lòng. Thật vậy, kẻ dùng hà chính hại dân đã dữ quá hổ, lại còn bao nhiêu thần tử bè cánh, phần làm cho hổ thêm cánh, phần mượn oai hổ đi ăn thịt người. Hà chính một khi trừ bỏ được thì dân cũng đã điêu tàn và nước cũng đã bao kiệt. Vậy ai là người có chút quyền chính trong tay mà chẳng nên lấy câu “Hà chính mãnh ư hổ” để làm câu cảnh giới thống thiết cho dân được nhờ ư.