Thành thực

Một phần của tài liệu Co Hoc Tinh Hoa 1 (Trang 114)

Vợ thầy Tăng Tử đi chợ. Con khóc đòi đi theo. Mẹ bảo: Con ở nhà rồi mẹ về mẹ làm thịt con lợn cho ăn.

Lúc vợ về thầy Tăng Tử bắt lợn đi làm thịt. Vợ nói: Tôi nói đùa nó đấy mà.

Thầy Tăng Tử bảo:

Nói đùa là thế nào? Đứng khinh trẻ thơ là không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt trước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư!

Tăng Tử nói xong, làm thịt lợn cho con ăn thực.

Lời bàn: “Ấu tử thương thi vô cuồng”; câu kinh Lễ đã dạy, ta không nên nói dối trẻ. Thầy Tăng Tử nhà nghèo, phải giết lợn, mẹ thầy Mạnh Tử cũng có mua miếng thịt lợn nhà láng giềng cho con ăn, đều là đã trót nói đùa vời trẻ cho ăn thịt lợn, thì không muốn dối trá nó, để giữ lấy lòng thực. Phàm cha mẹ, ai là không muốn cho con thành thực. Nhưng muốn như vậy, tất phải giữ gìn, chớ có nói dối nó bao giờ. Lục Chí có câu nói rằng: “ Nều mình không hết lòng thành mà mong người ta hết lòng thành, chắc người ta chán mình mà không theo mình nữa. Lần này mình không có lòng thành mà bảo lần sau rồi có lòng thành, chắc người ta ngờ vực mà không tin nữa”. Cũng một ý với thầy Tăng Tử dạy con vậy.

93. Mẹ hiền dạy con

Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt trước đào, chôn lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói:

Chỗ này không phải chỗ con ta ở được

Rồi dọn nhà ra gần chợ. Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước người ta buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói:

Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được.

Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học. Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thầy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói:

Chỗ này là chỗ con ta ở được đây.

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: Người ta giết lợn làm gì thế?

Bà mẹ nói đùa: Để cho con ăn đấy.

Nói xong, bà nghĩ lại hối rằng:

Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?

Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng:

Con đi học mà bỏ học thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.

Từ hôm đó thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?

Liệt Nữ Truyện LỜI BÀN

Mẹ thầy Mạnh Từ thực là biết dạy con. Mấy lần dọn nhà, thế là hiểu cái lẽ gần mực thì đen gần đen thì rạng. Nói lỡ lời phải mua thịt cho con ăn, thế là hiểu cái lẽ chớ nên nói dối trẻ. Thấy nó bỏ học mà cầm dao cắt đứt tấm vải làm thí dụ, thế là hiểu cái lẽ học hành cốt phải chuyên cần. Người ta đã nói: người mẹ là thầy giáo thứ nhất của trẻ, nên người mẹ phải biết cách dạy trẻ mới được. Dạy con từ thuở còn thơ, cái buổi đầu là cái buổi khó, mà cái buổi ấy là ở trong tay người mẹ, người mẹ tức là người có trách nhiệm gia đình giáo dục rất to, không kém gì người cha, mà có lẽ hơn.

Một phần của tài liệu Co Hoc Tinh Hoa 1 (Trang 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w